Từ cửa tù đến giảng đường đại học

14 năm về trước hỏi tới anh Hồ Kham (39 tuổi, ngụ thôn Cổ Tháp, Quảng Lợi, Quảng Điền, Thừa Thiên – Huế) ai cũng lắc đầu ngao ngán bởi cái tính giang hồ khét tiếng cộng thêm “mác” tù tội. Giờ đây, làng trên xóm dưới đều biết đến anh bằng một con người hoàn toàn khác. Một cử nhân kinh tế có trang trại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

 Anh Hồ Kham trước trang trại heo rừng của mình - Ảnh: VIẾT LONG

Vướng vào vòng lao lý

Nhắc lại chuyện xưa, anh Kham vẫn thấy lạnh sống lưng bởi những ngày tháng dài lê thê. Ngày chờ tối, tối mong sáng trong trại giam Bình Điền (Huế).

 

Đừng để chữ “tù” ngăn đường hoàn lương

“Tôi mong muốn chính quyền lúc xác nhận cho những người thực sự tiến bộ khi họ đi tìm việc lao động phổ thông thì bỏ qua thời gian đó vì người đã được xóa án tích coi như chưa từng phạm tội. Chúng ta làm điều đó là một lần nữa hướng họ đi trên con đường lương thiện, đừng để chữ “tù” ngăn cản con đường hoàn lương của họ…” -  anh Hồ Kham nói.

Anh Kham kể, năm 2000, anh học lớp 10, trong một lần đi nhậu với bạn, trên đường về anh gặp một nhóm thanh niên đứng giữa đường nên hai bên có lời qua tiếng lại. Nổi máu giang hồ, anh liền rút kiếm trong người chém tới tấp vào nhóm thanh niên rồi bỏ đi. Vụ việc khiến nhóm thanh niên bị thương nặng phải cấp cứu tại bệnh viện. Sợ bị bắt, anh liền vay mượn bạn bè tiền rồi khăn gói đón xe đò Bắc – Nam vào TP.HCM kiếm sống. Sau đó, cơ quan điều tra công an tỉnh Thừa Thiên – Huế, ra lệnh truy nã Kham trên toàn quốc về tội cố ý gây thương tích.

Cuộc sống chui lủi rày đây mai đó nơi đất khách quê người đối với anh vô cùng khó khăn. Nên không ít lần anh điện về nhà xin tiền sống. Tuy nhiên, người nhà vận động anh ra đầu thú để được hưởng khoan hồng của pháp luật. Lúc đầu, anh nhất quyết không nghe, nhưng càng lâu anh càng nhớ nhà, nhớ quê hương và muốn quay về.

Sau đó, anh quyết định lên xe về nhà rồi ra công an đầu thú: “Tôi nhớ nhất là hình ảnh mẹ tôi khi thấy con bị tra tay vào còng số tám. Bà đã khụy xuống đất gọi tên tôi thảm thiết. Tôi ngoái mặt nhìn mẹ lịm đi trong vòng tay của mọi người mà nước mắt trào ra. Tôi bỗng nhớ về những ngày tháng mẹ ru tôi ngủ, đút cho tôi ăn từng muỗng cơm, giờ lớn khôn tôi chẳng giúp được gì cho mẹ lại khiến mẹ đau đớn. Tôi cảm thấy có lỗi với mẹ, hối hận vô cùng…” -  Anh Kham kể.

Qua xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ của vụ án anh Kham bị kết án 10 tháng tù. Anh Kham nhớ lại: “Khi bước chân vào những tháng ngày cải tạo ở trại giam Bình Điền, gia đình và tôi đều chịu những lời bàn tán xì xào của làng xóm. Mẹ tôi bảo, giờ đi đâu những người thân cũng phải cúi đầu, ít tiếp xúc với người khác, ruộng vườn bỏ trống, cuộc sống khó khăn gắng gượng cho qua ngày… Em tôi cũng không được vui chơi với bạn bè cùng trang lứa như lúc tôi còn ở nhà. Nghe vậy, tôi càng thấm thía nỗi đau và cố gắng cải tạo thật tốt để trở về bên gia đình…”.

 

Vinh dự nhận bằng khen của Bộ Công an

Tháng 10-2014, trong hội nghị biểu dương mô hình, điển hình tiêu biểu trong công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, do Bộ Công an phối hợp với tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức, anh Hồ Kham vinh dự được Bộ Công an tặng bằng khen cá nhân vì có thành tích xuất sắc trong công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù.

Ngày mãn hạn tù, anh Kham trở về nhà. Khi bước chân đến đầu làng Kham lưỡng lự thiếu tự tin. Không biết ứng xử khi gặp bà con làng xóm thế nào, anh cúi gằm mặt bước đi hay vênh mặt lên để chống đỡ cảm giác tự ti của mình: “Cuối cùng, tôi hít một hơi thật sâu rồi đi thẳng vào cổng làng và chào mọi người như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Thấy tôi, nhiều người cũng thăm hỏi động viên, nhưng cũng có không ít ánh mắt kỳ thị. Tôi càng thấu hiểu được nỗi đau mà cả gia đình tôi phải gánh chịu khi tôi đang ở trong trại giam.

Buồn nhất là khi người nào trong làng mất đôi gà, con vịt cũng khăng khăng “thằng đó chứ ai vào đây”, nghe vậy tôi đau buồn lắm. Đến lúc này tôi nghĩ mình phải làm một điều gì đó để người ta không nhìn mình với ánh mắt ngày xưa…".

Hoàn lương chông chênh

Với mong muốn hoàn lương, anh Kham quyết tâm vào TP.HCM học nghề lái xe. Nhưng sau đó thấy nhiều học viên của trường nghề phá phách, nhậu nhẹt, anh sợ “ngựa quen đường cũ” nên trở về quê. Sau nhiều ngày suy nghĩ, anh cho rằng chỉ có học mới giúp gia đình thoát nghèo và xóa đi mặc cảm với xã hội: “Lúc nói ra ý định học tiếp nhiều người trong gia đình không ai tin. Nhưng sau đó tôi nói ra hết những tâm sự của mình bố tôi mới làm hồ sơ cho tôi đi học tiếp lớp 11 tại Trường THPT- hệ giáo dục thường xuyên.

Những năm theo học, tôi là học sinh khá, giỏi của trường nên cuối cấp tôi quyết định thi vào ngành Quản trị kinh doanh, Trường đại học Kinh tế Huế. Ngày nhận giấy báo đỗ đại học trong tay, bố mẹ tôi đã bật khóc vì hạnh phúc. Bà con làng xóm đến chúc mừng tôi. Từ đó tôi không còn là thủ phạm cửa miệng của những người mất gà, vịt…”.

Ngày bước vào cổng trường đại học, tôi là người lớn tuổi nhất trong lớp, nên cũng hơi ngại với bạn bè. Nhưng sau đó mình cũng thích nghi với môi trường đại học”.

Năm 2009, anh ra trường. Cầm tấm bằng cử nhân đại học trong tay anh phấn chấn đi xin việc. Nhưng lý lịch bản thân để xin việc là một “cựu” tù nên cơ quan nhà nước hay tư nhân đều từ chối, viết lại lý lịch thì địa phương không chứng thực cho: “Sau đó tôi vào Nam lập nghiệp, vì nghĩ nơi đó không ai để ý đến quá khứ của mình. Nhưng khi làm hồ sơ tiếp nhận biên chế chính thức tôi lại không tự tin, không dám nói ra quá khứ của mình. Chẳng ai tin tôi đang làm người lương thiện, phấn đấu cho sự lương thiện…

Cuối cùng, tôi lại trở về quê hương lập gia đình và tính kế lập nghiệp. Tôi đi nhiều tỉnh xem các mô hình trang trại và về xin chính quyền địa phương sáu héc ta đất cát làm trang trại. Ban đầu tôi đào ao san lấp bằng khu đất cát, trồng cây rừng làm xanh, sạch môi trường để giữ độ ẩm cho đất, chống xói mòn đất và nạn cát bay, cát nhảy. Tiếp đó, tôi vay ngân hàng đầu tư xây trang trại nuôi heo, gà, vịt…

Anh Hồ Kham đã vượt qua được mặc cảm bản thân và trở thành một “triệu phú” với mực thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm - Ảnh: VIẾT LONG 

Với những kinh nghiệm tiếp thu từ nhiều mô hình trang trại ở các tỉnh, anh Kham có khoảng 3.000 con lợn, hàng vạn con gà, vịt, cá… cho thu nhập mỗi năm khoảng 300 đến 500 triệu đồng và trở thành một “triệu phú” của làng Cổ Tháp.

“Có được ngày hôm nay tôi rất cảm ơn những người thân của tôi, họ đã động viên và định hướng cho tôi sau những sai lầm. Và tôi mong những người từng như tôi luôn biết sửa sai bằng sự cố gắng hết mình không những mang lại hạnh phúc cho chính mình mà cả người thân của mình. Những người vất vả nuôi ta khôn lớn…!”.

 

Chuyện cổ tích của làng

Ông Nguyễn Nhật (70 tuổi), người dân làng Cổ Tháp, cho biết anh Kham từng lầm lỡ nhưng giờ làng xóm ai cũng nể phục anh vì ý chí vươn lên từ bỏ cái xấu làm giàu. Chuyện của anh Kham giờ trở thành cổ tích của làng để giảng dạy cho con cháu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm