Triều Tiên đã ‘kế thừa’ ICBM từ Liên Xô?

Nga đã không thống nhất nghị quyết lên án vụ thử tên lửa Hwasong-14 của Triều Tiên, nói rằng đó không phải là ICBM mà là tên lửa đạn đạo tầm trung. Họ không tin Triều Tiên làm được điều không tưởng.

Những nhà khoa học “đánh thuê”

Ngày 15-10-1992, tại sân bay Sheremetyevo-2 ở thủ đô Moscow, cảnh sát Nga bắt giữ 60 nhà khoa học tên lửa cùng thân nhân khi họ chuẩn bị bay sang Triều Tiên. Khi bị cảnh sát tra hỏi, các nhà khoa học này thừa nhận được Triều Tiên thuê “trọn gói” sang giúp đỡ phát triển một lực lượng tên lửa hiện đại. “Chúng tôi muốn kiếm tiền rồi quay về” - một nhà khoa học thừa nhận với các nhà báo Nga. Lúc đó Liên bang Xô viết vừa sụp đổ không lâu. Nước Nga vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng. Các nhà khoa học vũ khí Nga bị đẩy vào tình cảnh thiếu việc làm do quân đội bị bỏ bê. Tiền thì không dễ kiếm, trong khi vật giá thời buổi “tranh tối tranh sáng” đó lại tăng cao như diều gặp gió. Lời mời làm việc của Bình Nhưỡng thật sự hấp dẫn khó cưỡng.

Theo tờ National Post (Mỹ), nhóm nhà khoa học bị giữ tại sân bay Sheremetyevo-2 chỉ là một trong số rất nhiều nhà khoa học tên lửa của Nga tìm đường sang Triều Tiên, mang các thành tựu công nghệ tên lửa của Nga làm giàu thêm cho chương trình tên lửa của Triều Tiên. Không những đóng góp chất xám cho các chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng, các nhà khoa học “đánh thuê” còn mang theo cả các linh kiện mẫu và bản phác thảo động cơ tên lửa. Vào thập niên 1990, có mặt ở Triều Tiên phần lớn là tên lửa lạc hậu, thế hệ cũ Scuds, một số được mua ở chợ đen. Cái kết buồn của Liên Xô cộng với sức ép không còn siêu cường bảo trợ mở ra cho Triều Tiên cơ hội và động lực để “lên đời” kho tên lửa.

Các cựu quan chức quốc phòng Mỹ cho rằng Triều Tiên đã nắm trong tay nhiều bản vẽ tên lửa Nga từ năm 1990 và đã dành nhiều năm trời thử nghiệm với những công nghệ mà mình có, theo The Washington Post. Một trong những nỗ lực thử nghiệm đầu tiên là vào năm 1993. Tháng 3 năm đó Triều Tiên bắt đầu nhận các chuyến hàng “kim loại đặc biệt” để xây dựng bệ phóng tên lửa. Chỉ hai tháng sau, tên lửa Nodong-1 đã được Bình Nhưỡng cho phóng từ tỉnh Wosan ra vùng biển phía Đông bán đảo. Lập tức bắt đầu xuất hiện các báo cáo tại Nga khẳng định Triều Tiên đang tích cực tìm kiếm nhân tài tên lửa. Moscow gửi thông điệp cấm Bình Nhưỡng dùng nhà khoa học và kỹ thuật viên của nước này, bằng không sẽ bị cắt quan hệ.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cùng quân dân ăn mừng vụ phóng tên lửa xuyên lục địa thành công. Ảnh: AFP

Tên lửa ICBM Hwasong-14 được phóng ngày 4-7. Ảnh: AP

Dáng dấp tên lửa Nga

Chính phủ Nga vẫn khẳng định không có chuyện chuyển bí mật tên lửa cho Triều Tiên. Tuy nhiên, Moscow không thể bác bỏ các thiết kế của Liên Xô có lẽ đã trở thành khuôn mẫu cho hàng loạt tên lửa đạn đạo tầm trung mà Triều Tiên sản xuất và thử trong hai thập niên qua.

Sau hàng loạt vụ thử thất bại, khoảng bốn năm gần đây Triều Tiên đạt được nhiều tiến bộ đáng ngạc nhiên về kỹ thuật. Triều Tiên có thể dùng tên lửa đẩy phóng vệ tinh vào quỹ đạo, thử thành công tên lửa phóng từ tàu ngầm, tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn. Tháng 6, Triều Tiên thử thành công tên lửa đạn đạo tầm trung di động Hwasong-10 có khả năng bắn tới đảo Guam của Mỹ cách đó 3.000 km. Các nhà phân tích độc lập nhận định tên lửa Hwasong-10 được phát triển từ phiên bản tên lửa R-27 Zyb của Liên Xô mà Triều Tiên thu thập được thiết kế từ những năm 1990, theo làn sóng các nhà khoa học “đánh thuê” khi đó.

Công cuộc nghiên cứu của chương trình tên lửa Triều Tiên cuối cùng đã ca khúc khải hoàn vào ngày 4-7. Triều Tiên lần đầu tiên thử tên lửa ICBM Hwasong-14 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, bay xa hơn 5.400 km và tầm bắn tối đa đến 6.700 km. Hwasong-14 là phiên bản cập nhật của Hwasong-12. Bốn tháng trước vụ thử lịch sử, Triều Tiên đã làm cả thế giới choáng váng với màn phô diễn sức mạnh, hé lộ mẫu động cơ được dùng cho Hwasong-14. Nhiều chuyên gia Mỹ đã nhận thấy động cơ tên lửa này rõ ràng mang dáng dấp mẫu động cơ cũ của Liên Xô. Chuyên gia vũ khí Michael Elleman, cựu cố vấn Bộ Quốc phòng Mỹ, cho biết ông sốc vì nhận thấy có sự giống nhau kinh ngạc giữa động cơ tên lửa Triều Tiên thử hồi tháng 3 với động cơ ông nhìn thấy ở Liên Xô cuối Chiến tranh lạnh.

Sau khi nghiên cứu kỹ, ông Elleman và một số chuyên gia khác cho biết phát hiện rất nhiều chi tiết trong động cơ tên lửa của Triều Tiên tương tự động cơ tên lửa RD-250 được Liên Xô sản xuất thập niên 1960. Chuyên gia Elleman đang tích cực phân tích, so sánh động cơ dùng trong các tên lửa Hwasong-12, Hwasong-14 với động cơ tên lửa RD-250. Tài liệu phân tích cho thấy hai loại động cơ này có rất nhiều đặc trưng giống nhau.

Chưa lộ hết bí mật?

Sự giống nhau giữa động cơ tên lửa Triều Tiên và Liên Xô lần nữa gợi lại câu hỏi: Thật ra Triều Tiên đang nắm trong tay những gì ngoài công nghệ tên lửa Liên Xô? Elleman, chuyên gia tên lửa tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), nhấn mạnh mối lo ngại: “Vụ thử tên lửa cho thấy mạng lưới thu gom những gì còn sót lại của Liên Xô mà Triều Tiên nắm trong tay rộng hơn chúng ta từng ước đoán. Câu hỏi lớn nhất là họ đã thu được những gì khác từ đó”.

Việc Triều Tiên sử dụng các di sản của khoa học tên lửa Liên Xô cũng lý giải vì sao các mẫu tên lửa được thử nghiệm có vẻ lạc hậu cả vài thập niên so với quân đội Mỹ và các nước đã có ICBM, cựu Phó Giám đốc CIA David Cohen nhận định. “Các tên lửa mà Triều Tiên cho bắn thời gian qua có vài yếu tố kỹ thuật mới nhưng toàn bộ đều dựa trên các mô hình đã cũ của Liên Xô. Họ đã nắm giữ những thiết kế này trong nhiều năm. Triều Tiên có thể đã âm thầm thử nghiệm các động cơ này trong suốt 15 năm qua. Nhờ có sẵn thiết kế động cơ, tất cả những gì họ cần làm là thử nghiệm mặt đất và thử nghiệm bay với các mẫu khác nhau. Điều này cho phép Triều Tiên phát triển tên lửa nhanh đến chóng mặt” - ông Cohen đánh giá.

Trước vụ thử đình đám ngày 4-7, các nhà khoa học luôn tưởng rằng Triều Tiên phải mất đến nhiều năm nữa mới phát triển được công nghệ ICBM. Tất cả đều đã đánh giá thấp Triều Tiên và không lường trước được những công nghệ mà nước này thu thập được. Bình Nhưỡng đã chứng tỏ họ là hình mẫu thành công của việc “học từ thất bại”, Chủ tịch Viện Khoa học và An ninh quốc tế (ISIS) David Albright nhận định. Sự quyết tâm chính trị của các đời lãnh đạo Triều Tiên đã khiến các dự báo về chương trình tên lửa Triều Tiên bị “phá sản”.

Có kênh trung gian khác?

Theo tờ National Interest, vẫn còn nhiều hoài nghi về giả thuyết Bình Nhưỡng dùng tiền thuê chuyên gia tên lửa Nga sau khi Liên Xô sụp đổ. Giai đoạn năm 1990, Triều Tiên liên tiếp gặp khó khăn về kinh tế và thiên tai trầm trọng. Giới chuyên gia cho rằng các công nghệ tên lửa mà Triều Tiên tiếp nhận có thể đến từ chính quyền quân sự trước đây của Myanmar. Chính quyền Yangoon khi đó sở hữu loại tên lửa Uran của Nga và có quan hệ rất thân thiết với Bình Nhưỡng. Ngoài Myanmar, bên thứ ba khác trong trường hợp này có thể là Iran.

Cũng liên quan tới giả thuyết này, loại tên lửa Pongae-5 có thể được chế tạo dựa trên công nghệ của tên lửa S-300 đang được triển khai tại Syria. Trong khi đó, hệ thống tên lửa KN-09 có khả năng được chế tạo dựa trên hệ thống A-100 của Trung Quốc. Pakistan, quốc gia từng dính nhiều bê bối làm ăn ngầm với Triều Tiên, lại là nước từng mua hệ thống này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm