Than lậu hoành hành đất mỏ - Bài 2: Hợp thức hóa than lậu: Rất dễ!

Tại Quảng Ninh, các bãi xuất lậu than tập trung chủ yếu tại khu vực Làng Khánh, Hoành Bồ, Mạo Khê, Cẩm Phả… Tuy nhiên, Công an tỉnh Quảng Ninh xác định điểm tập kết than lậu lớn nhất lại tập trung ở huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng). Các bãi than chạy suốt từ bến Rừng tới cầu Đá Bạc rồi than được rót lên tàu xuất đi Trung Quốc.

Một bộ hóa đơn quay vòng nhiều chuyến

Bò qua con đường đất trồi sụt, chiếc xe vào tới bãi bên bờ Cửa Lục (Quảng Ninh), đổ ụp than xuống rồi phóng vụt đi. Tại bãi than, máy xúc lập tức vục gầu đưa than xuống chiếc sà lan loại nhỏ đậu sát mép sông. Sau khi đầy hàng, chiếc sà lan chạy ra giữa dòng, cặp vào chiếc tàu vận tải đang buông neo. Gom chừng vài ba đêm, tàu đủ lượng than chừng 2.000 tấn thì nhổ neo. Chỉ riêng ở khu Hà Khánh, Cao Xanh cũng khó mà đếm xuể mỗi đêm có bao nhiêu chuyến xe tải đủ loại chở than đi tiêu thụ. Than khai thác từ các công trường “thổ phỉ” của Đông Triều, Uông Bí, Hạ Long, Hoành Bồ, Cẩm Phả sau khi pha trộn sẽ được xe ô tô chuyển tới bãi tập kết chờ xuống tàu.

Một lái xe cho biết để đối phó với cơ quan chức năng, các chủ vận chuyển có sẵn hóa đơn, nếu bị bắt giữ trên đường, lái xe chỉ việc bỏ đi, chừng 30 phút sau sẽ có người mang hóa đơn hợp pháp tới giải cứu.

Theo Bộ đội Biên phòng Hải Phòng, các tàu than lậu có rất nhiều thủ đoạn qua mặt lực lượng kiểm tra. Những đầu nậu thường móc nối với các doanh nghiệp (DN) có chức năng kinh doanh than ở các tỉnh để hợp thức hóa chứng từ. Các tàu than lậu thường sử dụng một bộ hóa đơn quay vòng. Một bộ hóa đơn được sử dụng cho nhiều chuyến hoặc dùng cho nhiều tàu đồng loạt đi từ nhiều bến. Nếu tàu nào bị bắt thì sử dụng bộ hóa đơn đó để giải cứu.

Than lậu hoành hành đất mỏ - Bài 2: Hợp thức hóa than lậu: Rất dễ! ảnh 1

Bộ đội biên phòng kiểm tra tàu than lậu. Ảnh: HUY HOÀNG

Đủ nguồn than lậu

Theo Đại tá Nguyễn Thế Bình, Chánh Văn phòng Công an tỉnh Quảng Ninh, lượng than xuất lậu qua biên giới chủ yếu có từ nguồn trong các mỏ của Vinacomin, số lượng than trôi nổi trong dân là không đáng kể. Tình trạng thông đồng, móc ngoặc giữa dân buôn lậu với bảo vệ mỏ, nhân viên giám định, thủ kho ngành than diễn ra khá phổ biến.

Năm 2009, công an bắt giữ hai xe ô tô tải hạng nặng thiết kế thêm ngăn chứa bí mật để lấy than tại mỏ Vàng Danh. Trước khi cân tĩnhbì, lái xe cho nước vào thùng, khi lấy than, nước được xả ra và đưa than vào. Việc gian lận này diễn ra thường xuyên và có sự tiếp tay của một số công nhân mỏ. Sau đó, vụ trộm 50 tấn than tại Công ty Than Nam Mẫu (Vinacomin) bằng cách hợp thức hóa chứng từ cũng bị phanh phui. Công an đã bắt giữ 19 người, đa số là nhân viên Công ty Than Nam Mẫu.

Ngoài ra, theo Công an tỉnh Quảng Ninh, Vinacomin quy định việc vận chuyển than do các đơn vị thuộc tập đoàn thực hiện giao tận nơi cho khách hàng ở “cuối nguồn” nhằm ngăn chặn việc các đơn vị lợi dụng việc trợ giá tuồn ra ngoài. Tuy nhiên, thực tế vẫn có một lượng lớn than tiêu thụ nội địa được các DN ngành than bán trao tay tại “đầu nguồn”. Sau đó số than này đến tay đầu nậu xuất đi Trung Quốc.

Điển hình như trường hợp Công ty Mai Trường (trụ sở tại Hải Phòng) được phép mua than của bốn DN. Lẽ ra các DN này phải giao than tại cảng Máy Chai (Hải Phòng) rồi mới giao cho Mai Trường nhưng họ lại giao thẳng cho Công ty Mai Trường tại Quảng Ninh, để rồi công ty này sang mạn cho các DN khác xuất đi Trung Quốc 400.000 tấn than, giá trị hơn 100 tỉ đồng.

Cũng theo các cơ quan chức năng, một trong những cách hợp thức hóa than thổ phỉ, than không rõ nguồn gốc là tuyệt chiêu “tận thu”. Công ty CP Tập đoàn Indevco của ông Đỗ Thành Trung (Trung “con”) từng tình nguyện xin dập tắt lửa cháy âm ỉ dưới đồi Cháy (đồi Mông Giăng) ở phường Cẩm Tây, thị xã Cẩm Phả. Tỉnh đã giao 100.000 m2 mặt bằng đồi Cháy cho DN này bốc xúc đất đá, đồng thời tận thu than bên dưới.

Theo quy chuẩn bốc xúc đất đá và trữ lượng than có tại khu vực, tối đa Indevco chỉ thu được 200.000 tấn than. Thế nhưng theo Cục Hải quan Quảng Ninh, từ năm 2004 đến 2010, Indevco đã xuất khẩu tới 3,25 triệu tấn than, trong đó có 2,8 triệu tấn tận thu từ đồi Cháy, còn lại hơn 430.000 tấn mua từ Vinacomin. Cơ quan chức năng xác định Indevco đã khai khống nguồn đầu vào hơn 2,8 triệu tấn than xuất khẩu. Số than này thực chất là than trôi nổi không rõ nguồn gốc.

Đùn đẩy trách nhiệm xử lý

Vụ “than tặc” đưa phương tiện khai thác than trái phép kiểu đại công trường lộ thiên xảy ra tại tổ 9, khu 7, phường Hà Tu đã làm xôn xao dư luận vùng mỏ vào tháng 7-2011. Đây là khu vực thuộc ranh giới quản lý tài nguyên của Công ty Than Núi Béo nhưng phía trên là nhà cửa, vườn tược của các hộ dân. Từ cuối năm 2010, các trùm than thổ phỉ đã mua và thuê lại vườn đồi của dân đưa máy xúc, phương tiện vận tải vào bốc xúc đất đá lấy than. Tới đầu tháng 7-2011, khi vạt đồi bị khoét vẹt đi, dưới chân đồi đã bị đào thành moong than rộng 2.000 m2 sâu hàng chục mét, TP Hạ Long mới tổ chức lực lượng san lấp, ngăn chặn.

Tại thời điểm đó, ông Đào Xuân Đan, Chủ tịch UBND TP Hạ Long, cho biết than nằm trong ranh giới của Công ty Than Núi Béo nên trách nhiệm thuộc về DN này. Chính quyền phường, TP chỉ có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ chủ mỏ. Ngược lại, công ty căn cứ vào quy chế phối hợp ký giữa Vinacomin với UBND TP Hạ Long, khẳng định chính quyền phải chịu trách nhiệm. Từ tháng 4-2011, phát hiện tình trạng thổ phỉ than tại đây, công ty đã có văn bản đề nghị TP Hạ Long, phường Hà Tu có biện pháp xử lý ngăn chặn. Phường Hà Tu có lập biên bản xử lý nhưng không thực hiện biện pháp ngăn chặn triệt để nên “than tặc” tiếp tục đào bới, khai thác than tại lộ vỉa này trong nhiều ngày.

Tương tự cũng từng xảy ra việc tranh cãi trách nhiệm trong vụ cướp than tại vùng mỏ Mạo Khê dịp tết Canh Dần 2010. Theo Công ty Than Mạo Khê, khi phát hiện “than tặc” tập trung máy móc, DN này đã có văn bản gửi UBND huyện Đông Triều đề nghị huyện có biện pháp mạnh, kịp thời giúp công ty ngăn chặn. Tuy nhiên, lãnh đạo UBND huyện Đông Triều phủ nhận việc Công ty Than Mạo Khê có công văn kêu cứu. 15 điểm lộ vỉa “than tặc” khai thác thuộc ranh giới quản lý tài nguyên của Công ty Than Mạo Khê nhưng trên đó là nhà vườn của dân. Huyện Đông Triều cho rằng địa phương chỉ có trách nhiệm quản lý đất đai, còn trách nhiệm quản lý tài nguyên thuộc về chủ mỏ. Tuy nhiên, nếu căn cứ theo thỏa thuận về quản lý khai thác than giữa Vinacomin và UBND tỉnh Quảng Ninh thì trách nhiệm quản lý tài nguyên thuộc về UBND huyện và các xã, thị trấn!

Từ năm 2008, cửa khẩu Vạn Gia bị chặn, hầu hết các tàu than lậu đều đi vòng ra vùng biển Bạch Long Vỹ, sau đó chạy thẳng vào các cảng Kỳ Xá, Khâm Châu, Bắc Hải (Trung Quốc). Năm 2010, Công an tỉnh Quảng Ninh đã bắt giữ 10 vụ vận chuyển than qua biên giới. Lực lượng biên phòng Hải Phòng cũng bắt giữ không ít tàu than lậu trên vùng biển Cát Bà, Bạch Long Vỹ.

(Theo tài liệu của Công an tỉnh Quảng Ninh)

HUY HOÀNG

Kỳ tới: Trị than thổ phỉ quá khó? Thật ra là đã có quy chế. Chính quyền và chuyên gia nói gì về giải pháp trị than thổ phỉ?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm