Trại giam Đắk Trung, những người còn ở lại - Kỳ 3: Chuyện của Hiếu

“Anh có muốn chết cùng em không?”

Câu chuyện về phạm nhân Nguyễn Văn Hiếu (sinh năm 1982) đang thi hành án tại trại giam Đắk Trung (EaKpam, huyện CưMgar, Đắk Lắk) khiến những cán bộ nơi đây không khỏi ngậm ngùi.

“Án mạng tại đồi thông” chín năm về trước vẫn khiến người dân rùng mình.

Phạm nhân Nguyễn Văn Hiếu. Ảnh tư liệu

Ngày ấy, Hiếu là chàng trai học giỏi có tiếng trong vùng. Nhàn là thiếu nữ xinh đẹp của núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ. Ngày yêu nhau, Nhàn đang là sinh viên năm cuối của Trường ĐH Tây Nguyên. Hiếu 26 tuổi, vừa ra trường được một năm.

Vào đầu tháng 6-2008, Hiếu đến thăm người yêu. Sau những phút giây ngọt ngào nhớ nhung, Nhàn than trách vì yêu nhau mà không thể đến được với nhau, cả hai nảy sinh ý định tự tử để có thể bên nhau trọn đời. Hai ngày sau, Hiếu chở Nhàn đi mua hai chai thuốc trừ sâu về phòng trọ Nhàn cất giữ.

Đến 5 giờ chiều cùng ngày, cả hai lại xảy ra mâu thuẫn. Hiếu đuổi theo níu kéo, làm lành rồi cả hai cùng đi uống cà phê. Tại đây, Nhàn hỏi Hiếu: “Anh có muốn chết cùng em không?”. Vì quá yêu Nhàn nên khi nghe Nhàn nói vậy, Hiếu không ngần ngại, gật đầu đồng ý.

9 giờ tối cùng ngày, Hiếu chở Nhàn đến khu vực đồi thông thuộc thôn 11, xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột ngồi nói chuyện. Như ước định, Hiếu lấy hai chai thuốc trừ sâu ra, một chai Hiếu uống trước. Nhưng Hiếu đã uống hết mà thấy bạn gái không uống nên Hiếu có hỏi: “Sao em không uống?”, Nhàn trả lời vì mùi thuốc khó chịu nên không muốn uống nữa, rồi đứng dậy bỏ đi.

Cho rằng mình bị lừa, trong cơn cuồng điên, Hiếu đuổi theo vật ngã Nhàn xuống đất, bóp cổ Nhàn. Hiếu mở nốt chai thuốc trừ sâu còn lại đổ lên mặt ép Nhàn uống. Rồi Hiếu cũng ngất lịm vì ngấm thuốc. Khi tỉnh dậy, thấy mình còn sống, Hiếu gọi người đưa mình đi cấp cứu. Đến ngày 9-6-2008, Hiếu tới cơ quan công an đầu thú.

TAND tỉnh Đắk Lắk tuyên phạt Nguyễn Văn Hiếu 18 năm tù về tội giết người.

Hối hận muộn màng

Khi đề nghị được gặp Hiếu, câu trả lời chúng tôi nhận được chỉ là những cái lắc đầu. Cán bộ ở đây cho biết với những phạm nhân khác, quản giáo của trại có thể đưa ra ngoài, đi kèm để trò chuyện cùng PV nhưng Hiếu thì khác. Hiếu lúc tỉnh táo lúc không, việc phạm nhân này ra ngoài rất khó kiểm soát. Bên cạnh đó, phân trại số 1 của trại giam Đắk Trung là nơi ở của gần 1.000 phạm nhân nam, việc nữ PV vào đó rất nguy hiểm.

Lúc bị bắt tạm giam, khởi tố và thậm chí thời gian đầu vào trại, Hiếu cũng bình thường như bao phạm nhân khác. Nhưng chỉ một thời gian sau, Hiếu bắt đầu có những biểu hiện không kiểm soát được hành vi của mình như đập phá, la hét, dội nước liên tục vào người.

“Hiếu luôn cảm thấy nóng trong người. Cứ có nước là dội liên tục nên phải khống chế lượng nước. Dội nhiều rất dễ bị cảm lạnh” - một cán bộ quản giáo ngậm ngùi kể chuyện.

Phải rất khó khăn chúng tôi mới nhận được cái gật đầu đồng ý cho phép của giám thị và cán bộ trại giam nơi đây. Theo đó, để đảm bảo an toàn, chúng tôi chỉ được đứng ngoài phòng cách một quãng tầm 5 m, không lại gần trò chuyện, không chụp ảnh, phải có ba cán bộ đi kèm lúc vào và năm cán bộ đi kèm lúc ra ngoài. Đó là chưa kể nhiều cán bộ khác đang làm việc trong phân trại số 1 và những chiến sĩ đang trực ngay ngoài cổng trại luôn sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống.

So với bức ảnh lưu trong hồ sơ năm nào, Hiếu giờ đây gầy hơn, đầu cạo gần trọc. Trong phòng y tế chỉ có một mình Hiếu, ngoài chiếc giường ngủ, chăn màn thì không hề có vật dụng nào khác. Cán bộ trại giam cho biết những vật có thể gây sát thương không được để trong phòng vì Hiếu có thể dùng nó làm tổn thương bản thân mình.

Hiếu ngồi lặng yên trong phòng y tế, một mình, đôi mắt vô hồn, đờ đẫn nhìn ra ngoài cửa sổ. Năm phút tôi đứng nhìn Hiếu cũng là năm phút Hiếu ngồi bất động nhìn ra bầu trời. Quần áo trên người Hiếu vẫn đầy đủ, không bị Hiếu tự tay lột sạch như những ngày trước. Một cán bộ nói nhỏ: “Hôm nay chắc Hiếu ổn hơn rồi!”.

Chín năm trôi qua, vụ án mạng trên đồi thông năm nào đã khép lại. Mộ Nhàn đã xanh cỏ. Cũng là chừng ấy thời gian Hiếu phải trả giá cho hành vi tội lỗi của mình. Nhưng có lẽ cái giá đắt nhất Hiếu phải trả không phải là những năm tháng tuổi trẻ đằng đẵng trong tù mà là tính mạng của người con gái Hiếu yêu thương lại do chính mình cướp đoạt.

Ám ảnh. Hối hận. Nhưng tất cả giờ đây đã muộn màng…

Trại giam Đắk Trung, những người còn ở lại - Kỳ 3: Chuyện của Hiếu ảnh 2
Thiếu tá Lê Công Thuật: "Quyết không bỏ rơi phạm nhân".

“Những lúc tỉnh táo, Hiếu vẫn biết đưa quà bánh mà người nhà thăm nuôi ra mời cán bộ. Những lúc vậy, Hiếu hiền khô. Việc đưa Hiếu ra phòng trạm y tế sống riêng vừa để đảm bảo an toàn cho em và những phạm nhân khác, đồng thời không gian yên tĩnh sẽ giúp em phần nào bình tâm hơn để chữa bệnh. Tất nhiên những lúc không kiềm chế được em không còn là em nữa.

Nhưng không phải vì vậy mà bỏ rơi em được, thấy Hiếu bắt đầu có biểu hiện nổi nóng thì cán bộ xoa vai, ân cần hỏi thăm “Hiếu, dội nước nhiều là cảm lạnh đấy”, để em bình tĩnh lại.

Hằng ngày vẫn có cán bộ thay phiên qua trò chuyện cùng em, cái vỗ vai, câu hỏi thăm, động viên… để em biết chúng tôi không bao giờ bỏ rơi em” - Thiếu tá Lê Công Thuật chia sẻ.

Thiếu tá Lê Công Thuật cho biết người nhà Nguyễn Văn Hiếu vẫn lên thăm nuôi thường xuyên. Gia đình của Hiếu cũng ở mức trung bình, không khó khăn như một số hoàn cảnh phạm nhân khác đang cải tạo trong trại. Nhưng Quỹ tấm lòng vàng của trại giam Đắk Trung - quỹ do cán bộ và phạm nhân trong trại tự nguyện đóng góp để ủng hộ cho những phạm nhân có hoàn cảnh khó khăn, phạm nhân không có người thăm nuôi nhưng có quá trình cải tạo tốt… vẫn quyết trích một khoản tiền nhỏ để giúp đỡ Hiếu trong việc chi tiêu nhằm hỗ trợ em sớm bình phục.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm