Sông Mekong đã quá tải đập thủy điện

Trả lời nhanh Pháp Luật TP.HCM từ Tây Ban Nha, Giáo sư (GS) Chung Hoàng Chương, nguyên GS thuộc ĐH San Francisco (Mỹ), nhận định sự cố vỡ đập thủy điện ở Lào là thảm họa sớm muộn gì cũng xảy ra, không chỉ vì yếu tố con người mà còn ở yếu tố khí hậu.

Tác nhân gây sự cố thủy điện Lào

. Phóng viên: Ông nhìn nhận như thế nào về nguyên nhân vỡ đập phụ dự án thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy tại Lào?

+ GS Chung Hoàng Chương: Theo tôi, sự cố vỡ đập thủy điện ở Lào sớm muộn gì cũng sẽ xảy ra, chỉ là vấn đề thời gian mà thôi. Thứ nhất, thế giới ngày càng có nhiều thiên tai xảy ra, ví dụ bão Sandy đã xảy ra ở New York, Katrina ở New Orleans, gần đây là mưa bão tại Hiroshima ở Nhật và không biết bao nhiêu trận mưa bão đánh vào miền Trung Việt Nam. Các thiên tai này có thể tác động mạnh đến các dự án thủy điện. Biến đổi khí hậu là có thật chứ không phải là tưởng tượng của một số nhà khoa học. Tuy nhiên, dường như thế giới và ngay cả những nước tiên tiến vẫn chưa chuẩn bị đầy đủ.

Thứ hai, phía thực hiện dự án thủy điện của Lào có thể đã chịu một sức ép nào đó về thời gian hoàn thành công trình nên họ không có kế hoạch ứng phó rủi ro khi thời tiết có những đột biến. Sự cố Xe-Pian Xe-Namnoy vừa là hậu quả của biến đổi khí hậu, vừa là hệ lụy của việc thiếu vắng một kế hoạch dự phòng nên khi xảy ra sự cố đã không kịp ứng phó.

Công ty SK Engineering & Construction của Hàn Quốc tham gia vào dự án này lại ít được biết đến về kinh nghiệm làm thủy điện như nhiều tên tuổi lớn khác về thủy điện. Họ chỉ có hai dự án lớn, trong đó có đường ngầm dẫn nước ở Thổ Nhĩ Kỳ. Có thể vì thiếu kinh nghiệm thủy điện nên họ không có một chương trình ứng phó rủi ro kịp thời. Theo suy đoán của tôi, sự cố Xe-Pian Xe-Namnoy phản ánh sự vội vàng của Lào cũng như thiếu sự tham gia của người dân trong vùng cho đến khi họ trở thành nạn nhân của vỡ đập.

. Tựu chung lại, sự cố lần này là một hệ lụy về mặt quản trị rủi ro thủy điện của Lào, hay có thể nhìn rộng ra là một cảnh báo của việc ưa chuộng thủy điện phát triển kinh tế?

+ Thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy không ngay dòng chính của sông Mekong nhưng hậu quả của sự cố rất rõ rệt. Hiện vẫn chưa biết được số người mất tích. Khoảng 6.000 người phải di tản. Thủy điện có hai mặt: Một mặt thì mang lại năng lượng tương đối sạch, rẻ và có một thời gian được Ngân hàng Thế giới ủng hộ. Thủy điện có thể điều chỉnh được lượng nước và giúp cho nông nghiệp cũng như công nghiệp. Tuy nhiên, thủy điện hàm chứa những rủi ro và những người dân sống trong khu vực dự án là những người bị thiệt thòi nhiều nhất. Họ bị di dời, không được bồi thường thỏa đáng, văn hóa bản địa bị xóa và có khi như trường hợp Xe-Pian Xe-Namnoy, bị đe dọa tính mạng.

Những nghiên cứu gần đây cho biết nhà đầu tư là người được hưởng lợi nhưng những gì họ hứa hẹn với cộng đồng thì lại quên rất nhanh, trong đó có nhiều trường hợp BOT. Vì vậy, theo tôi, thủy điện không có tính bền vững vì chỉ phục vụ cho những tập đoàn đầu tư. Khi đã hoàn thành, bàn giao lại cho chính phủ quản lý thì chi phí bảo trì, vận hành công trình rất cao, tạo ra gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

GS Chung Hoàng Chương. Ảnh: NVCC

Vỡ đập thủy điện khiến hàng ngàn người dân Lào tại tỉnh Attapeu khốn khổ. Ảnh: DNAINDIA

Càng nhiều thủy điện càng nhiều vấn đề

. Hệ thống sông Mekong có mạng lưới thủy điện dày đặc trên cả dòng chính lẫn dòng phụ. Sự cố vỡ đập ở Lào nói lên điều gì về vấn đề quản trị sông Mekong?

+ Hệ thống thủy điện trên dòng sông Mekong có thể được chia thành ba vùng. Thượng nguồn với những đập tam cấp như Mạn Loan, Tiểu Loan, Cảnh Hồng, Công Quả Kiều thì Trung Quốc đã khống chế nguồn nước. Họ đang đối phó với vấn đề thiếu nước ở những tỉnh phía Bắc, vì vậy không nên tin vào họ. Phần lớn nước của sông Lan Thương trong tỉnh Vân Nam đã dùng cho thủy điện. Có thể hình dung những hồ chứa khổng lồ dài hàng trăm cây số nối tiếp nhau để phục vụ cho nhu cầu năng lượng Trung Quốc. Tôi có đi quan sát một số khu di dân vùng Đại Chiếu Sơn và thông cảm nỗi khổ của họ.

Vùng 2 của sông Mekong mà ĐBSCL có thể dựa vào nguồn nước là hệ thống 3S (gồm sông Serepok, Sekong và Sesan) cũng như Biển Hồ Tonle Sap. Tuy nhiên, 3S lại đổ vào những nước láng giềng là Lào, Campuchia, vì vậy nếu có những công trình thủy điện trên dòng chính Việt Nam thì buộc phải có đánh giá và tham gia của Việt Nam về dự án. Ví dụ, thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy gắn liền sông Sekong từ sườn phía Đông dãy Trường Sơn tại tỉnh Thừa Thiên-Huế chảy qua. Nếu Lào chặn nguồn nước này thì lượng nước xuống ĐBSCL sẽ giảm đi.

Vùng 3 là vùng sông Mekong từ biên giới Campuchia đến cửa Tiểu, cửa Đại Hàm Luông, Cổ Chiên… Đây là ĐBSCL nơi mà gần 20 triệu dân Việt Nam đang sinh sống, chịu ảnh hưởng rất nhiều từ hai vùng trên. Vùng này chủ yếu đê điều chứ không có nhiều đập nước. Vì vậy, thủy điện ảnh hưởng rất nhiều đến an ninh lương thực Việt Nam. Nhiều đập thủy điện thì sinh ra nhiều vấn đề, cụ thể như thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy ảnh hưởng đến vùng 3S. Có lần tôi đi Champasak và sau đó qua Ratanakiri thì thấy cư dân của vùng này rất cần nguồn nước từ sông Sekong. Nếu không có những thỏa thuận lâu dài giữa những quốc gia hạ nguồn thì sinh kế của bao nhiêu triệu người sẽ bị ảnh hưởng sâu. Có thể nói là hiện tại sông Mekong đã quá tải đập thủy điện.

Cơ chế quản lý Mekong “không có răng”

. Ông đánh giá như thế nào về các cơ chế và giải pháp quản lý sông Mekong tính đến hiện nay?

+ Từ khi Ủy ban Sông Mekong (MRC) ra đời từ năm 1995 thì Trung Quốc hoàn toàn không tham gia các hoạt động. Gần đây, Hợp tác Lan Thương-Mekong (LMC) do Trung Quốc đề xướng với sự tham gia tích cực hơn của nước thượng nguồn. Dù vậy, đến nay ai cũng mong bên cạnh MRC và LMC sẽ có một mô hình hữu hiệu hơn. MRC được ví là cơ chế “không có răng”. Nhiều nghiên cứu về Mekong có tính khả thi nhưng rồi đâu cũng lại vào đấy, không có thay đổi nhiều.

Vai trò của ASEAN vẫn còn là dấu chấm hỏi. Ví dụ, ASEAN áp dụng mô hình “đồng thuận” nhưng làm sao đồng thuận hết được khi mỗi quốc gia có những thách thức khác nhau. Vì vậy, tôi nghĩ phải có một thể chế ràng buộc tận dụng sức mạnh mềm (ví dụ, ngoại giao trao đổi văn hóa Mekong, du lịch Mekong…) nhưng phải có một khung pháp lý mang tính bắt buộc, như việc những thành viên ký kết một hiệp định xuyên quốc gia về quản trị sông Mekong. ASEAN có thể làm trung tâm việc này.

Cần cập nhật công nghệ hiện đại giảm rủi ro

Nếu nhìn lại lịch sử thủy điện sẽ thấy cả một khối công nghệ cần được cập nhật và phải có những kỹ thuật hay kiến thức mới dựa trên yếu tố biến đổi khí hậu và mô hình phát triển bền vững. Kỹ thuật lỗi thời trước đây dựa trên dữ liệu cũ (về thời tiết bình thường và các điều kiện bình thường khác) rồi thiết kế. Hiện tại không còn “bình thường” nữa (ví dụ khí hậu) thì phải có thay đổi. Những đập thủy điện trước những năm 90 của thế kỷ trước đã quá cũ, có thể gây ra nhiều sự cố và rủi ro. Ngoài ra, Việt Nam, Lào lẫn Campuchia đều có điều kiện tốt để triển khai một hay tất cả loại năng lượng như điện gió, điện mặt trời về lâu dài.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm