Thuê nhà trọ ở Sài Gòn, làm sao để tránh bẫy lừa?

Sau khi Pháp Luật TP.HCM đăng bài “Chiêu lừa mới của người cho thuê trọ” trên số báo ra ngày 20-11 phản ánh nhiều sinh viên (SV) bị chủ nhà trọ lừa mất tiền cọc, rất nhiều bạn đọc bị lừa tương tự đã gửi thư, gọi điện thoại đến báo phản ánh. Ông Nguyễn Trọng Hoàng, Trưởng phòng Hỗ trợ đời sống SV thuộc Trung tâm Hỗ trợ SV TP.HCM, đã chỉ cách để người đi thuê nhà trọ tránh bị mắc bẫy.

Phải có đủ giấy tờ khi đặt cọc

. Phóng viên: Thưa ông, làm cách nào để nhận biết địa chỉ cho thuê nhà trọ lừa đảo?

+ Ông Nguyễn Trọng Hoàng: Cách tốt nhất là không tin vào những điều kiện lý tưởng mà chủ nhà đưa ra ban đầu mà hãy làm việc, thỏa thuận trên giấy tờ.

Trung tâm thường xuyên nhận phản ánh của SV bị lừa mất tiền cọc do chỉ thỏa thuận bằng miệng, đặt cọc bằng giấy tay sơ sài, không ghi điều khoản ràng buộc cụ thể, giá cả, điện nước… hoặc bị cò nhận tiền rồi dẫn đi tìm phòng trọ lòng vòng nên nản quá bỏ tiền luôn. Những trường hợp này trung tâm đều không can thiệp được vì không có bằng chứng cụ thể để nói là họ vi phạm.

. Đặt cọc và làm hợp đồng như thế nào để không bị lừa?

+ Không nên đặt cọc trước khi đến ở, nếu bạn đã thích thì cứ đến ngày người cũ dọn đi thì tới ở luôn. Sau khi đã nhận phòng, chủ nhà yêu cầu bạn đặt số tiền cọc cũng là hợp lý để đề phòng trường hợp bạn âm thầm bỏ phòng đi mà không báo. Việc đặt cọc giữ phòng phải làm hợp đồng rõ ràng. Hợp đồng phải chia làm hai bản, mỗi bên giữ một bản. Bạn có thể tham khảo mẫu đặt cọc và hợp đồng trên mạng. Bạn có thể yêu cầu chủ nhà trọ phôtô CMND và hộ khẩu để giữ một bản. Nếu chủ nhà không thực hiện đúng những gì đã cam kết trong hợp đồng, giật tiền cọc thì bạn cầm những giấy tờ này nhờ tổ dân phố, khu phố, công an can thiệp.

Khi đến ở trọ, bạn nên yêu cầu chủ nhà trọ đăng ký tạm trú tạm vắng cho mình. Nếu chủ nhà trọ lần lữa thì mình tự tìm đến tổ trưởng, khu phố trưởng để nhờ đăng ký để lỡ xảy ra chuyện gì thì bạn sẽ nhờ các cấp chính quyền, đoàn thể can thiệp dễ dàng hơn.

 
SV tìm chỗ trọ tại Trung tâm Hỗ trợ SV TP.HCM, nơi luôn có hơn 1.000 chỗ trọ cho SV và người đi làm. Ảnh: H.LAN

Đội khảo sát nhà trọ ra tay

. Trung tâm đã hỗ trợ tìm nhà trọ cho SV như thế nào?

+ Hiện trung tâm có hơn 1.000 chỗ trọ, cho cả SV và người đi làm tùy theo yêu cầu của chủ nhà trọ đăng trên website www.hotrosinhvien.vn và dán trực tiếp tại trung tâm. Các bạn ghi lại mã số nhà trọ muốn thuê rồi đến trực tiếp phòng Hỗ trợ đời sống của trung tâm. Tại đây, nhân viên trung tâm sẽ giới thiệu cho SV ba địa chỉ phù hợp nhu cầu để các bạn đến xem phòng. Nếu chọn được rồi, các bạn báo lại trung tâm để cập nhật thông tin, nếu chọn chưa được thì trung tâm sẽ tiếp tục cung cấp thêm ba địa chỉ khác.

Chúng tôi cũng liên kết với đoàn thanh niên của hơn 30 trường ĐH, CĐ trên địa bàn TP để các trường đăng tải thông tin này trên website riêng như ĐH Bách khoa, ĐH KHXH&NV TP.HCM, ĐH Kinh tế TP.HCM…

Tất cả chỗ trọ này đã được đội khảo sát nhà trọ của trung tâm đến khảo sát điều kiện ăn ở, sinh hoạt, an ninh trật tự theo sự giới thiệu của UBND các phường, xã rồi chọn lọc ra. Hoặc chủ nhà trọ đăng ký tại trung tâm, trung tâm cử đội khảo sát đi tìm hiểu kỹ càng rồi mới đưa vào danh sách thông báo cho SV. Các chủ nhà trọ đăng ký tại trung tâm đều thực hiện đúng cam kết và uy tín, giá cả phù hợp, SV rất tin tưởng.

Nhiều chủ nhà trọ rất tốt bụng, cứ đến mùa tuyển sinh là gọi đến trung tâm đăng ký cho SV ăn ở miễn phí trong thời gian thi cử, tùy theo điều kiện của SV còn giảm giá, thậm chí cho SV khó khăn ở trọ miễn phí nhiều năm liền, hỗ trợ học bổng, tặng vé xe về tết, tổ chức sinh nhật cho các bạn…

Thuê nhà trọ ở Sài Gòn, làm sao để tránh bẫy lừa? ảnh 3
 

Ngày 1-12, chị NHBM (ảnh), quê Đồng Tháp tìm đến căn nhà số 285/51 Cách Mạng Tháng Tám, phường 12, quận 10 theo thông tin dán trên cột điện để thuê. Mọi điều kiện chủ nhà đưa ra đều đáp ứng được yêu cầu của M. như giờ giấc tự do, trước khi đi chỉ cần báo trước hai tháng sẽ được trả lại tiền cọc… M. đồng ý đặt cọc 500.000 đồng để giữ chỗ. Lúc đặt cọc, phòng đang có người ở nên chủ nhà nói hai ngày nữa hãy dọn vào. Hai ngày sau, M. đến thì được người khác tiếp và đưa cho tờ giấy kê khai các khoản chi phí trả trong một tháng như điện 400.000 đồng/tháng, giữ xe 300.000 đồng/tháng, 200.000 đồng tiền lắp camera chống trộm. Bên cạnh đó, phải đáp ứng các điều kiện là 11 giờ đóng cửa, đặt cọc 1,6 triệu đồng, ở hết một năm mới được lấy lại tiền cọc. M. đòi lại tiền cọc thì người này nói ông chủ giữ rồi nên không giải quyết được. M. yêu cầu liên lạc ông chủ thì người này nói ông chủ bận việc… Sau đó người này viết cho M. một giấy hẹn, nội dung: “3-12, M. không thuê phòng nữa. Ngày 10-12, qua nhận lại tiền cọc 250.000 đồng”. Đúng hẹn, M. cùng anh trai đến đưa giấy hẹn thì  người nhận tiền cọc cho biết không có tiền để trả, hẹn ngày khác đến. Anh của M. yêu cầu phải trả tiền cọc lại, nếu không sẽ báo công an thì người này mới chịu lấy tiền trả. Theo một người dân tại đây, các đối tượng thuê căn nhà này để cho thuê lại và rất nhiều SV đã bị lừa mất trắng tiền cọc.

______________________________________________

Mới đây, chúng tôi tiếp nhận trường hợp một SV nữ đặt cọc 500.000 đồng nhưng khi dọn đến ở thì chủ nhà nói không có chỗ để xe, không cho nấu ăn, đóng cửa trước 22 giờ 30. Bạn này đòi lại tiền cọc thì không được, đành nhờ tổ trưởng khu phố can thiệp nhưng tổ trưởng nói nhà này cho thuê lại, chủ nhà đã đi nước ngoài rồi. Sau đó bạn đến trung tâm nhờ hỗ trợ nhưng không có chứng cứ để chúng tôi giúp bạn đòi lại tiền.

Ông NGUYỄN TRỌNG HOÀNG, Trưởng phòng Hỗ trợ
đời sống SV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm