Trung Quốc đưa ra bản đồ 300 năm cũng vô dụng

Đầu tháng 5 vừa qua, một nhóm các nhà nghiên cứu Trung Quốc (TQ) bất ngờ công bố một tấm bản đồ chứng minh chủ quyền TQ ở biển Đông. Bản đồ này được cho là công bố lần đầu tiên vào tháng 4-1951 nhưng chỉ “được phát hiện” thông qua một cuộc điều tra lưu trữ quốc gia gần đây. Đáng lưu ý, thay vì các đường đứt quãng, như được mô tả trong đường chín đoạn hình chữ U của TQ khẳng định chủ quyền hầu như toàn bộ biển Đông, bản đồ mới đưa ra một “đường ranh giới quốc gia và khu vực hành chính liên tục”.

Bản đồ nào cũng phải soi chiếu qua UNCLOS

Trả lời Pháp Luật TP.HCM, GS James Kraska, thuộc Trung tâm Nghiên cứu luật Stockton, ĐH Chiến tranh hải quân Mỹ, đồng thời là nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Luật và chính sách đại dương tại Trường Luật ĐH Virginia (Mỹ) cho rằng các tấm bản đồ của TQ đưa ra để minh chứng chủ quyền ở biển Đông gần như không có giá trị pháp lý trong tương quan luật pháp quốc tế. Theo GS James Kraska, nguyên nhân là vì bất kể ai cũng có thể tạo ra một tấm bản đồ nhắm đến điều gì họ muốn.

Các nhà nghiên cứu TQ cho rằng thông qua phân tích các bản đồ lịch sử, bản đồ năm 1951 chứng minh rằng đường chữ U liền nét là biên giới của lãnh hải TQ ở biển Đông. Tuy nhiên, GS Kraska đã bác bỏ quan điểm này của nhóm học giả TQ.

“Tôi cho rằng các bản đồ của TQ đưa ra gần như không có sức nặng về mặt pháp lý xét trong hệ thống luật pháp quốc tế. Bởi lẽ bất kể ai cũng có thể tự mình vẽ ra một tấm bản đồ để dựa vào đó nói bất kể điều gì” - GS Kraska nói. Cũng theo ông James Kraska, thậm chí ngay cả trong trường hợp TQ đưa ra một tấm bản đồ chính thức với đường ranh đỏ để nhằm chỉ ra biên giới chủ quyền trên biển của nước này và tấm bản đồ đó đã tồn tại suốt 300 năm thì nó cũng không có giá trị về mặt pháp lý.

Giải thích cho nhận định của mình, ông James Kraska nói: “Trên thực tế TQ đã tham gia vào Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 và điều đó có nghĩa rằng các tuyên bố của TQ đưa ra mà trái lại với quy định của công ước thì đều bị vô hiệu hóa”.

Cùng quan điểm với GS James Kraska, PGS-TS Vũ Thanh Ca, chuyên gia về biển tại ĐH TN&MT Hà Nội, nói rằng trước đây TQ dựa trên những học thuyết về “quyền lịch sử” trên biển đã tuyên bố rằng TQ có các quyền lịch sử đối với vùng biển nằm trong phạm vi “đường lưỡi bò”. Tuy nhiên, Tòa Trọng tài Quốc tế đã phán quyết rằng các “quyền lịch sử” của TQ tại vùng biển nằm ngoài vùng biển được quy định bởi UNCLOS đã bị vô hiệu hóa sau khi UNCLOS ra đời mà TQ là một thành viên.

Ông Vũ Thanh Ca lý giải thêm: “Theo các quy định của luật pháp quốc tế, một vùng biển không phải là đối tượng để tuyên bố chủ quyền. Ngoài ra, theo nguyên tắc “đất thống trị biển”, chế độ pháp lý của một vùng biển phụ thuộc vào chế độ pháp lý của vùng đất liền kề với nó. Nếu vùng đất là lục địa hay đảo, thỏa mãn điều kiện là “phù hợp cho đời sống con người và cho một đời sống kinh tế riêng”, vùng biển liền kề với nó sẽ có thể là vùng đặc quyền kinh tế, có chiều rộng tối đa 200 hải lý tính từ bờ hoặc là vùng thềm lục địa, có chiều rộng tối đa 350 hải lý tính từ bờ. Nếu đó là đảo đá, “không phù hợp cho đời sống con người và cho một đời sống kinh tế riêng” thì vùng biển liền kề chỉ có lãnh hải có chiều rộng tối đa 12 hải lý.

Trên cơ sở đã phân tích đối chiếu với luật quốc tế, ông Vũ Thanh Ca khẳng định: “Đối chiếu với “đường lưỡi bò” của TQ trên biển Đông, có thể nói đường này đã vươn xa cách bờ của đảo Hải Nam tới gần 1.000 hải lý. Như vậy, TQ hoàn toàn không có cơ sở pháp lý để tuyên bố vùng biển nằm trong “đường lưỡi bò” là vùng biển TQ”.

Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang bị TQ chiếm đóng và xây dựng phi pháp. Ảnh: EPA

Hạ tầng TQ xây trái phép ở Gạc Ma và bản đồ phi pháp năm 1951. Ảnh: THANH NIÊN

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lên tiếng cứng rắn với TQ sau khi bị chỉ trích mềm yếu. Ảnh: REUTERS

Cần hợp tác đối phó TQ

Gần hai năm kể từ khi Tòa Trọng tài tuyên phán quyết vụ Philippines kiện TQ ở biển Đông, Bắc Kinh vẫn từ chối chấp nhận và tuân theo phán quyết. Thậm chí gần đây TQ còn gia tăng quân sự hóa ở Trường Sa và Hoàng Sa bằng cách chuyển tên lửa và diễn tập máy bay ném bom ở các tiền đồn quân sự ở biển Đông, bất chấp nhiều nước phản đối, trong đó có Việt Nam, Philippines, Úc… khiến an ninh khu vực căng thẳng.

Theo ông James Kraska, các hành động bồi lấp thay đổi nguyên trạng đồng thời quân sự hóa các thực thể ở biển Đông vừa qua của TQ là vi phạm luật pháp quốc tế. Trước đó, trong một lần trả lời Pháp Luật TP.HCM về việc TQ không tuân theo phán quyết Tòa Trọng tài, ông James Kraska cho rằng một quốc gia không thể trở thành một phần của cộng đồng quốc tế khi chỉ biết nhận lợi ích, mà nước đó còn phải chấp nhận nghĩa vụ của mình.

Hơn thế nữa, theo ông James Kraska, các cường quốc lớn mạnh hơn thường phải chấp nhận những kết quả mà chính họ cho rằng không công bằng, hoặc tạo ra gánh nặng lớn hơn với họ bởi sự chênh lệch về quyền lực và lợi ích lớn hơn mà họ có thể nhận được trong các tổ chức quốc tế (ví dụ như một chiếc ghế trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc).

Trong khi đó, ông Vũ Thanh Ca nhận định rằng cho đến thời điểm hiện tại không có các dấu hiệu cho thấy TQ chấp nhận điều chỉnh của luật quốc tế. “TQ đã từ lâu thực hiện chiến lược từng bước chiếm trọn biển Đông theo sách lược tằm ăn dâu. TQ chủ trương không tham gia vụ kiện của Philippines, không công nhận phán quyết của Tòa Trọng tài và không tuyên truyền cho phán quyết” - ông Vũ Thanh Ca nói.

Vị chuyên gia kết luận với những hành động nêu trên, TQ đang cố tình cho thế giới thấy là họ không tôn trọng và đang vô hiệu hóa phán quyết. Ngoài ra, đây có thể là bước thăm dò dư luận để TQ thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Đông.

Một trong những bài toán đặt ra cho các nước khu vực, bao gồm Việt Nam, Philippines hay các nước Hiệp hội Đông Nam Á (ASEAN) nói chung, là tìm ra giải pháp ứng phó với tình trạng leo thang căng thẳng mà Bắc Kinh đang dồn ép tạo ra. Theo ông James Kraska, cách tiếp cận duy nhất cho các quốc gia này chính là cùng nhau nỗ lực hợp tác. Các quốc gia này có thể cùng nhau đối trọng lại các hành động của TQ. Nếu hành động một cách đơn lẻ hay thiếu liên kết, các nước sẽ bị Bắc Kinh “vô hiệu hóa”. Một trong những giải pháp lý tưởng nhất đó là các nước khu vực như Philippines, Malaysia và Việt Nam cần đạt được thỏa thuận đối với các thực thể ở biển Đông phù hợp với UNCLOS, đó là nền tảng quan trọng để cùng nhau hợp tác đối mặt với Bắc Kinh.

Mỹ và Philippines lên tiếng cứng rắn với Trung Quốc

Hôm 30-5, tờ Washington Post dẫn lời hai quan chức Philippines nói chính phủ Philippines phản đối việc tàu TQ triển khai một máy bay trực thăng “áp sát nguy hiểm” với tàu hải quân chở hàng cho thủy quân lục chiến Philippines trên tàu hải quân tại Bãi Cỏ Mây, nơi quân đội TQ kiểm soát. Quan chức Philippines mô tả trực thăng TQ bay phía trên tàu chở hàng, cố gắng gây cản trở và làm lật tàu. Vụ việc xảy ra vào hôm 11-5 nhưng không có binh lính nào của Philippines bị thương.

Cùng ngày, cố vấn an ninh quốc gia Philippines Hermogenes Esperon nói với báo chí rằng nước này sẽ luôn nỗ lực thúc đẩy đàm phán để xoa dịu căng thẳng nhưng cũng không loại trừ khả năng chiến tranh như một phương sách cuối cùng nếu quân đội bị kích động hoặc tấn công. Trước đó vài hôm, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã nói nếu quân đội Philippines bị tổn hại, đó có thể là “giới hạn đỏ” của ông, hàm ý đến một cuộc xung đột nếu TQ tiếp tục lấn tới và vượt ngưỡng chịu đựng.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cùng ngày cũng tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục duy trì các hoạt động hải quân, thách thức các tuyên bố chủ quyền của TQ tại các vùng biển tranh chấp ở biển Đông. Tuyên bố của ông Mattis đưa ra sau khi phía TQ phản đối hai tàu chiến của Mỹ đi vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo TQ xây dựng chiếm đóng ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm