“Siêu đầu bếp” ở Hoàng Sa

Họ là những thủy thủ dày dạn sương gió, ngày ngày vẫn đối đầu với những hiểm nguy rình rập trên biển. Nhưng khi gác lại bộ quân phục đã sờn vai, họ lại trở thành anh nuôi trên biển, chăm lo cơm nước cho toàn bộ thủy thủ trên tàu.

Công phu đầu bếp

Thượng úy Bùi Văn Thắng (chính trị viên tàu) cho biết khác với các đơn vị ở đất liền, trên tàu không có anh nuôi mà anh em thủy thủ phải thay ca nhau làm đầu bếp.

Trong khu bếp rộng chưa đến 3 m2, ba anh nuôi bận rộn chuẩn bị cơm trưa cho cả tàu. Toàn bộ xoong nồi, chảo, chén bát… đều được các anh cố định bằng những sợi dây thép chắc chắn. Hai chiếc tủ lạnh chứa thực phẩm sống như thịt, cá, mực… cũng được buộc lại với nhau thành một khối.

Anh nuôi Nguyễn Viết Công nấu cơm trên tàu “quả lắc” cảnh sát biển 9001. Ảnh: TT

“Tàu đi biển đã gần một tháng nên lương thực, nước ngọt cũng cạn dần, anh em phải nấu nướng tiết kiệm. Giờ chỉ còn đồ ăn khô và một vài loại củ, quả như bí đao, bí đỏ, củ cải… còn các loại rau xanh thì đã hết từ lâu” - Thiếu úy Nguyễn Viết Công - “bếp trưởng” cho hay. Vừa nhanh tay đảo món củ cải xào, Thiếu úy Công cẩn thận nêm từng chút hạt nêm. Cứ mỗi đợt sóng dồn đến, Công phải vịn tay vào thành bếp để giữ cho khỏi ngã.

Trên tàu, mỗi đầu bếp đều có một món sở trường riêng. Với Thiếu úy Công, đó là món thịt kho mẻ giả cầy. “Hồi còn ở quê, mẹ vẫn thường dạy mình nấu món này. Nguyên liệu chế biến cũng đơn giản và dự trữ sẵn trên tàu nên nó là món khoái khẩu của dân đi biển. Mỗi lần ăn món này lại gợi nhớ về hình ảnh của mẹ, quê hương” - Thiếu úy Công tâm sự.

Sinh ra trong gia đình đông anh em ở Gia Lai, từ nhỏ Nguyễn Minh Hùng được cha mẹ cưng chiều nên ít khi biết đến chuyện bếp núc. Nhưng từ ngày nhập ngũ (năm 2004), môi trường quân đội đã dạy cho anh cách nấu ăn, chế biến thực phẩm trong điều kiện sinh hoạt ngặt nghèo trên biển. “Hồi mới lên tàu, chưa quen với sóng gió, có hôm gió giật cấp 7-8, vừa đứng nấu ăn vừa nôn tháo. Miết rồi cũng quen, giờ mình có thể nấu thành thạo các món ăn trong điều kiện sóng cấp 6-7” - Hùng chia sẻ. Nhiều hôm sóng lớn, con tàu rung lắc mạnh khiến nồi cơm chao đảo không kịp chín, mọi người phải ăn tạm cơm sống. Hai chân kẹp chặt quả bí đao, Hùng đưa những nhát dao cạo vỏ thành thục. “Trên con tàu “quả lắc” này phải chọn điểm tựa vững chắc mới dám sử dụng đến các loại dao, kéo. Chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng có thể làm mình bị thương”.

Đầu bếp Hùng chế biến món ăn trên tàu. Ảnh: TT

Bữa ăn chông chênh trên tàu “quả lắc”

Cũng nhờ được rèn luyện trên con tàu này mà nhiều người đã được phong danh hiệu “siêu đầu bếp” bởi khả năng nấu nướng trong môi trường sóng lớn, tàu chòng chành. Nhiều anh em còn đùa vui, nếu có cuộc thi nấu ăn ở Hoàng Sa thì anh em tàu cảnh sát biển 9001 sẽ ẵm huy chương vàng.

“Mấy hôm biển động, sóng tràn lên cả boong tàu, nhiều anh em say sóng, không ăn nổi cơm. Tôi phải lần theo hành lang, về khoang bếp để nấu một nồi cháo lớn cho mọi người húp cầm hơi. Mỗi người mang theo một cái chén đến phòng bếp tự lấy ăn chứ không thể dọn sẵn lên bàn” - anh Hùng kể.

Bàn ăn trên tàu cảnh sát biển 9001 cũng được thiết kế, sắp đặt theo hình vòng cung, có nhiều góc cạnh để chống chọi với những đợt rung lắc liên hồi. Trên mỗi mặt bàn ăn, trải thêm một lớp vải dày để chống trượt.

Bữa cơm trưa đầu tiên trên tàu cảnh sát biển 9001 được dọn ra, chúng tôi chưa kịp cầm chén thì tàu gặp sóng lắc mạnh. Thuyền phó Vũ Văn Hội vội buông đũa giữ lấy tô canh đang bị lôi tuột khỏi bàn. Hai người ngồi bên cạnh cũng nhanh tay giữ lại tấm vải và dĩa thức ăn. “Đừng để rơi đồ ăn, mấy đứa đầu bếp nó buồn” - anh Hội cười trừ. Mọi người một tay giữ đồ, còn tay kia nhanh và mấy thìa cơm để kịp xong bữa.

Anh Hội cho biết nhiều hôm, cả tàu đang ăn cơm thì còi báo động hụ inh ỏi, báo hiệu tàu Trung Quốc đang áp sát. Tất cả thủy thủ bỏ đũa, chạy vào vị trí tác chiến. Sau những giờ giằng co, rượt đuổi trên biển, các anh quay lại mâm cơm thì chén đũa, xoong nồi đã bị hất văng tung tóe. Anh em cố nhặt nhạnh những gì còn lại để lót dạ bữa trưa, có người bỏ bữa luôn.

TẤN TÀI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm