Trung Quốc 'né' chuyện biển Đông

Sau chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Trung Quốc (TQ) Tập Cận Bình sang Hoa Kỳ lần đầu tiên (và có thể là lần cuối cùng trong nhiệm kỳ Tổng thống Barack Obama), vấn đề nóng về tranh chấp lãnh thổ, đặc biệt là yêu sách vô lý của Bắc Kinh tại biển Đông, vẫn chưa thể giải quyết, thậm chí còn căng thẳng hơn. Lần đầu tiên trên đất nước cờ hoa, ông Tập Cận Bình đã mạnh miệng tuyên bố chủ quyền trên quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam (VN)). 

Tuy nhiên ngay sau đó, nhân dịp dự Hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc tại Hoa Kỳ, Chủ tịch nước VN Trương Tấn Sang, theo bình luận của báo chí quốc tế, đã mạnh mẽ bác bỏ những khẳng định chủ quyền vô căn cứ, trái với luật pháp quốc tế từ phía Bắc Kinh.

Bắc Kinh không chọn “giải pháp hòa bình”?

Tờ Japan Times (Nhật Bản) bình luận “điều đáng lo ngại nhất sau các cuộc gặp mặt song phương Hoa Kỳ - TQ chính là sự thất bại trong việc tìm đến những quan điểm chung trong các hoạt động của TQ tại biển Đông - một trong những điểm nóng có vai trò chiến lược quan trọng không chỉ với Bắc Kinh, Washington và còn rất nhiều các quốc gia liên quan”.

Trong buổi gặp mặt và nói chuyện trực tiếp với ông Tập Cận Bình, Tổng thống Obama không ngần ngại nhắc lại quan điểm trước sau như một của Hoa Kỳ, cho rằng việc cải tạo đảo, xây dựng hạ tầng và quân sự hóa khu vực biển Đông cùng hàng loạt hành động gây hấn khác của TQ càng gây thêm khó khăn cho các quốc gia trong việc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. 

“Washington, Tokyo hay tất cả quốc gia còn lại trong khu vực rất lo ngại rằng vấn đề tự do hàng hải và tự do thương mại sẽ bị TQ đe dọa” - Tổng thống Obama thẳng thắn nêu quan điểm.

Tuy nhiên, phía Bắc Kinh ngay lập tức lên tiếng phản đối các cáo buộc từ ông chủ Nhà Trắng. Dù không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào thuyết phục về luật quốc tế và nhiều lần bị nhiều quốc gia bác bỏ yêu sách vô lý, ông Tập Cận Bình vẫn mạnh miệng: “Các quần đảo tại khu vực biển Đông thuộc về chủ quyền của TQ ngay từ thời cổ đại”!? 

Ông Tập nói thêm TQ có quyền duy trì chủ quyền quốc gia của nước này, cũng như các quyền và lợi ích hàng hải hợp pháp. Khẳng định này khiến không ít người nhớ đến phát ngôn vô lý tương tự của Bộ trưởng Ngoại giao TQ Vương Nghị hồi tháng 6-2015, rằng chính quyền TQ “sẽ có tội với tổ tiên, có lỗi với con cháu, nếu thay đổi lập trường cùng yêu sách chủ quyền (phi pháp) ở biển Đông”.

Không dựa trên một cơ sở đáng tin cậy nào và ngược với hành động trên thực địa nhưng Chủ tịch Tập khẳng định với Tổng thống Obama rằng TQ cam kết sẽ không gây hại đến tự do hàng hải. 

Khi ông Tập cam kết với ông Obama tại Nhà Trắng, truyền thông quốc tế tiết lộ TQ vừa hoàn thành đường băng trái phép trên quần đảo Trường Sa. Hình ảnh từ tạp chí quốc phòng IHS Jane’s cho thấy TQ đã hoàn thành đường băng dài 3.125 m, cùng hàng loạt cơ sở hạ tầng, đất nông nghiệp, công trình chắn nước… được xây dựng phi pháp trên đá Chữ Thập thuộc chủ quyền của VN. 

Đúng như nhiều tờ báo quốc tế bình luận, “hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung đã thất bại trong việc hứa hẹn rằng cả hai cường quốc Trung-Mỹ sẽ cùng nhau giải quyết các mối lo ngại của thế giới” và Bắc Kinh dường như đã “từ chối giải pháp giải quyết tranh chấp hòa bình” tại khu vực biển Đông.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trả lời phỏng vấn tại Hoa Kỳ hôm thứ Hai (28-9). Ảnh: AP

Hình ảnh vệ tinh chụp hôm 20-9 cho thấy Trung Quốc hoàn tất đường băng trái phép trên đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: HIS

Việt Nam bác bỏ luận điệu Trung Quốc

Ngay sau các phát biểu phi lý của ông Tập Cận Bình tại Hoa Kỳ, phía VN ngay lập tức đã lên tiếng cũng trên đất nước cờ hoa. 

Truyền thông Hoa Kỳ cho hay trong cuộc trao đổi tại Hội Châu Á ở New York ngày 28-9, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: “Hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng (của TQ) tại vùng biển tranh chấp đang đe dọa hòa bình, anh ninh, ổn định tại châu Á-Thái Bình Dương. 

Khu vực này đang đối diện với một loạt thách thức và rủi ro nghiêm trọng về hòa bình, ổn định và phát triển bền vững”. Chủ tịch Trương Tấn Sang lên án việc xây đảo nhân tạo của TQ trên quần đảo Trường Sa ở biển Đông là vi phạm luật pháp quốc tế, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh hàng hải.

“VN có đầy đủ bằng chứng về lịch sử lẫn thực tiễn pháp lý để xác định chủ quyền của VN ở Trường Sa và Hoàng Sa. Tất cả người VN đều nhớ rất rõ rằng TQ đã dùng vũ lực đánh chiếm Hoàng Sa và bảy bãi đá ngầm tại quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền VN)” - Chủ tịch Trương Tấn Sang nói với báo chí quốc tế. 

Nhà lãnh đạo cho biết thêm “cha ông chúng tôi đã công khai quản lý cả hai quần đảo, không phải bằng vũ lực mà bằng biện pháp hòa bình dân sự (theo quy định luật pháp quốc tế). Người dân VN từ lâu đã tiến hành các hoạt động khai thác hải sản tại khu vực hai quần đảo này”.

“Biển Đông hiện tại thực sự là một điểm nóng của khu vực và thế giới. Trong năm vừa qua, TQ đã thực hiện cải tạo đảo chìm với quy mô lớn nhằm tạo ra các đảo nhân tạo. Chúng tôi khẳng định rằng các hành động này của TQ vi phạm luật pháp quốc tế” - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói và viện dẫn Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. 

Ông Sang nói thêm hành động của TQ đồng thời cũng vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông đạt được với các thành viên ASEAN năm 2002.

Tuân thủ luật quốc tế, hành động có trách nhiệm

“Sự lo ngại của VN và các nước ASEAN khác đều rất rõ ràng và dễ hiểu, bởi lẽ các hành vi (phi pháp) của TQ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh và an toàn hàng hải ở biển Đông” - Chủ tịch Trương Tấn Sang cho hay. 

Dường như đồng tình với Tổng thống Obama rằng hành động của Bắc Kinh khiến việc giải quyết tranh chấp tại biển Đông theo giải pháp hòa bình ngày càng khó khăn, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nhấn mạnh tầm quan trọng của một môi trường hòa bình nhằm đề ra những mục tiêu mới hướng tới đạt được sự phát triển bền vững mà phía Liên Hiệp Quốc đã đồng thuận.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói rằng VN đã nỗ lực hết sức trong chương trình hội nghị lần này nhằm bày tỏ quan điểm của VN về các biện pháp nhằm duy trì hòa bình và bảo vệ chủ quyền quốc gia. 

“VN quyết tâm bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời giải quyết các tranh chấp lãnh thổ trên cơ sở luật pháp quốc tế. VN mong muốn cộng đồng quốc tế hiểu rõ về sự thật” - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh.

Trong bối cảnh phức tạp và đầy rủi ro tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương do hành động TQ tạo ra, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề xuất các quốc gia phải giải quyết các vấn đề bằng trách nhiệm, hợp tác giữa tất cả các bên có liên quan, bao gồm cả VN và Hoa Kỳ, nhằm hướng tới mục tiêu duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển tại châu Á-Thái Bình Dương và toàn cầu.

Tổng thống Obama: Giải quyết tranh chấp bằng luật quốc tế, chứ không phải "vũ lực"

Tờ Philstar.com cho biết một điểm rất đáng chú ý là ông Tập Cận Bình đã không hề nhắc đến các tuyên bố (phi pháp) về chủ quyền của TQ ở biển Đông trong bài phát biểu tại Liên Hiệp Quốc. Ông Tập nói dù TQ có mạnh lên đến mức nào thì cũng không theo đuổi bá quyền, bành trướng khiến các nước láng giềng lo ngại.

Trái lại, Tổng thống Obama một lần nữa lên tiếng bày tỏ sự quan ngại trước Liên Hiệp Quốc về hành động cải tạo đảo của TQ ở biển Đông. Ông Obama kêu gọi giải quyết tranh chấp bằng “luật quốc tế” chứ không phải “luật rừng” (hay vũ lực). 

“Với vai trò tổng thống Hoa Kỳ, tôi đang hình dung ra những mối đe dọa với chúng tôi; “các mối nguy hiểm” hiện diện trên bàn làm việc của tôi vào mỗi buổi sáng. Tôi đang nắm quân đội mạnh nhất mà thế giới từng biết và tôi sẽ không ngần ngại bảo vệ đất nước của tôi hoặc các đồng minh của chúng tôi bằng vũ lực nếu cần thiết” - Tổng thống Obama khẳng định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm