Vành móng ngựa và công lý

Khung gỗ dành cho bị cáo hay còn gọi là “vành móng ngựa” đã trở thành một hình ảnh đặc trưng khi đề cập đến các phiên tòa, đặc biệt là tại Việt Nam. Như nhiều đặc điểm khác trong văn hóa tòa án hiện đại ngày nay tại nhiều quốc gia, nguồn gốc của vành móng ngựa cũng bắt nguồn từ các tòa án phương Tây trong quá khứ.

Tuy nhiên, không phải mọi quốc gia trên thế giới ngày nay đều chỉ định bị cáo tại tòa đứng trong vành móng ngựa do những khác biệt về văn hóa, cách thức giữ an ninh tòa án và những khác biệt trong quan điểm đảm bảo tính công bằng tại tòa.

Vành móng ngựa từ đâu ra?

Trong bài nghiên cứu của David Tait, đăng trên tạp chí Chicago-Kent Law Review (Mỹ) vào năm 2011, nguồn gốc của khung gỗ - mà tại Việt Nam thường diễn tả là vành móng ngựa - khởi nguồn từ các phiên tòa tại châu Âu thời trung cổ. Xuất hiện tại Pháp và tại Anh, khung gỗ này đại diện cho “không gian nơi công lý được thực thi”. Vào thời kỳ này, những địa điểm như cây đại thụ của địa phương, nhà thờ hoặc tòa thị chính sẽ được xem là “đài pháp lý” và chỉ có những thẩm phán hay quan chức của tòa án mới được phép đứng trên các “đài pháp lý” này. Những người khác tại phiên tòa như nhân chứng, bị cáo, luật sư và người dân đều được giữ ở bên ngoài “đài”. Những bị cáo và nguyên đơn sẽ lần lượt được triệu vào hầu tòa, đối mặt với người phán xét và đứng trong một khung gỗ nhằm đảm bảo quy tắc cách ly người hầu tòa khỏi mọi người xung quanh.

Nhưng trong thời kỳ đầu xuất hiện, những khung gỗ này không phải dành riêng cho những cá nhân bị buộc tội và phải chịu xét xử. Vào năm 1586, Mary Stuart, nữ hoàng xứ Scots, tại phiên tòa cũng từng phải đứng cùng trong khung gỗ với 44 quý tộc khác. Những quý tộc này đóng vai trò như một bồi thẩm đoàn trong thời hiện đại và có nhiệm vụ bỏ phiếu xem liệu bà có tội hay không.

Mãi đến thế kỷ 18-19, các tòa án tại châu Âu và Bắc Mỹ mới bắt đầu phát triển và chia ra các khu vực riêng rẽ dành cho nhân chứng và bồi thẩm đoàn. Trong thời kỳ này, những luật sư và công tố viên sẽ được chiếm vị trí trung tâm của phiên tòa, là những người tham gia chính trong phiên tòa. Những bị cáo chờ xét xử sẽ bị giữ trong một phòng cách ly khỏi công chúng. Khi được gọi vào hầu tòa thì bị cáo được đưa đến một khung gỗ nằm ở vị trí rìa hoặc ở cuối sảnh tòa án.

Mãi đến thời kỳ Cách mạng Pháp, khi vai trò phán xét của bồi thẩm đoàn được nâng cao để tăng tính dân chủ trong tòa án, vành móng ngựa mới lại được đưa vào khu trung tâm đối diện các bồi thẩm đoàn. Bị cáo sẽ được chỉ định đứng cách ly với mọi người tại vành móng ngựa, không được di chuyển trong thời gian trả lời thẩm vấn tại tòa.

Trong phiên tòa xét xử tội phạm hình sự tại Belarus, bị cáo bị nhốt trong lồng sắt để đảm bảo an ninh tại phiên tòa. Ảnh: EPA

Trong các phiên tòa tại Mỹ, bị cáo sẽ được phép ngồi cùng luật sư tại bàn ở giữa tòa. (Ảnh minh họa)

Có nhất thiết phải có vành móng ngựa?

Trong gần một thế kỷ qua, hầu hết phiên tòa tại Mỹ, bị cáo được bố trí ngồi vào bàn dành cho bị cáo và luật sư cùng với đội ngũ pháp lý của họ nhằm tránh tạo cảm giác tội lỗi cho bị cáo. Năm 2005, tòa án tối cao của Mỹ cũng đã ủng hộ quan điểm này khi đưa ra quyết định rằng bất kỳ hình thức kiềm chế bề ngoài nào đều xâm phạm tới tính chất “giả định vô tội” của bị cáo.

Tuy nhiên, phòng xử án có kiểu thiết kế rất khác nhau trên thế giới. Hiện nay chỗ đứng cho các bị cáo là lồng kính được sử dụng hầu hết ở các phiên tòa trên nước Anh và các quốc gia châu Âu khác. Nó được ghi nhận đầu tiên tại phiên xét xử cựu trung tá SS Adolf Eichmann ở Jerusalem năm 1961. Kiểu thiết kế lồng kim loại cũng được sử dụng, chẳng hạn trong phiên xử nhà báo Úc là Peter Greste ở Ai Cập.

Theo trang ABC News, ở Úc, mỗi bang cũng rất khác nhau về vị trí đặt vành móng ngựa, đặt phía cuối phòng xử án, đối diện bồi thẩm đoàn hoặc đằng sau bàn dành cho bị cáo và luật sư. Tại Ireland và nhiều quốc gia thuộc khối thịnh vượng chung, bị cáo chỉ ngồi sau bàn dành cho bị cáo-luật sư và cũng không bị ép buộc. Trong khi đó ở Pháp, Đức, Anh và xứ Wales và phần lớn lãnh thổ Úc, bị cáo ngồi giữa một hàng rào vây quanh đã được bố trí sẵn. Ở Tây Ban Nha và Ý, bị cáo có thể được bố trí ngồi đằng sau một lồng sắt đặt ngay trong phòng xử án.

Tờ The New York Times cho biết trong phòng xử án ở nhiều quốc gia, bị cáo ngồi tách biệt với luật sư bào chữa cho họ. Việc bị cáo ngồi riêng biệt không phải là điều đặc trưng ở Pháp bởi điều này cũng được áp dụng ở các nước thành viên của Hội đồng châu Âu. “Hộp” dành cho bị cáo được thiết kế kín cũng luôn được sử dụng trong các phiên xử hình sự đối với những trường hợp nghiêm trọng. Mặc dù vẫn có phiên xử sử dụng lồng sắt, chẳng hạn lồng sắt được sử dụng trong phiên xử những kẻ khủng bố Lữ đoàn Đỏ (Red Brigade) của Ý trong những năm 1980 hay trong phiên xét xử tội phạm chiến tranh Adolf Eichmann, người này được bố trí ngồi trong ghế bị cáo được gắn kính.

Vành móng ngựa tác động đến phán quyết?

Tháng 7-2015 vừa qua, Huân tước Thomas xứ Cwmgiedd - người đứng đầu tòa án cấp cao của Anh và xứ Wales đã lên tiếng kêu gọi bãi bỏ những lồng kính dùng để giữ bị cáo tại các tòa án trên khắp nước Anh. Ông cũng cho rằng các hình thức dùng khung gỗ hay lồng để cách ly bị cáo sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực đến tính công bằng của phiên tòa, xâm hại đến quyền lợi của bị cáo.

Theo tờ The New York Times, hình thức “giam cầm” giữa tòa này sẽ làm yếu đi tính chất “giả định vô tội” của những người bị buộc tội và tạo ra định kiến đối với bồi thẩm đoàn trong các phiên điều trần.

Trước đó, vào năm 2014, ông David Tait - trưởng nhóm nghiên cứu tư pháp của ĐH Tây Sydney cũng đã công bố một kết quả khảo sát cho thấy phán quyết cuối cùng đối với các bị cáo có thể bị tác động bởi hình thức người này tham gia phiên tòa. Ông cho tổ chức ba phiên tòa khác nhau với thời lượng 45 phút, với tổng số thành viên bồi thẩm đoàn ba phiên là 407 người, xét xử cùng một bị cáo bị buộc tội khủng bố.

Bị cáo này trong ba phiên tòa được đặt ở ba không gian khác nhau: ngồi tại bàn luật sư biện hộ theo kiểu của Mỹ, đặt trong vành móng ngựa theo kiểu của Úc và đặt trong lồng kính theo kiểu của châu Âu. Kết quả phán quyết đã làm nhiều người bất ngờ. Xác suất bị cáo bị tuyên án có tội khi được đặt trong lồng kính cao gần gấp đôi trường hợp bị cáo được ngồi tại bàn luật sư. Khi bị cáo ngồi cùng luật sư như tại Mỹ, có 37% thành viên bồi thẩm đoàn cho rằng anh có tội. Con số này đối với trường hợp bị cáo đứng trước vành móng ngựa tăng lên 47%. Còn khi bị cáo đứng trong lồng kính, xác suất bị cáo bị tuyên án có tội lên đến 60%.

Các quan chức thường vin vào các lo ngại an ninh về việc cho phép bị cáo ngồi tự do tại tòa. Họ lo ngại về rủi ro các nghi phạm tấn công người khác hoặc chính bị cáo bị tấn công bởi những người tham dự phiên tòa quá khích. “Những kẻ thực hiện các tội ác khác nhau như giết người, hiếp dâm, cướp của, đâm chém, xả súng, ngồi cách chúng tôi chỉ có 1,5-3 m” - Rick Woodburn, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn pháp lý Canada, cho biết.

David Tait cũng ghi nhận tại Úc từng có trường hợp bị cáo đứng trong vành móng ngựa bất ngờ cầm vật lạ và lao vào tấn công công tố viên ngay giữa tòa. Tuy nhiên theo ông, đa phần trường hợp bị cáo phóng ra khỏi vành móng ngựa đều nhanh chóng bị nhân viên an ninh ngăn cản và không có hậu quả gì nghiêm trọng. Tại Mỹ, những bị cáo được ngồi “tự do” cùng bàn với luật sư nhưng vẫn phải đeo một vòng sốc điện để đảm bảo an ninh tại tòa. Tuy nhiên, những vật dụng đó sẽ được giấu kín và không để cho bồi thẩm đoàn nhìn thấy.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm