Tỉ phú Trump tự hại mình vì lợi dụng phụ nữ

Địa điểm diễn ra tranh luận là ĐH Washington. Người điều phối tranh luận là hai nhà báo Anderson Cooper của hãng CNN và Martha Raddatz của hãng ABC.

Không bắt tay và tấn công ngay

Hai đối thủ chỉ gật đầu chào nhau chứ không bắt tay trước khi bắt đầu cuộc tranh luận, một động thái hứa hẹn một buổi tranh luận không êm thấm.

Hai đối thủ tấn công nhau ngay bằng việc tranh cãi quanh việc một video năm 2005 bị rò rỉ chưa đầy hai ngày trước đó cho thấy ông Trump có những phát ngôn khiếm nhã về phụ nữ. Ông Trump nói rằng đó chỉ là lời bông đùa lúc riêng tư, thực tế ông vốn có sự tôn trọng rất lớn với phụ nữ, bản thân ông chưa bao giờ có hành động quấy rối tình dục phụ nữ.

Ông Trump tấn công sang bà Clinton trong 17 phút với các cáo buộc ngoại tình của chồng bà là cựu Tổng thống Bill Clinton. Các nhân vật nữ liên quan cáo buộc ngoại tình này của ông Clinton cũng có mặt tại buổi tranh luận, do ông Trump mời đến. Ông Trump cáo buộc bà Clinton tấn công ác ý các phụ nữ liên quan đến các vụ ngoại tình của chồng bà.

Từ việc video ông Trump phát ngôn khiếm nhã về phụ nữ, bà Clinton dẫn đến các phát ngôn trước đó của ông Trump, lên án ông Trump không chỉ tấn công phụ nữ mà cả những thành phần khác như người nhập cư, người Tây Ban Nha, người Hồi giáo.

Hai người điều phối Martha Raddatz và Anderson Cooper cố gắng kiểm soát cuộc tranh luận. Tuy nhiên, đã có đến 1/3 cuộc tranh luận là dành cho các tranh cãi này.

Phần còn lại của cuộc tranh luận, bà Clinton tấn công ông Trump không công khai hồ sơ thuế và mối quan hệ của ông Trump với Nga. Bà Clinton cáo buộc Nga tấn công hệ thống mạng của đảng Dân chủ, ăn cắp email nội bộ đảng nhằm can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ theo hướng có lợi cho ông Trump. Ông Trump bác bỏ khả năng Nga là thủ phạm tấn công.

Về phần mình, ông Trump chỉ trích bà Clinton về vụ dùng địa chỉ email riêng trong thời gian làm ngoại trưởng, tuyên bố sẽ truy tố cho bà Clinton đi tù nếu ông thắng cử tổng thống. Vụ lùm xùm email của bà Clinton đã được FBI điều tra nhưng quyết định không truy tố.

Dù từ chối bắt tay khi bắt đầu nhưng hai người đã kết thúc cuộc tranh luận bằng cái bắt tay.

Bà Clinton và ông Trump công kích nhau trong cuộc tranh luận.  Ảnh: AP

Từ trái qua: Kathleen Willey, Juanita Broaddrick, Kathy Shelton được đảng Cộng hòa sắp ngồi ngay hàng ghế đầu trong cuộc tranh luận giữa ông Trump với bà Clinton tối 9-10. Ảnh: GETTY IMAGES

Bà Clinton lại thắng

Bà Clinton được đánh giá cao hơn ông Trump trong cuộc tranh luận đầu tiên. Cuộc tranh luận thứ hai này là diễn biến quan trọng trong cuộc đua vào Nhà Trắng và một lần nữa phần thắng lại thiên về bà Clinton, theo nhận định của truyền thông Mỹ, trong đó có nhiều hãng tin nổi tiếng CNN, Los Angeles Times, Huffington Post,

Theo thăm dò của CNN, 57% người theo dõi tranh luận nhận định bà Clinton thắng, tỉ lệ này ở ông Trump chỉ 34%. Tuy nhiên, phong độ bà Clinton trong cuộc tranh luận này không được tốt bằng trong cuộc tranh luận đầu tiên - 62% nhận định bà thắng. Trong khi đó, ông Trump đã thể hiện tốt hơn mong đợi.

Nhiều ý kiến cho rằng bà Clinton dù không bùng nổ như cuộc tranh luận đầu nhưng kinh nghiệm, sự chuẩn bị chu đáo, tư thế đàng hoàng, đĩnh đạc đã một lần nữa mang lại chiến thắng cho bà. Bà Clinton đã chuẩn bị sẵn tâm thế đón nhận mọi tấn công từ ông Trump và đáp trả một cách tự tin.

Sự đàng hoàng của bà Clinton thể hiện qua việc bà xin lỗi về vụ dùng địa chỉ email riêng thời còn làm ngoại trưởng. Bà Clinton phô diễn kinh nghiệm chính trị của mình bằng một kế hoạch chi tiết mà cô đọng đối với tình hình Syria - một trong những thách thức chính sách đối ngoại cho tổng thống Mỹ mới.

Nhiều nhà báo đánh giá cao sự điềm tĩnh của bà Clinton khi ba phụ nữ được cho từng dính líu với chồng mình được ông Trump sắp xếp cho ngồi ngay hàng đầu, chăm chăm nhìn bà trong khi bà đang nói. Theo họ, bình tĩnh trước mọi vấn đề và mọi công kích là khí chất cần có cho một tổng thống và bà Clinton đã làm rất tốt điều này.

Tuy nhiên, theo Huffington Post, mối đe dọa lớn nhất của bà Clinton trong cuộc đua vào Nhà Trắng này chính là thái độ tự mãn, nói cách khác, việc bà Clinton cần làm là kiềm chế, không tự hài lòng, luôn tự đặt các nguyên tắc và thách thức cho mình.

Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng ông Trump đã mất cơ hội ngay từ đầu khi lợi dụng những người phụ nữ từng dính líu với cựu Tổng thống Clinton để tấn công bà Clinton.

Một hạn chế nữa là ngôn ngữ cơ thể của ông Trump không ấn tượng bằng của bà Clinton.

Dù vậy, theo Huffington Post, trong cuộc tranh luận này ông Trump đã tránh được sự mất bình tĩnh, mất kiểm soát khi bị bà Clinton chọc tức như lo ngại trước đó của đảng Cộng hòa.

Gậy ông đập lưng ông

Trước cuộc tranh luận vài giờ, ông Trump đã mở cuộc họp báo với sự tham gia của bốn phụ nữ, trong đó có ba người được cho là từng có quan hệ tình cảm, tình dục với chồng bà Clinton - cựu Tổng thống Clinton.

Mục đích ông Trump mở cuộc họp báo là để công kích vợ chồng bà Clinton, tuy nhiên tại cuộc họp báo ông liên tục bị các nhà báo la ó đòi giải thích về video ông nói lời khiếm nhã về phụ nữ.

Việc ông Trump bất ngờ đưa bốn phụ nữ trên làm khán giả tại cuộc tranh luận đã gặp phản ứng lớn từ đảng Dân chủ. Giám đốc đội tranh cử của bà Clinton - Jennifer Palmieri ra chỉ trích động thái này, cho rằng ông Trump đang tiến nhanh trên đà tự hủy hoại mình.

Liên quan đến video ông Trump ăn nói khiếm nhã về phụ nữ, ngày 9-10, Tổng thống Dân chủ Barack Obama lên án ông Trump đã không quan tâm đến các giá trị cơ bản. “Một trong những điều gây lo lắng nhất về cuộc bầu cử này là những phát ngôn không thể tin được từ ứng viên của đảng Cộng hòa. Tôi nghĩ tôi không cần phải lặp lại chúng vì có trẻ em trong phòng này” - Tổng thống Obama nói trong một sự kiện vận động tranh cử cho bà Clinton ở Chicago.

Việc rò rỉ video ông Trump ăn nói khiếm nhã với phụ nữ và các bước đi của ông Trump sau đó mong làm chìm xuồng vụ này đã phá tan hy vọng của đảng Cộng hòa rằng ông Trump vẫn có thể đủ tư cách làm tổng thống, miễn là ông kiềm chế được bản năng bất ổn của mình.

Đã có 30 nghị sĩ Cộng hòa, trong đó có các thượng nghị sĩ hàng đầu như John McCain, Kelly Ayotte, John Thune tuyên bố bỏ ủng hộ ông Trump và đề nghị Trump từ bỏ cuộc đua vì video rò rỉ ăn nói khiếm nhã không thể chấp nhận về phụ nữ.

Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan (đảng Cộng hòa) cũng lên án phát ngôn này của ông Trump. Bản thân phó tướng của ông Trump, ông Pence, ngày 8-10 cũng ngao ngán nói ông không thể bảo vệ các phát ngôn khiếm nhã này của ông Trump.

Việc bị hàng chục nghị sĩ Cộng hòa bỏ rơi khiến ông Trump lần đầu tiên phải bỏ tự ái viết trên mạng xã hội Twitter kêu gọi các thành viên đảng ủng hộ ông, rằng việc bỏ rơi của họ sẽ làm người Mỹ giảm ủng hộ ông.

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào ngày 8-11 tới. Bà Clinton và ông Trump đã tranh luận lần một vào ngày 26-9, phần thắng được đánh giá nghiêng về bà Clinton. Cuộc tranh luận cuối cùng sẽ diễn ra vào ngày 19-10 tới. Hai phó tướng của bà Clinton - ông Tim Kaine và của ông Trump - ông Mike Pence đã tranh luận vào ngày 4-10.

Huffington Post dẫn một số cuộc thăm dò sáng 9-10, trước cuộc tranh luận cho thấy ông Trump đang lép vế trong cuộc đua sau vụ rò rỉ video. Thăm dò của CBS News cho thấy bà Clinton đang dẫn trước ông Trump - 46% so với 42%.

Theo dự đoán về cuộc bầu cử của Huffington Post thực hiện dựa vào kết quả các thăm dò trước khi xảy ra vụ bê bối video ông Trump ăn nói khiếm nhã với phụ nữ, tỉ lệ thắng cử tổng thống của ông Trump chỉ chưa tới 15%. Nhiều khả năng tỉ lệ thắng cử của ông Trump hiện còn giảm hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm