Rơi máy bay Myanmar: Hy vọng sống sót mong manh

Lịch sử hàng không châu Á ngày 7-6 ghi nhận thêm một thảm họa nữa khi chiếc máy bay vận tải quân sự Thiểm Tây Y-8 của Trung Quốc trong biên chế không quân Myanmar đã mang theo 122 người xuống lòng biển Andaman.

Lo mưa bão xóa mọi dấu vết

Các nạn nhân xấu số này gồm 35 binh sĩ và sĩ quan quân đội, 73 người thân của họ gồm 58 người lớn và 15 trẻ em, cùng phi hành đoàn 14 người. Quân đội Myanmar có chế độ mỗi tháng một lần cho máy bay chở người thân quân nhân ở các vùng xa xôi hẻo lánh ra các khu đô thị để đi học, mua sắm, khám bệnh. Trưa 7-6, chiếc máy bay Thiểm Tây Y-8 xuất phát từ sân bay Myeik thuộc vùng Tanintharyi (Nam Myanmar) với điểm đến là Yangon - TP lớn nhất Myanmar. Máy bay bị nạn sau cất cánh 29 phút, khi đang bay ở độ cao gần 5.500 m trên vùng biển Andaman cách thị trấn Dawei (vùng Tanintharyi) 70 km về phía Tây.

Ngay sau khi có tin máy bay mất tích, quân đội Myanmar đã nhanh chóng triển khai sáu tàu hải quân và ba máy bay quân sự tìm kiếm. Sáng 8-6, quy mô cứu hộ tăng lên chín tàu hải quân, năm máy bay và hai trực thăng quân sự. Sáng 8-6, lực lượng cứu hộ đã phát hiện ba thi thể - hai người lớn và một trẻ em - trôi dạt bờ biển cách thị trấn Launglon (phía Đông Myanmar) 35 km. Ngoài ra còn có một bánh máy bay, hai phao cứu sinh, một số túi hành lý có quần áo bên trong.

Đến chiều 8-6, phía quân đội Myanmar xác nhận đã phát hiện thêm được bảy thi thể trôi dạt trên biển cũng nằm trong vùng biển cách bờ gần 35 km, gồm năm thi thể người lớn và hai thi thể trẻ em. Trước đó có những thông tin cho biết có 15 hành khách trên chuyến bay được phát hiện sống sót, tuy nhiên thông tin này đã bị phía Myanmar bác bỏ.

Theo trang Myanmar News, hiện có hơn 40 xe cứu thương và đông đảo nhân viên y tế cùng các đội phản ứng nhanh đổ về làng chài Sanlan, bờ biển phía Đông Myanmar. Đây sẽ là nơi các thi thể được tập trung lại để xác nhận danh tính, Hla Thein, một thành viên đội cứu hộ khẩn cấp địa phương, cho biết. Còn tại thị trấn Launglon có 300-400 nhân viên cứu hỏa, y, bác sĩ và các nhân viên phúc lợi xã hội địa phương đang tập trung tại bờ biển để chờ điều động hỗ trợ, ông Naing Myon Thwin, chủ tịch hội mai táng địa phương, cho biết.

Lúc này đang là mùa mưa ở Myanmar. Dự kiến quá trình cứu hộ sẽ hết sức khó khăn, phức tạp và nguy hiểm khi dự báo thời tiết trong hai ngày tới tại khu vực máy bay rơi sẽ có mưa lớn và sấm sét. Việc phát hiện được một số thi thể, mảnh vỡ, hành lý là tín hiệu lạc quan cho công tác cứu hộ. Tuy nhiên, chưa thể khẳng định công cuộc cứu hộ sẽ có kết quả hoặc sẽ điều tra, xác định được nguyên nhân tai nạn, đặc biệt nếu nhìn lại các thảm họa máy bay rơi trên biển gần đây.

Nguyên nhân tai nạn chưa được xác định, tuy nhiên AFP dẫn nguồn tin quân sự Myanmar nhận định khả năng lớn do lỗi kỹ thuật, vì thời tiết khá tốt và phi công dày dạn kinh nghiệm.

Infographic toàn cảnh thảm họa rơi máy bay vận tải quân sự Y-8 chở 122 người tại Myanmar. Đồ họa: THÙY TRANG

Gợi về thảm họa bí ẩn

Gần đây nhất, máy bay Airbus A-232 số hiệu 804 của hãng EgyptAir (Ai Cập) chở 66 người đi từ Pháp sang Ai Cập ngày 19-5-2016 đã rơi trên Địa Trung Hải. Tai nạn xảy ra chỉ 10 phút trước khi vào không phận Ai Cập. Ngay hôm sau, ngày 20-5, lực lượng cứu hộ Ai Cập đã phát hiện một số mảnh vỡ, hành lý, ghế máy bay, cả bộ phận cơ thể. Nhưng đến nay việc tìm kiếm mãi vẫn chưa kết thúc.

Ngày 1-6-2009, chiếc Airbus A330-200 mang số hiệu 447 của hãng hàng không Air France (Pháp) chở 228 người từ Brazil về Pháp đã rơi xuống Đại Tây Dương. Năm ngày sau khi máy bay rơi, lực lượng cứu hộ phát hiện hai thi thể hành khách và một valy chứa vé chuyến bay. Hôm sau tiếp tục phát hiện thêm ba thi thể nữa. Sau đó, mãi đến gần hai năm sau (tháng 4-2011) mới phát hiện thêm một số mảnh vỡ máy bay. Và đó là tất cả những gì lực lượng cứu hộ thu thập được từ thảm họa này. Vì không tìm được xác và hộp đen máy bay, nguyên nhân tai nạn cũng chỉ được công bố theo hướng “có khả năng” do lỗi kỹ thuật và lỗi phi công.

Tai nạn máy bay Myanmar gợi nhớ đến thảm họa máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines (Malaysia) chở 239 người mất tích trên biển ngày 8-3-2014. Địa điểm chiếc máy bay Thiểm Tây Y-8 của không quân Myanmar bị nạn cách địa điểm chiếc Boeing 777-200ER số hiệu MH370 mất tích khoảng 700 km về phía Bắc. Trong khi Myanmar may mắn xác định được dấu hiệu địa điểm máy bay rơi, thu thập được thi thể, mảnh vỡ, hành lý thì tung tích chiếc máy bay MH370 vẫn còn là bí ẩn dù đã hơn ba năm trôi qua.

Vùng biển được khoanh vùng tìm kiếm là Nam Ấn Độ Dương. Chi phí cho ba năm tìm kiếm là 200 triệu USD. Malaysia gánh nhiều nhất, đến Úc và Trung Quốc. Diện tích tìm kiếm MH370 được liệt vào hàng lớn nhất trong lịch sử hàng không thế giới trước nay: 120.000 km2. Ngoài tốn kém tiền của, không thể đo đếm được bao nhiêu nỗ lực của lực lượng tìm kiếm, của các nhà khoa học, chuyên gia. Đến thời điểm này, tất cả những gì thu thập được sau ba năm tìm kiếm là hơn 20 mảnh vỡ được cho là của chiếc MH370 lần lượt được tìm thấy trên nhiều bãi biển khắp Ấn Độ Dương, cùng rất nhiều giả thuyết.

Thế nhưng phần quan trọng nhất là xác máy bay và thi thể các nạn nhân, cũng như các hộp đen giúp xác định nguyên nhân tai nạn vẫn còn đâu đó dưới đáy biển. Sau gần ba năm tìm kiếm vô vọng, từ tháng 1 năm nay, ba nước Malaysia, Úc, Trung Quốc đã thống nhất dừng tìm kiếm trong nỗi đau và sự thất vọng vô bờ của người thân nạn nhân.

Máy bay Thiểm Tây Y-8 tại Trung Quốc có biệt danh “lạc đà trên không”, bắt đầu được Tập đoàn máy bay Thiểm Tây sản xuất từ năm 1980, hiện vẫn còn duy trì sản xuất.

Chiếc máy bay Thiểm Tây Y-8 bốn động cơ cánh quạt vừa gặp nạn được Trung Quốc chuyển giao vào tháng 3-2016, đã có 809 giờ bay. Không quân Myanmar có sáu chiếc Thiểm Tây Y-8 và sử dụng thường xuyên. Thiểm Tây Y-8 là một trong những mẫu máy bay vận tải quân sự và cả dân sự thông dụng nhất ở Myanmar.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm