Thuê bao ‘chính chủ’ làm nhiều nước đau đầu

Hiện nay trên thế giới đã có nhiều chính phủ giới thiệu và áp dụng các quy định bắt buộc công dân cung cấp thông tin cá nhân khi đăng ký thuê bao điện thoại như một biện pháp thắt chặt an ninh quốc gia và đảm bảo thực thi pháp luật.

Chống khủng bố cần… chính chủ

Việc siết chặt xác minh danh tính chủ thuê bao đang ngày một tăng ở nhiều nước nhằm đối phó với nguy cơ khủng bố và tội phạm. Thẻ SIM nặc danh kể từ sau năm 2001 đã bắt đầu được nhìn nhận như một thách thức an ninh tại nhiều quốc gia, đặc biệt khi các phần tử khủng bố có thể sử dụng SIM chưa đăng ký để kích hoạt bom mìn từ xa bằng điện thoại. Nhiều vụ đột kích các cơ sở khủng bố cũng thường xuyên phát hiện những số lượng lớn SIM nặc danh, theo Strategy Page.

Chính phủ Pakistan cũng đang đề xuất các nhà mạng thiết lập hệ thống sinh trắc học vân tay tại các trung tâm phân phối thẻ SIM và liên kết hệ thống này với cơ sở dữ liệu dấu vân tay của chính phủ. Vào năm 2012, Cơ quan Quản lý viễn thông của Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) cũng đã ban hành một nghị định yêu cầu tất cả thuê bao di động phải đăng ký lại thẻ SIM của họ trong vòng 18 tháng. Việc ban hành nghị định trên dựa vào hàng loạt vụ kiện dân sự và hình sự liên tục gia tăng, trong đó các vấn đề pháp lý và tài chính nghiêm trọng đã nảy sinh vì người dùng điện thoại đã đem thẻ SIM cho những người khác sử dụng. Hai nhà mạng lớn nhất của UAE đã được chính phủ yêu cầu thực hiện các chiến dịch nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc cung cấp thông tin cá nhân khi đăng ký thuê bao di động.

Ở Nigeria, các nhà mạng sẽ thu thập các thông tin cá nhân của người dùng để phát triển các sản phẩm và dịch vụ nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu đa dạng của người dùng thông qua thương mại điện tử. Chính sách này nhằm hỗ trợ cuộc chiến chống nhóm khủng bố khét tiếng Boko Haram. Đến năm 2013, Ủy ban Truyền thông Nigeria đã thu thập được 110 triệu thông tin vào cơ sở dữ liệu của họ, bao gồm cả sinh trắc học vân tay của người dùng. Đầu năm 2016, Nigeria thậm chí đã đặt mức phạt đến 250 triệu USD để buộc MTN, nhà mạng Nam Phi lớn nhất nhì châu lục, cắt gần năm triệu thuê bao không chính chủ. Khi MTN làm lơ không chấp hành, hàng loạt đại lý của hãng tại Nigeria đã bị đóng cửa cảnh cáo.

Vẫn còn nhiều tranh cãi về việc cung cấp thông tin cá nhân của người dùng cho các nhà mạng. Ảnh: REUTERS

Quy định bắt buộc thuê bao di động tại Việt Nam phải chụp ảnh đang gây phản ứng trong dư luận. Ảnh: HTD

Đe dọa quyền riêng tư

Những quốc gia đề xuất quy định trên thường đưa ra lý do rằng chính phủ sẽ cải thiện hiệu quả việc thi hành luật pháp và thúc đẩy nỗ lực chống khủng bố của các nước. Tuy nhiên, cũng có vô số tranh cãi cho rằng chính sách này là sự xâm phạm về quyền riêng tư của người dân.

Ở Mexico, nghị định đăng ký thuê bao di động được chính phủ giới thiệu vào năm 2009 đã bị bãi bỏ sau khi một cuộc đánh giá cho thấy rằng nó không có tác dụng trong việc ngăn ngừa và truy tố tội phạm. Chính phủ các nước như Anh, Canada, Cộng hòa Czech, Romania và New Zealand đã từng cân nhắc việc áp dụng chính sách này để quản lý người dân. Tuy nhiên, sau khi xem xét thì các nước đều đã “quay lưng”.

Mặc dù chính phủ các nước không đưa ra các đánh giá chi tiết nhưng các báo cáo cho thấy không hề có bằng chứng rõ ràng rằng việc bắt buộc người dùng cung cấp thông tin cá nhân khi đăng ký thuê bao điện thoại sẽ có lợi ích cho các cuộc điều tra tội phạm. Đây cũng được xem là lý do chính mà nhiều nước từ chối áp dụng chính sách này. Quốc hội Philippines cũng từng đề xuất giới thiệu dự thảo về thuê bao di động cá nhân vào năm 2000 nhưng đã để bị “bỏ ngỏ” cho đến năm 2013 khi xảy ra các vụ khủng bố trong nước được cho là có liên quan đến những người sử dụng SIM rác. Theo phát ngôn viên của tổng thống Philippines: “Những lo ngại về an ninh quốc gia phải nên được cân bằng với quyền riêng tư của công dân”.

Ở Trung Quốc, đề xuất của dự thảo luật về việc cung cấp thông tin cá nhân cho các thuê bao di động vào năm 2010 đã gia tăng lo ngại của người dùng về các vấn đề riêng tư. Đã có những người dùng không mong muốn cung cấp các thông tin riêng tư vì sợ rằng thông tin cá nhân của họ sẽ bị đem bán và phát tán cho bên thứ ba. Ngoài ra, hiện vẫn chưa có luật bảo vệ các dữ liệu mật tại Trung Quốc, điều này đồng nghĩa với việc các nhà mạng phải có trách nhiệm hơn nữa trong việc bảo vệ và quản lý những thông tin này.

Cần loại bỏ các rào cản

Ngoài lo ngại về xâm phạm quyền riêng tư, việc yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân cho các thuê bao di động cũng gây ra không ít phiền phức. Những người dùng điện thoại sẽ bị mất quyền truy cập vào các dịch vụ liên lạc khi thẻ SIM bị vô hiệu hóa (đôi khi không có cảnh báo trước) do họ không đăng ký theo đúng thời hạn yêu cầu. Ở Rwanda, hơn 485.000 thẻ SIM đã bị vô hiệu hóa khi người dùng không đến đăng ký theo đúng thời hạn mặc dù họ đã được các nhà mạng gia hạn nhiều lần trước đó.

Tại một số nước, các nhà mạng được yêu cầu phải trả thêm phí cho cơ quan quản lý hoặc cơ quan chính phủ liên quan để xác minh lại thông tin cá nhân cung cấp bởi khách hàng và đối chiếu với cơ sở dữ liệu của chính phủ. Ở Úc, chi phí cho “công nghiệp” cung cấp thông tin cá nhân cho các thẻ SIM tốn đến 10 triệu USD/năm.

Thái Lan là nước mới nhất bắt buộc các hãng điện thoại phải xác minh được người dùng thẻ SIM. Trang Strategy Page cho biết người dùng tại Thái Lan ở ba tỉnh miền Nam (Narathiwat, Yala and Pattani) và một số vùng giáp tỉnh Songkhla từ ngày 1-6 đã buộc phải xuất trình thẻ căn cước (bao gồm cả ảnh và dấu vân tay) cho các đại lý. Tuy nhiên, để tránh phiền phức cho người dùng, các đại lý được trang bị thiết bị chuyên dụng tương thích với thẻ căn cước để quét xác thực danh tính và tự động hóa lưu trữ thông tin người dùng. Chủ sở hữu các thẻ SIM phải xác thực trước tháng 10-2017, nếu không sẽ bị cắt thuê bao. Các thẻ SIM tạm, thường được khách du lịch và cả tội phạm sử dụng, cũng được điều chỉnh để tăng khả năng theo dõi.

Một số nước thành viên Liên minh châu Âu như Bỉ, Tây Ban Nha, Ý, Pháp và Hy Lạp cũng đã bắt đầu buộc chủ SIM phải xác minh danh tính và lập danh sách quản lý. Tuy nhiên, các nước này cũng hạn chế buộc người dùng phải mang quá nhiều hồ sơ cá nhân để đăng ký thuê bao. Trang Mitek cho biết tất cả thẻ SIM được đăng ký sẽ kết nối với số chứng minh thư của chủ sở hữu, được lưu sẵn trong mã điện tử của hộ chiếu.

Cơ hội phát triển công nghệ

Các chính sách đăng ký thuê bao bắt buộc gây nên tranh cãi tại nhiều nước phần lớn vì lo ngại tác động tiêu cực đến người dùng. Những nhiêu khê giấy tờ, khó khăn về di chuyển hay thiếu sự cảnh báo từ nhà mạng đối với việc đăng ký thông tin cá nhân có thể khiến người dùng bị cắt thuê bao và gây bất tiện cho công việc, cuộc sống thường ngày. Một số hãng công nghệ khởi nghiệp đã bắt đầu xuất hiện tại nhiều nước châu Âu nhằm giải quyết các rào cản này, giúp đơn giản hóa quá trình xác thực danh tính.

Một số ý kiến cho rằng việc thu thập dữ liệu một cách đồng bộ có thể mở đường phát triển mô hình chính phủ điện tử, sử dụng điện thoại thông minh để tiếp cận với các dịch vụ công một cách dễ dàng hơn do danh tính người dùng đã được xác thực.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm