Trắng đêm sửa tàu vì Hoàng Sa

Trong khi ngoài khơi các chiến sĩ đang căng mình đêm ngày bám biển để bảo vệ chủ quyền thì ở đất liền, những người lính thợ cũng ra sức làm việc để gia cố những con tàu bị va đập, khắc phục hỏng hóc để tàu kịp ra khơi, tiếp tục làm nhiệm vụ.

Những ngày này, cảng Sông Thu liên tiếp đón các tàu cảnh sát biển (CSB), tàu kiểm ngư vừa bị tàu Trung Quốc đâm húc, gây hư hỏng vào sửa chữa. Từng tốp công nhân làm việc ngày đêm để tàu kịp ra khơi, bảo vệ chủ quyền.

Khẩn trương làm việc

Sáng 20-5, tại khu vực cầu tàu, tổ công nhân của anh Võ Văn Nam khẩn trương gia cố lại hệ thống lan can cho tàu CSB 2013. Trước đó, vào sáng 18-5, trong khi đang thực thi nhiệm vụ đẩy đuổi giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc ra khỏi vùng biển chủ quyền Việt Nam, tàu CSB 2013 đã bị tàu hải cảnh Trung Quốc vây ráp, tấn công. Thuyền trưởng tàu đã mở hết công suất máy, tăng tốc thoát ra khỏi gọng kìm nhưng vẫn bị tàu Trung Quốc húc trúng lan can ở mạn phải (phía đuôi tàu), móp một phần con lươn dài khoảng 1,5 m, gãy một số ống thông gió, thông hơi trên tàu.

Sau khi tàu cập cảng vào chiều 19-5, hàng chục công nhân có tay nghề cao của xí nghiệp được điều động ra sửa chữa. “Anh em đã làm việc bất kể ngày đêm để khắc phục các hỏng hóc, kịp bàn giao tàu cho lực lượng CSB lên đường làm nhiệm vụ. Trong thời điểm này, chúng tôi duy trì 100% số lượng công nhân có mặt tại xí nghiệp để nhận lệnh điều động. Sửa chữa các tàu về từ Hoàng Sa là ưu tiên số một. Trách nhiệm của mình là phải hoàn tất nhanh công việc để anh em nhận lệnh là đi ngay” - ông Phan Đình Phong, Chủ nhiệm chính trị (Tổng Công ty Sông Thu), cho biết.

Các công nhân đang sơn trả lại nguyên trạng cho các tàu Hoàng Sa. Ảnh: TT

Từ ngày 9-5 đến nay, nhà máy đã sửa chữa, khắc phục sự cố cho hơn sáu tàu CSB và kiểm ngư. Trong đó, nặng nhất là hai tàu CSB 4033 và 2012. Với hơn 10 năm tuổi nghề, anh Đinh Tiến Linh (tổ phó tổ hàn, Xí nghiệp vỏ 2) cho biết khác với các tàu dân sự, tàu chiến có cấu tạo vỏ thép đặc chủng nên nhiều công đoạn như cắt, hàn rất khó.

“Nhìn những con tàu cập cảng trong tình trạng méo mó, bị xé toác nhiều mảng có thể thấy chúng bị tấn công bởi những cú húc, va chạm rất mạnh. Ngay đến lớp tôn dày hai bên mạn cũng bị mũi tàu đối phương đâm toác”. Anh Linh nói thêm vỏ tàu CSB được làm từ tôn nhập khẩu với hàm lượng cacbon cao, phải sử dụng các que hàn đặc chủng mới hàn được. Cơ cấu tàu cũng khá phức tạp, phần hầm tàu nhỏ hẹp nên không phải ai cũng đủ khả năng để làm.

Khắc phục mọi khó khăn

Nhớ lại thời điểm sửa hai tàu CSB 4033 và 2012, anh Lê Văn Thành (công nhân Xí nghiệp vỏ 2) tâm sự: “Điều kiện thi công lúc đó rất cực, không gian cảng chật hẹp, thời tiết mưa nắng thất thường. Hai tàu bị hư hỏng khá nặng, phải tháo dỡ toàn bộ phần xốp, vách mộc và di chuyển các trang thiết bị, vật tư trên tàu… Anh em phải thay ca nhau làm việc không ngừng nghỉ”.

Tổ của Thành phải mua cơm hộp về ăn tại cảng. Là hai thợ hàn có tay nghề nên Thành và Linh được giao nhiệm vụ làm việc trong hầm tàu suốt đêm để gắn lại các vết nứt. “Làm việc trong hầm tàu rất nguy hiểm, có thể xảy ra cháy nổ bất cứ lúc nào. Một người ngồi hàn thì người kia phải cầm bình chữa cháy túc trực bên cạnh, tưới nước thường xuyên để ngăn lửa. Không gian trong hầm chật hẹp, khó thở nên mỗi công nhân có kinh nghiệm cũng chỉ chịu được khoảng hai giờ”.

“Tàu CSB 4033 bị sập phần mũi và mạn phải (rách 5 m). Cần trụ đèn mũi bị gãy, nhiều bộ phận khác hư hỏng nặng. Nếu sửa chữa bình thường thì mất khoảng nửa tháng. Nhưng đợt đó anh em chỉ làm trong hai ngày một đêm là hoàn thành” - anh Nam cho biết.

Sửa tàu cả ngày lẫn đêm

Nhận được tin tàu CSB 4032 sẽ cập bờ sửa chữa, khắc phục một vài sự cố do tàu Trung Quốc cố tình đâm húc khi đang làm nhiệm vụ trên vùng biển chủ quyền, Xí nghiệp vỏ 2 đã huy động gần 100 công nhân cùng các trang thiết bị hiện đại đợi sẵn ở bờ. “Đây là con tàu đã chỉ huy một biên đội tàu Việt Nam đột kích, tiến sát giàn khoan để phát loa yêu cầu phía Trung Quốc rút giàn khoan. Khi còn cách giàn khoan Hải Dương 981 chừng 5,5 hải lý thì tàu này bị hai tàu số hiệu 7028 và 46001 của Trung Quốc kèm chặt đâm húc. Anh em biết tin tàu bị hư hỏng, vào sửa chữa nên ai cũng sốt ruột” - anh Nam cho biết.

Ngay sau khi tàu cập cảng vào chiều 16-5, công nhân nhanh chóng “bắt bệnh” và lên phương án sửa chữa cả ngày lẫn đêm. Qua kiểm tra, tàu CSB 4032 bị rách toạc 10 m lan can, mạn trái tàu bị đâm rách, ba ống thông gió, bốn trụ thông hơi, hai lỗ phun sương bị hư hại.

Các tốp công nhân được huy động “trực chiến” 24/24 giờ tại cầu tàu để chờ hỗ trợ cho đồng đội. Khi tổ hàn của anh Linh vào hầm tàu thi công thì bên ngoài một nhóm khác dựng lại lan can, ống thông gió. “Các tổ thay phiên nhau làm không ngừng nghỉ với mục tiêu hoàn tất công việc trong một đêm. Cơm nước được vận chuyển về ngay tại cầu cảng” - anh Nam nói. Đến ngày 17-5, công việc sửa chữa tàu CSB 4032 hoàn tất và bàn giao cho lực lượng CSB lên đường làm nhiệm vụ.

Nỗ lực vì chủ quyền Tổ quốc

Giữa tiếng máy hàn, máy cắt rền vang, những công nhân xí nghiệp vỏ cặm cụi hàn lại từng thanh lan can bị gãy cho tàu CSB 2013. Những giọt mồ hôi mặn chát ướt đẫm khuôn mặt người lính thợ. “Công việc tuy vất vả nhưng mình luôn động viên anh em cố gắng làm hết mình để tàu kịp giờ ra khơi. Ngoài đó, các anh đang cần thêm những con tàu để bổ sung vào đội hình chiến đấu, bảo vệ chủ quyền”.

Anh Nam tâm sự quần quật suốt ngày trên công trường nhưng ai cũng xung phong tăng ca đêm, tự nguyện làm thâu đêm để kịp tiến độ. Công việc thầm lặng, bình dị nhưng các anh đang góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. “Nhiều anh em ở đây còn xung phong ra trực chiến tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) để kịp thời sửa các tàu về từ Hoàng Sa cho gần, không phải đưa về cảng Sông Thu. Còn nếu được giao nhiệm vụ theo các tàu CSB, kiểm ngư ra ngoài kia chiến đấu, sửa chữa tại chỗ, chúng tôi cũng tình nguyện. Tinh thần của anh em luôn sẵn sàng, bởi chúng tôi cũng là những người lính” - Thành khẳng khái.

TẤN TÀI

 

Sửa chữa nhanh và đóng tàu mới

“Các đội CSB đã rất ngạc nhiên vì tiến độ sửa chữa của anh em công nhân. Họ cũng đánh giá cao chất lượng, đảm bảo các tính năng kỹ thuật như ban đầu. Nhiều nơi anh em còn gia cố thêm các vật liệu đặc biệt giúp con tàu cứng cáp, vững chãi hơn” - ông Phong, Chủ nhiệm chính trị (Tổng Công ty Sông Thu), nói.

Ông Phong cho biết thêm, Xí nghiệp Sông Thu cũng đang khẩn trương đóng hoàn thành thêm một soái hạm mới cho lực lượng CSB. Con tàu lớp DN-2000 đóng theo công nghệ của Tập đoàn Damen (Hà Lan), có sàn đỗ dành cho trực thăng đã hợp long các mô-đun. Dự kiến đến tháng 11 tới sẽ hạ thủy con tàu. Cùng với tàu CSB 8001 (đang làm nhiệm vụ trên biển), con tàu này sẽ tăng cường sức mạnh cho lực lượng chấp pháp Việt Nam trên vùng biển chủ quyền.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm