Rớt nước mắt với hoàn cảnh ngặt nghèo của công nhân

Trưa tháng 6, bệnh tình bé Trần Chí Dũng trở nặng, tay chân tím tái, thở dốc, phải chuyển gấp lên phòng phẫu thuật can thiệp tim BV ĐH Y Dược (quận 5).

Con bệnh, cái mang

Chị Nguyễn Thị Nhung (mẹ bé Dũng) là công nhân một công ty linh kiện điện tử, người chồng làm thuê trong xưởng giày da. Tiền lương dẫu bèo bọt nhưng nhờ chăm chỉ, hai người cũng có đồng ra đồng vào. Để tiết kiệm tiền nuôi con, thời gian nghỉ thai sản, chị Nhung ẵm con về Nghệ An, còn người chồng qua ở trọ ghép cùng đám bạn.

Ba tháng đầu tiên nghe con chậm lớn, người cha dành dụm ăn cơm với nước tương dành tiền lương công nhân mua sữa đắt tiền cho con. Chưa lên được ký lô nào thì mấy tuần sau bé Dũng đột nhiên tím tái, hai mắt trợn trừng. Cầm tờ kết quả tra bệnh trên tay của BV Nhi đồng 1, chị Nhung lặng người: Bé Dũng bị chuyển vị đại động mạch nặng, phải phẫu thuật nhưng không chắc chắn thành công.

Thời gian sau, Dũng được cho điều trị ở Viện Tim. Hai vợ chồng dốc cạn tiền dành dụm thông tim cho con. Rồi cũng đến ngày bệnh viện thông báo điều khó xử: Mổ gấp.

Năm tháng vừa qua với chị Nhung như ác mộng, mùi bệnh viện đã ngập tràn hơi thở. Ngước gương mặt trắng bệch lên phòng hồi sức, đôi mắt thiếu ngủ của chị đỏ hoe khi bà ngoại bé chạy xuống thông báo cháu vẫn chưa tỉnh. Gánh nặng giờ đây dồn hết vào đồng lương công nhân 4 triệu đồng ít ỏi từ chồng.

Chị Nhung gục đầu, nói tiếng được tiếng mất: “Nghe phong phanh từ bác sĩ ca mổ của con em tốn không dưới 150 triệu đồng”. Hỏi có lo nổi không, chị im lặng, thở dài.

Mọi sinh hoạt của công nhân Bùi Thị Thủy giờ phải nhờ đến chồng con. Ảnh: HOÀNG LÊ

Con ráng lo cho em học hành thay mẹ

Tính từ ngày phát hiện mình bị suy thận giai đoạn cuối đến nay đã là năm thứ tám, chị Bùi Thị Thủy (ấp Tây A, Đông Hòa, Dĩ An, Bình Dương) sống cảnh nhai thuốc thay cơm. Chúng tôi đến thăm khi chị vừa từ BV Đa khoa Thủ Đức trở về. Đôi cánh tay gầy trơ xương nặng nề vịn vào thành võng để lộ những đường gân xám xịt, sưng phù vì liên tục hứng vết kim tiêm.

Ngày rời Hà Tây vào Bình Dương làm công nhân, hai vợ chồng chị Thủy chỉ nghĩ đơn giản rằng đi để thoát kiếp cày ruộng, nuôi nấng con thơ ăn học nên người. Giờ đây, bản thân ngày đêm chầu chực tử thần, con trai lớn phải vất vả nai lưng kiếm tiền lo chi phí ăn học, con gái út tám tuổi mang trong mình căn bệnh ruột phình to. Chị Thủy rớm lệ, bảo ước nguyện xưa đã tan tành mây khói. Dường như quá quen những giọt nước mắt cay đắng của vợ, anh Nguyễn Duy Chương lặng lẽ nhìn lên chiếc đồng hồ cũ, quay sang bảo con gái đến giờ mẹ uống thuốc rồi. Mới 43 tuổi nhưng mái đầu anh bạc trắng.

Từ lúc vợ bệnh, anh Chương gánh luôn công việc nội trợ. 5 giờ sáng thức dậy, mua đồ nấu cháo cho vợ, chở con đi học, rồi vội vã chạy qua xưởng in làm việc. Thấy chồng vất vả quá, mặc kệ bệnh tật, chị Thủy xin công ty cũ cho mình đi làm trong mấy ngày khỏe, kiếm được cắc nào hay cắc đó.

Hai năm nay, bệnh tình chị trở nặng, nỗi đau từ cuống thận đã lan đến tận tim. Mới tuần rồi, nhịp tim chỉ còn đập 25 lần/phút, chị phải nhập viện gắn máy trợ tim với chi phí 90 triệu đồng vay mượn đầu trên xóm dưới. Khớp chân chị giờ tê nhức rã rời, bởi hai quả thận chẳng còn lọc được tạp chất trong cơ thể. Nhiều đêm giật mình thức dậy đau đớn, thấy đứa con gái tám tuổi ngồi bên cạnh liên tục đấm bóp cho mẹ, chị khóc thầm.

Vì con, chị Thủy ráng giữ lạc quan. Chị căn dặn anh Chương bằng mọi giá không được nói cho bé út biết mình bệnh nặng, dù đôi khi từ nhà hàng xóm trở về, con gái vẫn vô tư hỏi: “Mấy bác hàng xóm nói mẹ sắp đi xa rồi hả mẹ?”.

Với con trai lớn, chị Thủy gắng hết sức tàn từ tấm thân đã gần kiệt, nhìn con khẩn khoản: “Mai mốt mẹ đi rồi, con ráng lo cho em học hành...”.

1.000 công nhân tham dự Ngày hội công nhân

“Ngày hội công nhân lao động KCX-KCN, khu công nghệ cao TP.HCM” do Công đoàn KCX-KCN TP.HCM phối hợp cùng Pháp Luật TP.HCM tổ chức sẽ diễn ra vào sáng 12-6 tại Công viên văn hóa Đầm Sen.

Tham dự ngày hội có sự tham gia của 1.000 công nhân lao động đang làm việc tại các công ty, nhà máy thuộc các KCX-KCN, khu công nghệ cao của TP.HCM.

Tại ngày hội sẽ có tổng kết các hoạt động Tháng công nhân lần thứ 8 năm 2016; tuyên dương các tập thể và cá nhân đạt thành tích trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2015; biểu dương tấm gương người tốt việc tốt năm 2015; tuyên dương CNVC - lao động tiêu biểu; tư vấn pháp luật thông qua việc xử lý các tình huống; tổ chức bán hàng giảm giá phục vụ công nhân lao động; tặng quà cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn từ nguồn quỹ “Vì người bạn đoàn viên” và các hoạt động vui chơi khác.

Mỗi đại biểu và công nhân tham dự sẽ được miễn phí vé tham quan, được hỗ trợ phiếu ăn trưa và vé tham quan các trò chơi.

Tại ngày hội, Pháp Luật TP.HCM và Công đoàn KCX-KCN TP tổ chức chương trình tư vấn pháp luật trợ giúp pháp lý miễn phí cho công nhân lao động làm việc, sinh sống tại TP.HCM. Trong đó có phần thi đối đầu trực tiếp giữa bốn đội thi là công nhân lao động của các công ty thuộc các KCX-KCN Tân Tạo, Tân Thuận, Tân Bình và Linh Trung. Nội dung thi liên quan đến quyền lợi của người lao động theo quy định của Bộ luật Lao động và Luật BHXH.

Thông qua Pháp Luật TP.HCM, nhiều doanh nghiệp đã hỗ trợ sổ tiết kiệm, quà tặng cho 10 công nhân thuộc các KCX-KCN TP.HCM có hoàn cảnh khó khăn và tặng quà cho những công nhân tham gia ngày hội. Các đơn vị gồm: Công ty TNHH liên doanh Phú Mỹ Hưng, Công ty cổ phần công nghệ Tiên Phong-iTD, Liên hiệp các hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), Công ty cổ phần thương mại truyền thông và du lịch Ngọc Việt, Công ty TNHH Đầu tư NTD Việt Nam, Công ty cổ phần Đầu tư Kim Long.

Dịp này Công đoàn KCX-KCN phối hợp với Pháp Luật TP.HCM và các đơn vị hỗ trợ trao 38 phần quà, 1.000 cẩm nang an toàn thực phẩm và 10 sổ tiết kiệm để hỗ trợ các trường hợp công nhân có hoàn cảnh khó khăn, bị bệnh tật, tai nạn lao động,mỗi sổ tiết kiệm trị giá 5 triệu đồng và 38 phần quà (gồm 700.000 đồng tiền mặt và 600.000 đồng tiền quà).

P.ĐIỀN

Chỉ cần hít phải khói bụi là nôn xối xả

Rớt nước mắt với hoàn cảnh ngặt nghèo của công nhân ảnh 2

Trong danh sách công nhân hoàn cảnh khó khăn mà Liên đoàn Lao động TP.HCM gửi về cho chúng tôi, có không ít trường hợp sa vào cảnh bi đát vì bệnh tật. Như anh Nguyễn Bạc Vàng (ảnh), từ một công nhân khỏe mạnh, đột ngột bốn tháng trước anh hay tin mình hư cả hai quả thận. Chỉ 8 km đi chạy thận từ nhà trọ ở đường 138 (phường Tân Phú, quận 9) đến BV Đa khoa Thủ Đức nhưng với anh dài đằng đẵng. Chỉ cần hít phải khói bụi là anh lại nôn ói xối xả giữa đường. Không ít lần anh tấp vào chốt CSGT rồi nằm bất động mấy tiếng đồng hồ. Những khi quẫn trí, nghĩ mình giờ đã thành gánh nặng cho vợ, anh Vàng tủi hổ, đóng cửa phòng trọ nằm khóc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm