Tiếng khóc sau cánh cửa - Kỳ 1: Phòng trưng bày “có một không hai”

Trong tòa nhà A9 - trụ sở của Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới (CSAGA) tại quận Cầu Giấy, Hà Nội - ít ai biết có một căn phòng nhỏ đặc biệt với những hiện vật đặc biệt được để trong tủ kính.

Tiếng khóc sau cánh cửa - Kỳ 1: Phòng trưng bày “có một không hai” ảnh 1
    Chiếc kéo ở phòng trưng bày - Ảnh: M.L.

Tiếng khóc sau cánh cửa - Kỳ 1: Phòng trưng bày “có một không hai” ảnh 2
    Đây là chiếc xích chó mà người chồng ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã dùng để xích chân vợ trong căn buồng tối trên gác ba ngày - Ảnh: M.Lăng

Đó là gần 100 hiện vật bạo hành gia đình vốn là những dụng cụ, vật dụng hằng ngày như gáo múc nước, chai thủy tinh, nồi cơm điện, kéo, ổ khóa, sợi dây xích, phích nước, chiếc quần lót bị xát ớt... được sưu tầm từ Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Hưng Yên...

“Chúng tôi muốn triển lãm cái gì đó gây ấn tượng mạnh, tố cáo những ông chồng vũ phu, tàn bạo. Khi chia sẻ ý tưởng với các thành viên CLB, chúng tôi phải xin lỗi các chị, các bác vì việc làm này đang giúp cộng đồng nhưng lại một lần nữa làm tổn thương họ. Đây là cơ hội chia sẻ với cộng đồng, phản ánh cuộc đời đau đớn. Các chị, các bác nhất trí cần phá vỡ im lặng. Lúc đầu hiện vật còn khá ít nhưng có nhiều thứ chỉ cần nhìn thấy đã khiến người ta khiếp sợ, nổi da gà: là cái búa, con dao, cái vồ đập đất... Chúng tôi đã kết nối được nhiều câu chuyện và cần phải có phòng nhỏ trưng bày”.

Chị Nguyễn Thu Thúy



Khi đồ vật lên tiếng


Mỗi dụng cụ, mỗi đồ vật là một câu chuyện buồn về thân phận người phụ nữ, được chính người trong cuộc nói ra. Chẳng ai ngờ những đồ vật bình thường, gắn bó với cuộc sống hằng ngày của con người lại là những công cụ mà người chồng dùng để hành hạ vợ mình. Đôi đũa, một hiện vật nhỏ bé với dòng tâm sự rất ngắn gọn nhưng khiến người xem phải rùng mình, xót xa: “Đây là đôi đũa chồng tôi chọc vào mắt tôi”.

Ở một góc khác, dưới lớp kính, là một chai rượu nằm chơ vơ, im lặng. Nhưng câu chuyện về nó lại khiến lòng người dậy sóng: “Tháng 8-2008, tôi bị ốm phải nằm viện hơn một tháng vì rối loạn tiền đình và suy nhược cơ thể. Nguyên nhân khiến tôi bị thế này là do chồng nghiện rượu suốt ngày đêm không chịu đi làm, còn tôi hằng ngày vừa đi làm mướn vừa chăm sóc hai con nhỏ. Về đến nhà ngày ba bữa phải phục vụ gia đình. Nhiều hôm bị đói vì phải nhường cho chồng cho con. Ngay cả bữa ăn của mình tôi cũng không được quyền quyết định.

Lúc nào chồng cho ăn thì tôi mới được ăn, còn nếu không thì đập phá hết mâm cơm. Không được ăn mà ngủ tôi cũng không được ngủ tử tế. Nhiều lần tôi không được ngủ trên giường, cũng có đợt 40 đêm liền tôi phải vật vờ nơi góc bếp. Có lúc tôi phải quấn mình trong manh chiếu rách trốn lên sân thượng, lúc mưa thì trùm áo mưa lên mình cho khỏi ướt.

Khổ như thế nhưng chồng tôi nào có để tôi yên... Rượu đã biến anh ta thành một con người vô nhân tính thế này rồi sao?”. Đó là câu chuyện của một phụ nữ tại huyện Thạch Thất (Hà Nội).

Còn đây là chuyện về chiếc điếu cày mà chị N.T.L. (Yên Hòa, Cầu Giấy) viết: “Rất nhiều lần chồng tôi dùng điếu cày để đánh tôi. Lần ấy thay vì chịu đòn như những lần trước, tôi đã chạy sang hàng xóm để trốn chờ cho chồng nguôi giận mới dám về cho con ngủ. Tưởng chồng đã nguôi, tôi về nhà ôm con nằm ngủ. Đến 3g sáng thì tôi tỉnh giấc. Đầu và người tôi đau ê ẩm. Mặt mũi tôi sưng vù. Xung quanh tôi toàn mùi nước điếu. Một lúc sau tôi mới lờ mờ nhớ ra tôi đang nằm thì như rơi xuống vực thẳm.

Tôi cố gắng kêu to để mọi người cứu nhưng xung quanh đều im lặng. Chồng tôi dùng chiếc điếu cày đập tôi, đánh tôi trong lúc tôi đang ngủ. Tôi cố gượng lấy điện thoại gọi cho hàng xóm nhờ đưa đi cấp cứu. Hôm sau ở viện về vẫn chưa thấy chồng tôi về nhà. Mãi sau tôi mới biết được, thì ra lúc đánh tôi anh ta tưởng tôi đã chết nên vội vàng bỏ trốn...”.

Một trong những hình ảnh khiến người xem phẫn nộ nhất, xót xa nhất là chiếc xích chó đã han gỉ. Hiện vật do chị T., thành viên CLB Cùng chia sẻ Hà Nội, cung cấp. Và đây là những dòng tâm sự đẫm nước mắt của chị: “Tôi bị chồng đánh bao nhiêu lần rồi tôi cũng chẳng nhớ rõ. Những ngày bình yên chỉ đếm được trên đầu ngón tay chứ chưa nói gì đến hạnh phúc. Không vừa ý là đánh. Bực chuyện ở ngoài xã hội về cũng nhè vợ ra đánh. Có ai nói gì chẳng cần biết đúng hay sai cũng về đánh...

Và cả những lúc trông ngứa mắt cũng đánh. Nhiều người bảo: sống với chồng như thế bỏ đi còn hơn. Tôi cũng rất buồn nhưng lần lữa vì thương con còn nhỏ và thương mẹ già. Ngày tháng trôi qua, tâm trí tôi chai lì vì những trận đòn nhưng sức khỏe tôi thì không chai lì được. Tôi muốn ly hôn với người chồng coi việc đánh tôi như trò tiêu khiển nhưng anh ta đã đánh tôi một trận thừa sống thiếu chết và dùng chiếc xích chó để xích tôi lại. Vì sợ mọi người biết, anh ta đã xích tôi trên gác hai và bỏ đi. Sang ngày thứ ba, tôi cố gắng vươn người ra cửa sổ gọi hàng xóm cứu giúp. Họ đã gọi công an vào giải thoát cho tôi”.

Những vật dụng mà người ta dùng hằng ngày, gắn bó với cuộc sống con người là thế lại khiến người ta khiếp sợ, ớn lạnh khi nhìn thấy nó. Đó là câu chuyện về chiếc kéo cũ của một nạn nhân bạo hành tại thị trấn Mường Khến (Tân Lạc, Hòa Bình): “Hôm ấy tôi mới đi làm cỏ lúa về hơi muộn. Chồng tôi ở nhà đi uống rượu từ đâu về và kiếm chuyện. Anh ta hỏi tôi đi đâu từ trưa đến tối mịt mới về. Tôi nói đi làm cỏ lúa. Anh ta không tin, căn vặn tôi đủ chuyện. Rồi tự nhiên bất ngờ anh ta im lặng, chạy vào trong nhà cầm ngay cái kéo cắt trọc hết tóc tôi. Anh ta còn định cắt cả đầu vú của tôi nữa nhưng tôi kêu to lên, mọi người chạy sang can ngăn nên tôi mới chạy thoát được”.

Có những đồ dùng tưởng chừng không thể gây thương tổn hay chết người lại trở thành nỗi ám ảnh và lấy đi biết bao nước mắt của người phụ nữ bị bạo hành. Đó là những bộ quần áo, váy ngủ nhàu nhĩ, rách bươm - vết tích của những trận hành hạ, vần vò của người chồng cuồng dâm. “Có chị bị chồng bắt quỳ mỗi đêm, bị cưỡng ép phải làm theo các hành động trong phim sex. Hằng đêm với chị ấy như một cuộc chiến, 3-4 tháng không ngủ được” - chị Nguyễn Thu Thúy, cán bộ Trung tâm CSAGA, cho biết.

Phá vỡ im lặng

“Bảy năm trước chúng tôi đã có ý tưởng thành lập phòng trưng bày những vật dụng bạo hành trong gia đình khi sinh hoạt với các chị trong CLB dành cho những người bị bạo hành. Ai cũng kể bị chồng đánh bằng những vật dụng hằng ngày” - chị Nguyễn Thu Thúy cho biết. Nhưng đến năm 2008, ý tưởng đó mới thành hiện thực, ấy là khi có triển lãm nhân Ngày toàn thế giới phòng chống bạo lực phụ nữ.

Căn phòng đặc biệt này ra đời từ lúc đó. Triển lãm đầu tiên tập hợp 42 hiện vật từ bốn CLB. Mỗi hiện vật đi kèm một câu chuyện do chính người trong cuộc viết. Có người chỉ mang được hiện vật, không mang được câu chuyện đến vì không biết viết. Có người vừa viết vừa khóc.

“42 hiện vật trong triển lãm đầu tiên được trưng bày rất đơn giản trên hai cái bàn nhỏ - chị Thúy kể - Tất cả những ai đến đây xem triển lãm đều rất sốc, ngay cả những người đàn ông, nhất là khi họ nhìn thấy những con dao đi rừng dài, những bộ váy nhàu nhĩ, rách bươm... Nhiều người phụ nữ đến xem rồi cứ lau nước mắt suốt. Một chị ở huyện Đông Anh (Hà Nội) mang đến một cây gậy dài 1m, to bằng cổ tay, cứng.

Chị đã bị chồng đánh tím hết người nhiều lần bằng cây gậy ấy. Tôi hỏi chị tặng hay cho chúng tôi mượn, chị nói là tặng, không muốn giữ nó làm gì. Có một phụ nữ sống ở làng chài ven sông Hồng nhất quyết giữ lại chiếc áo, chỉ cho mượn trong thời gian triển lãm. Chị bảo đó là chiếc áo máu thịt, chị đã mặc nó trong những ngày cơ hàn. Trên người chỉ có chiếc áo duy nhất ấy, cứ ngày mặc, đêm giặt rồi tờ mờ sáng lại mặc khi áo chưa kịp khô. Chiếc áo đó đã tơi tả, bục rách sau nhiều năm tháng bị người chồng vũ phu đánh đập...”.

Theo MY LĂNG (TTO)
--------------------------------------

Kỳ tới: Nhật ký của một bác sĩ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm