Tết ở trại giam: Trải lòng của một kỹ sư công nghệ

Ngày 21-9, xử sơ thẩm, TAND tỉnh Bình Dương phạt Phạm Văn Tùng (36 tuổi, quê Tiền Giang) án chung thân về tội giết người.

Tình bạc của chàng kỹ sư công nghệ

Chiều dần tàn, những tia nắng le lói chen qua kẻ lá. Ngoài cổng phân trại số 1 của trại giam Phước Hòa, những phạm nhân đi làm đã trở về. Tùng là người cuối cùng ở trại giam tôi được trò chuyện.

Bị cáo Phạm Văn Tùng bị giải ra xe sau phiên xét xử . Ảnh: PLO

Tùng bước vào phòng với một bên túi áo đã bị rách cùng ánh mắt hằn học, bất cần: “Chị hỏi thì tôi trả lời nhưng về vụ án thì đừng hỏi”.

Khuôn mặt sáng, học giỏi, Tùng từng là niềm tự hào, hãnh diện của ba mẹ, thầy cô. Đường công danh, học hành khá suôn sẻ nhưng chẳng hiểu sao đường tình cứ lận đận. 37 tuổi, Tùng trải qua 3 mối tình nhưng chẳng mối tình nào trọn vẹn. “Người yêu đầu của tôi đã chết. Người thứ hai đi nước ngoài rồi mất tích. 7 năm xa cô ấy tôi không hề qua lại, hẹn hò với bất kì cô gái nào cho đến khi gặp T. Năm đó tôi 35 tuổi, chúng tôi đã xác định 2014 sẽ cưới, đợi cô ấy ra trường. Vậy mà, …”.

Tùng nói cho đến bây giờ anh cũng không biết tại sao lại làm như vậy. Thậm chí từ nhỏ đến lớn anh chưa từng giết một con gà.  Đến tận bây giờ, khi được hỏi còn yêu cô ấy không, Tùng im lặng trong chốc lát rồi thở dài: “Tôi vẫn còn yêu cô ấy”!

Theo cáo trạng, Tùng và chị T. (23 tuổi, Bình Dương) có quan hệ yêu đương. Khoảng đầu năm 2015, phát hiện chị này có tình cảm với người khác, hai người liên tục xảy ra mâu thuẫn. Tùng mua hai chai thuốc trừ sâu để sẵn trong quán bida dự định giết T rồi tự tử. Ngày 9-5, khi T. đến quán, Tùng tỏ cử chỉ âu yếm thì bị từ chối.

Khi nghe người yêu nói lời chia tay, Tùng tức giận đến kệ bếp lấy một con dao xếp, ngồi đè lên người và nói: “Nếu em bỏ anh đi với người khác thì anh sẽ giết em”. Khi cô này vừa dứt lời, Tùng đâm nhiều nhát làm T. chết tại chỗ. Sau khi gây án, Tùng bế T. đặt trong quầy thu ngân, phủ chăn rồi uống hai chai thuốc trừ sâu, chạy xe về Tiền Giang. Sau đó, đến công an đầu thú và được đưa đến bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương điều trị. 

Mẹ là người phụ nữ tuyệt vời nhất

Ánh mắt của Tùng chỉ trở nên ôn hòa hơn khi nói về mẹ. “Mẹ tôi là người phụ nữ tuyệt vời nhất trên đời”, Tùng kể chuyện.

Tùng vẫn còn nhớ mãi cái ngày tòa xét xử xong, công an giải đi, người ta chỉ trỏ chửi bới anh, mẹ như con gà xù lông che chở cho đứa con dại. “Mẹ cứ chạy theo xe đến khi gục xuống. Hình ảnh đó tôi không thể nào quên được”, Tùng cúi đầu.

Những ngày lễ tết, đến thăm Tùng, mẹ sẽ qua mộ cô gái thắp hương như một lời tạ tội và xin tha thứ. Tùng nói anh gắng được đến ngày hôm nay là nhờ mẹ và những người bạn tù. “Tôi sống kế bên những người bị tuyên án tử. Mỗi ngày họ đều hát: “Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao…”. Họ hát vui vẻ suốt ngày vì họ bảo hôm nay vậy chứ biết đâu ngày mai chết không chừng”.

Cán bộ trại giam báo hết hết giờ, Tùng hẹn nếu một ngày tôi trở lại, có thể 5 tháng sau, một năm hoặc 10 năm khi Tùng đã sẵn sàng để trải lòng anh sẽ kể cho tôi nghe toàn bộ câu chuyện. “Giờ tôi chỉ cố gắng cải tạo tốt, ngày về mà đời còn cho gì thì tôi lấy cái đó. Rồi tôi sẽ đi tu”, Tùng nói rồi bước ra cửa.

Nắng đã tắt hẳn.

Hơn 2 năm đã trôi qua, mộ T giờ đã xanh cỏ. Cũng là chừng ấy thời gian Tùng phải trả giá cho sai lầm của mình. Nhưng có lẽ cái giá đắt nhất Tùng phải trả không phải là những năm tháng tuổi trẻ đằng đẵng trong tù mà là tính mạng của người con gái Tùng yêu thương lại do chính mình cướp đoạt. Là người mẹ già ở nhà vẫn ngày đêm vò võ ngóng tin con trở về...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm