Thụy Điển sẽ có ‘giờ nghỉ trưa hạnh phúc’?

Nhiều nghiên cứu cho thấy việc nhân viên được hưởng nhiều chế độ phúc lợi về giờ làm việc chính là một trong những nguyên nhân khiến Thụy Điển luôn có mặt trong danh sách những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.

“Giờ nghỉ trưa đặc biệt”

Một quan chức địa phương của Thụy Điển đã đưa ra một đề xuất để giúp các nhân viên có thể cân bằng được công việc và cuộc sống, đồng thời nâng cao tỉ lệ sinh ở quốc gia Bắc Âu này.

Ông Per-Erik Muskos, 42 tuổi, thành viên hội đồng thị trấn Overtornea của Thụy Điển, hồi cuối tháng 2 vừa trình lên đề xuất người lao động được cho nghỉ một tiếng trong giờ làm việc mỗi tuần mà vẫn được hưởng tiền lương để về nhà “gần gũi” với bạn đời. Nếu như đề xuất này được thông qua, Thụy Điển có thể trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới có quy định “giờ nghỉ trưa đặc biệt” dành cho nhân viên của mình.

Trong phần giới thiệu đề xuất, ông Muskos mô tả quy định này sẽ tạo động lực để nâng cao tinh thần làm việc của nhân viên, đồng thời giúp họ có thêm gia vị trong cuộc sống hôn nhân, theo tờ The New York Times.

Ông Muskos cho rằng trong xã hội ngày nay, các cặp vợ chồng thường không có đủ thời gian dành cho nhau mỗi ngày, vì vậy họ cần có thời gian nghỉ trong giờ làm việc để “gần gũi” với bạn đời và hâm nóng lại các mối quan hệ cá nhân. “Nhiều nghiên cứu cho thấy quan hệ tình dục có lợi cho sức khỏe. Nó cũng giúp chúng ta cải thiện các mối quan hệ” - hãng tin AFP dẫn lời ông Muskos nói. “Chúng ta nên khuyến khích sinh sản. Đây có thể là một cơ hội để các cặp vợ chồng có thời gian riêng với nhau”.

Mặc dù thừa nhận các chủ lao động không có cách nào để xác minh việc sử dụng thời gian của nhân viên của họ, ông Muskos vẫn khẳng định các nhà quản lý nên đặt niềm tin vào nhân viên của mình. Ý tưởng này của ông Muskos nhanh chóng nhận được sự chú ý trên toàn Thụy Điển. Nhiều người đã khen ngợi nhưng cũng có người chỉ trích. Đề xuất “giờ nghỉ trưa đặc biệt” này sẽ được đưa ra một hội đồng địa phương 31 thành viên xem xét, theo tờ The New York Times. Tuy nhiên, ông Muskos cho rằng không có lý do gì để đề xuất này không được thông qua.

Áp lực dân số già đi nhanh chóng đã trở nên phổ biến ở khắp các nước châu Âu như Tây Ban Nha, Ý và Đức. Tại Đan Mạch, nước này cũng bắt đầu mở các lớp học giáo dục giới tính tập trung vào việc sinh sản dành cho nhân viên công ty. Một công ty du lịch ở đây thậm chí còn mở một dịch vụ khuyến khích các cặp đôi đi nghỉ dưỡng và sinh con. Đan Mạch cũng là một trong số các quốc gia có chỉ số cân bằng giữa công việc và cuộc sống cao nhất thế giới. Người lao động ở đây được hưởng một chế độ làm việc linh hoạt. Nhân viên thường được dời thời gian bắt đầu công việc hoặc có quyền lựa chọn làm việc ở nhà. Giờ nghỉ trưa thường là một thời điểm nhất định mỗi ngày cho toàn bộ công ty, các nhân viên có thể rời khỏi bàn làm việc một lúc và ăn trưa cùng nhau. Nhân viên ở Đan Mạch cũng có một kỳ nghỉ tối thiểu năm tuần được trả lương. Chỉ có 2% số lao động ở đây làm thêm giờ so với con số 13% ở Anh. Nhân viên ở Đan Mạch cũng có một kỳ nghỉ tối thiểu năm tuần được trả lương. Mỗi năm chính phủ Đan Mạch dành hơn 4% GDP để sử dụng cho việc chăm lo phúc lợi gia đình.

Người lao động tại Thụy Điển khi chuyển sang chế độ làm việc sáu giờ/ngày có tinh thần thoải mái hơn và năng suất tốt hơn. Ảnh: AP

Nhân viên ở Thụy Điển có thể có cơ hội về nhà gần gũi với bạn đời trong khung giờ làm việc. Ảnh: REUTERS

Vẫn còn những tranh cãi

Mặc dù thừa nhận những chính sách nhằm đảm bảo việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống sẽ mang đến cho nhân viên tinh thần làm việc tốt hơn, nhiều người vẫn lo ngại bởi vấn đề chi phí thực hiện nó quá đắt đỏ. Ông Stefan Nilsson, một nghị sĩ của Nghị viện Thụy Điển, tin rằng những người nộp thuế sẽ không muốn trả tiền chỉ để tài trợ cho công việc riêng tư của nhân viên trong giờ làm việc theo như đề xuất của ông Muskos.

Cũng từng có nhiều chính sách phúc lợi tại Thụy Điển gây tranh cãi. Đầu năm 2015, Viện dưỡng lão Svartedalen ở TP Gothenburg, Thụy Điển đã thực hiện chuyển đổi thử nghiệm sang lịch làm việc sáu giờ. Quá trình này đã nhận được sự chú ý trên toàn thế giới. Tuy nhiên, sau khi giảm giờ làm xuống còn sáu giờ, chính quyền TP đã phải thuê thêm 17 nhân viên làm việc tại viện dưỡng lão với chi phí là 2,2 triệu USD. Ông Daniel Bernmar, chính trị gia cánh tả phụ trách mảng phúc lợi người cao tuổi của TP, nhận định: “Thật quá đắt đỏ để thực hiện việc giảm giờ làm việc trong một khuôn khổ hợp lý”. Ông cho rằng cần tiến hành nhiều nghiên cứu hơn để khẳng định việc rút ngắn thời gian làm việc có thể tạo ra được những lợi ích lâu dài cho toàn thể xã hội.

Tuy nhiên, xét từ phía lợi ích người lao động, nhiều chuyên gia lại lên tiếng tán đồng ý kiến tăng giờ nghỉ cho nhân viên. Bà Malin Hansson, một nhà nghiên cứu về tình dục học và chuyên gia về sức khỏe sinh sản ở TP Gothenburg, đã lên tiếng ủng hộ ý tưởng “giờ nghỉ trưa” của ông Muskos.

Một nghiên cứu khác của GS Lotta Dellve (khoa Xã hội học, ĐH Gothenburg) cho thấy một hoạt động nghỉ ngơi ngắn trong giờ làm việc hành chính sẽ mang đến nhiều lợi ích, trong đó có việc tăng năng suất lao động.

Làm ít lợi nhiều

Theo The New York Times, Thụy Điển từ lâu đã nổi tiếng như một phòng thí nghiệm dành cho các sáng kiến nhằm giúp cân bằng giữa công việc và cuộc sống của người lao động. Nhiều nghiên cứu cho thấy việc nhân viên được hưởng nhiều chế độ phúc lợi về giờ làm việc chính là một trong những nguyên nhân khiến Thụy Điển luôn có mặt trong danh sách những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.

Nhân viên ở Thụy Điển có chế độ “Fika” - chế độ nghỉ giải lao ngắn 2-3 lần/ngày cho phép họ có thể nghỉ ngơi hoặc dùng đồ ngọt, cà phê để nạp năng lượng. Các bậc phụ huynh có thể nghỉ đến 480 ngày phép trong trường hợp sinh con hoặc nhận con nuôi. Đặc biệt nhiều công ty tại Thụy Điển đã dần chuyển sang chế độ làm việc sáu giờ/ngày mà vẫn được hưởng mức lương như khi làm tám giờ.

Thụy Điển nổi tiếng là quốc gia hào phóng trong các chính sách phúc lợi dành cho nhân viên. Đây cũng là một trong số các quốc gia trên thế giới có số giờ làm việc của nhân viên ít nhất thế giới. Trung bình người Thụy Điển chỉ làm việc 1.612 giờ/năm, đứng thứ ba sau Pháp và Phần Lan. Tổng giờ làm của người Thụy Điển ít hơn 9% so với mức trung bình mà Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế đưa ra và chỉ có 1% lao động ở đây làm thêm giờ, theo một nghiên cứu của Viện Kinh tế Coe-Rexecode. Tuy nhiên, việc làm ít giờ dường như không hề khiến cho nền kinh tế của nước này bị ảnh hưởng.

Theo một ước tính của Liên minh Châu Âu, nền kinh tế của Thụy Điển sẽ tăng trưởng ở mức 2,4% trong năm 2017, tuy có giảm so với năm 2016 là 3,3% nhưng lại cao hơn con số trung bình của EU là 1,6%. Thậm chí mức tăng trưởng của quốc gia Bắc Âu này trong năm 2017 còn được dự báo là sẽ cao hơn so với Mỹ, quốc gia có số giờ làm việc trung bình mỗi năm là 1.790 giờ và người dân không được hưởng các chế độ nghỉ giữa giờ nhiều như ở Thụy Điển. Theo ước tính từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, Mỹ trong năm 2017 sẽ có mức tăng trưởng kinh tế là 2,3%, ít hơn Thụy Điển 0,1%.


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm