‘Ứng viên lịch sử’ Hillary Clinton sẽ làm gì cho nước Mỹ?

Trước đó, hai hãng tin Mỹ AP và NBC News đã tính toán bà Clinton đã có đủ số phiếu đại biểu để nhận được đề cử của đảng Dân chủ.

Người phụ nữ được ngưỡng mộ nhất nước Mỹ

“Xin cám ơn các bạn, nhờ các bạn chúng ta đã chạm được cột mốc lịch sử. Lần đầu tiên lịch sử nước Mỹ chúng ta có một phụ nữ sẽ là đại diện của một đảng lớn tranh cử tổng thống. Chiến thắng đêm nay không phải dành cho một người, nó thuộc về các thế hệ phụ nữ và nam giới, những người đã chiến đấu và hy sinh để thời khắc này có thể xảy ra”.

Bà Hillary Clinton phát biểu mừng chiến thắng tại Brooklyn (New York, Mỹ) tối 7-6. Ảnh: REUTERS

Những lời này của bà Clinton khi phát biểu mừng chiến thắng tối 7-6 không khỏi làm người ta nhớ lại lúc bà thừa nhận thất bại trước thắng lợi của đối thủ Barack Obama trong cuộc chạy đua giành đề cử của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống tám năm về trước.

“Đêm nay quả là khó khăn để đối mặt. Tất cả chúng ta đang phải chịu sự đè nén một cái trần kính cứng chắc. Nhưng đừng lo lắng, chúng ta rồi sẽ phá vỡ được nó thôi, vì tính tới thời điểm hiện tại thì cái trần kính này đã phải hứng khoảng 18 triệu cú quất vào nó rồi - những người đã ủng hộ bà”. Trang tin Politico (Mỹ) gọi đây là chiến thắng lịch sử của bà Clinton.

Quả là một chặng đường rất dài và gian nan cho bà Clinton để tới được cột mốc này sau khi phải chịu dừng bước từ lần tranh cử đầu tiên, nhường bước trước đối thủ Barack Obama năm 2008. Theo Politico, kể từ khi bắt đầu chiến dịch vận động tranh cử tổng thống từ năm ngoái, bà Clinton đã tham gia 419 sự kiện, đi tới 42 bang và có 53 lần tuyên bố đề xuất chính sách.

Sau lần thứ hai tuyên bố tham gia tranh cử tổng thống vào tháng 4-2015, bà Clinton nhanh chóng chiếm vị trí đứng đầu danh sách ứng viên bên đảng Dân chủ. Tuy nhiên, sau đó khoảng cách giữa bà với các đối thủ dần thu hẹp lại khi ứng viên Bernie Sanders dần nổi bật. Với đội ngũ chuyên gia tranh cử đầy kinh nghiệm, tích cực, khai thác tốt truyền thông xã hội, ông Sanders đã tỏ rõ sự lợi hại, trở thành đối thủ chính của bà Clinton trong cuộc đua. Sự nổi lên của ông Sanders đã phần nào làm xuất hiện tình trạng phân rẽ trong nội bộ đảng Dân chủ, giữa những người tin vào kinh nghiệm chính trường của bà Clinton và những người bị hấp dẫn bởi những ý tưởng mới của ông Sanders.

Trong khi ông Sanders ngày càng nổi lên thì bà Clinton còn bất lợi vì có liên quan đến một số vụ bê bối chính trị thời bà còn làm ngoại trưởng. Tình trạng giằng co giữa bà Clinton và ông Sanders kéo dài mãi tới gần đây. Tuy nhiên, ưu thế cuối cùng vẫn thuộc về bà Clinton với chiến thắng tại nhiều bang lớn có số phiếu cử tri cao.

Mang trên mình rất nhiều danh hiệu, vợ một chính trị gia hàng đầu, cựu đệ nhất phu nhân, nghị sĩ, ngoại trưởng và hai lần tham gia tranh cử tổng thống, bà Clinton 68 tuổi đã giúp xây dựng rất tốt vai trò của phụ nữ trong chính trường Mỹ, theo báo New York Times (Mỹ).

Trong 14 năm liền và trong vòng 20 năm nay, bà Clinton được xem là người phụ nữ được ngưỡng mộ nhất ở Mỹ, theo khảo sát của hãng Gallup (Mỹ). Thật ra sự ngưỡng mộ dành cho bà Clinton không phải đợi đến 20 năm gần đây mà từ khi bà còn là một thành viên nổi bật cho phong trào nữ quyền ở trường đại học nữ sinh số 1 Mỹ Wellesley thập niên 1960, đến là một trong những nhà chiến lược cho chiến dịch tranh cử tổng thống của chồng mình, đến lèo lái con thuyền hôn nhân vượt qua được sóng gió.

Bà Clinton sẽ làm gì cho nước Mỹ?

Không như ứng viên hàng đầu đảng Cộng hòa Donald Trump, vốn chỉ phác thảo chủ trương chứ ít đề cập chi tiết về các chính sách, bà Clinton đề cập khá chi tiết về những chính sách, những việc mình sẽ làm nếu trở thành tổng thống. Phần lớn các chính sách của bà Clinton được xem là một sự kéo dài của chính sách Tổng thống Obama.

Nếu là tổng thống, bà Hillary Clinton sẽ đầu tư giáo dục ban đầu và chú trọng các chính sách đặc biệt ảnh hưởng đến giới lao động nữ. Ảnh: AFP

Theo báo Washington Post, bà Clinton chú trọng các chính sách đặc biệt ảnh hưởng đến giới lao động nữ. Bà cũng ủng hộ gia tăng số ngày nghỉ cho người lao động để chăm sóc người thân, gọi là chính sách “nghỉ phép gia đình”. Theo đó, người lao động được nghỉ phép gia đình tối đa 12 tuần có trả lương và được nghỉ phép y tế tối đa 12 tuần có trả lương. Trong thời gian nghỉ phép, chính phủ sẽ trả cho người lao động 2/3 khoản lương. Số tiền này sẽ được lấy từ khoản tăng thuế đối với giới nhà giàu nước Mỹ. Bà Clinton cũng ủng hộ tăng lương tối thiểu, mức chung thấp nhất là 12-15 USD/giờ nhưng các chính quyền bang có quyền tự do định mức lương tối thiểu từ mức này trở lên.

Chính sách đầu tư giáo dục tiểu học bà Clinton cũng nhắm đến không gia đình nào phải chi trả hơn 10% thu nhập cho giáo dục của con cái. Nhiều nhà kinh tế cho rằng chất lượng giáo dục tiểu học có thể giúp trẻ em thành công không chỉ ở các cấp học trên mà cả trong sự nghiệp sau này. Vì thế đầu tư vào giáo dục ban đầu là đầu tư có tính lợi nhuận cao nhất cho tương lai kinh tế. Một ưu tiên nữa của bà Clinton là cải cách cấu trúc hệ thống tài chính. Bà Clinton cũng cho rằng các nhà đầu tư và các quản lý quá chú trọng lợi nhuận trước mắt mà ít quan tâm đến đầu tư cho lợi nhuận lâu dài. Bà Clinton đề xuất tăng thuế đánh trên lợi nhuận để các nhà đầu tư giảm chú trọng lợi nhuận trước mắt và tăng đầu tư lâu dài.

Bà Clinton chủ trương cải cách hệ thống tư pháp và cách hành xử của cảnh sát theo hướng công bằng giữa người da trắng và da màu. Về chính sách đối ngoại, bà Clinton có quan điểm cứng rắn hơn Tổng thống Obama, ông Sanders và hơn cả đối thủ Cộng hòa Donald Trump. Bà Clinton là một trong những người ủng hộ Mỹ can thiệp vào Libya tích cực nhất, bà cũng nhiều lần nêu ra khả năng can thiệp quân sự vào Syria. Bà Clinton từng tham gia thương lượng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khi còn là ngoại trưởng nhưng sau đó tuyên bố rút bỏ ủng hộ hiệp định này vì có nhiều điều kiện không có lợi cho Mỹ.

Đối thủ sẽ trở thành phó tướng?

Sau khi bà Clinton tuyên bố chiến thắng, ông Sanders cũng đăng đàn phát biểu tại bang California khẳng định sẽ theo đuổi cuộc đua đến khi đại hội đảng Dân chủ diễn ra ở Philadelphia (bang Pennsylvania) vào tháng tới.

New York Times cho biết vài ngày nay các đại diện tranh cử của bà Clinton và ông Sanders đã gặp nhau cùng bàn về tương lai của cuộc đua và về những ưu tiên chính sách cho đại hội đảng Dân chủ vào tháng 7 tới. Về khả năng ông Sanders sẽ làm phó cho bà Clinton, ông John D. Podesta - Chủ tịch chiến dịch tranh cử của bà Clinton không khẳng định cũng không bác bỏ khi được CNN phỏng vấn. Ông chỉ nói rằng bà Clinton và ông Sanders gần đây không liên lạc với nhau và chưa có quyết định gì về vấn đề này.

Trước vòng bầu cử sơ bộ ngày 7-6 đã có khoảng 10 triệu người ủng hộ ông Sanders. Và theo một số khảo sát tại Mỹ thì 1/4 số người này đã khẳng định sẽ không quay sang ủng hộ bà Clinton dẫu ông Sanders có thua.

Tổng thống Obama chúc mừng cả hai ứng viên

CNN dẫn thông báo của Nhà Trắng Mỹ cho biết trong ngày 7-6 Tổng thống Barack Obama đã gọi điện thoại cho cả bà Clinton và ông Sanders chúc mừng cả hai đã tạo nên một cuộc đua hấp dẫn và đầy năng lượng giữa nội bộ đảng Dân chủ. Tổng thống Obama rõ ràng đã thể hiện sự ủng hộ với bà Clinton khi xác nhận bà đã có đủ số phiếu đại biểu cần thiết để nhận đề cử của đảng. Tổng thống Obama sẽ gặp ông Sanders vào ngày 9-6 tới theo đề nghị của ông Sanders.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm