Nhà báo Nguyễn Sơn

Vào chiến trường Afghanistan' -Kỳ 2: Ngồi trúng chỗ người chết

Vượt biên

4 giờ rưỡi chiều thì chúng tôi tới cửa khẩu Pyanj. Trạm hải quan chật cứng hai hàng xe tải KAMAZ chở hàng viện trợ cho Liên minh phương Bắc (LMPB). Đoàn xe chúng tôi len lên trước. Viên chỉ huy đồng ý cho riêng chúng tôi một chuyến phà sang sông.

Đi chợ chiến khu

Hai viên sĩ quan biên phòng Tajik đứng kiểm tra visa ngay trên bến, còn hai sĩ quan biên phòng Afghanistan thì đứng kiểm trên phà. Thấy tôi mang hộ chiếu Việt Nam, viên sĩ quan biên phòng Tajik vui lắm, khoe: "Tớ đã ở Việt Nam ba năm cơ đấy. Ở Cam Ranh”. “Sao biên phòng lại ở Cam Ranh?” - tôi hỏi lại, giọng không được hữu nghị cho lắm. “Không, hồi đó tớ ở hải quân. Hạm đội Thái Bình Dương. Cậu là nhà báo Việt Nam đầu tiên vào Afghanistan đấy" - viên sĩ quan đáp.

Còn hai viên sĩ quan biên phòng Afghanistan thì luôn mồm: “Việt Nam! Việt Nam thắng Mỹ!”. Tôi bảo: “Mỹ đang giúp các bạn đánh Taliban cơ mà". Viên sĩ quan Afghanistan bĩu môi: "Giúp gì cái bọn ấy! Giúp được một thì chúng đòi giá mười. Chúng muốn bọn tớ giúp chúng đánh Taliban thì có. Chúng chỉ muốn làm tư lệnh của cả thế giới". À ra thế, không phải lúc nào kẻ thù của kẻ thù cũng là bạn.

Khoảng nửa tiếng đồng hồ thì làm xong thủ tục biên phòng. Viên chỉ huy bến phà tiếc rẻ, ra hiệu cho chúng tôi đứng dồn hết sang một bên để đưa thêm một xe hàng viện trợ xuống phà. Xe đang xuống thì bỗng "bùm". Một quả đạn súng cối rơi cách phà chưa đến 200 mét. Nước bắn tung toé. Tôi co giò vọt ngay lên bờ. Viên sĩ quan Tajik ban nãy nhìn tôi tấm tắc: "Cậu ở xứ chiến tranh có khác, phản xạ hệt như một lính chiến thực thụ. Còn đám kia chậm như rùa".

Xe tăng mới chờ đổ dầu để ra chiến trường

Sau một hồi táo tác, đám nhà báo lấy lại hồn vía. Chuyện lại nổ như ngô rang. “Hôm thứ bảy rồi đoàn nhà báo sang đó cũng bị bắn đấy", "Tháng trước một quả đạn còn rơi trúng phà, chết hai người. Kia kìa, chiếc phà đang nằm trên bờ bị trúng đạn đấy”. “Thế này đã tính là Taliban pháo kích sang đất Tajikistan chưa nhỉ? Vi phạm bố nó Công ước quốc tế về biên giới rồi còn gì”...

Một lúc không thấy pháo kích gì thêm, cả bọn lại kéo nhau xuống phà. Đợi xe hàng xuống phà xong, viên chỉ huy phà ra lệnh tháo tời. Phà từ từ rời bến Afghanistan. Phía trước đã là Afghanistan rồi.

Ngồi trúng chỗ người... chết

Chiến binh 12 tuổi trong công sự của LMPB

Phà sang đến bờ Afghanistan thì trời đã tối tới mức không nhìn rõ được mặt người. Đám phóng viên kìn kìn chuyển máy móc và thực phẩm lên bờ. Tiếng gọi nhau í ới. Người mới tới, kẻ sắp về làm náo loạn cả bến phà lên. Tôi hơi chủ quan, tưởng người của Liên minh phương Bắc giỏi tiếng Nga lắm, không ngờ ai cũng biết tiếng Nga, nhưng không thấy ai biết đủ để nói chuyện cả.

Đứng trên bến phà gần tiếng đồng hồ, tôi lại phát hiện thêm một điều nữa: Trước đây, khi tôi sắp đi Afghanistan, một người bạn ở báo Izvestia cho biết: Liên minh phương Bắc bố trí xe KAMAZ chở các nhà báo về Bộ Ngoại giao của Liên minh. Giờ không còn xe KAMAZ nữa. Tất cả đều phải đi taxi. Cũng phải nói thêm để bạn đọc rõ, taxi của Afghanistan là những chiếc xe UAZ cũ kỹ 2-30 tuổi. Và cũng chỉ có loại xe này và xe KAMAZ mới chịu nổi địa hình Afghanistan.

Đang ngỡ ngàng chưa biết xử trí ra sao thì một cậu phóng viên Euro-Television ra đón bạn tới trước mặt, hỏi: “Cậu đi một mình à?". "Ừ. Lần đầu tiên tới Afghanistan. Không biết có tin được những người ở đây không. Đi đêm một mình với họ cũng hơi sờ sợ".

"Nếu muốn cậu có thể đi cùng chúng tớ. Bọn tớ ba người, ngồi vừa đủ một xe. Phải thuê thêm một xe UAZ chở đồ. 400 đô. Cậu trả 200 đô nhé”. “Sao đắt thế?”. “Tớ ở đây một tháng rồi nên mặc cả không hớ đâu mà cậu lo. Đường sá khủng khiếp lắm. Lại không được bật đèn pha. Thề có Chúa, 1.000 đô tớ cũng chẳng dám lái”.

Tôi đồng ý vì tin rằng nhờ có Thánh Allah phù trợ nên cậu Euro-Television mới không đòi tôi 1.000 USD. Vừa leo lên xe, một cậu bé con khoảng 14 - 15 tuổi chạy lại, hỏi: "Ông ơi, có phải là ông cần phiên dịch tiếng Nga không?". "Có. Bao nhiêu một ngày?". "Đi trong thành phố thì 100, ra tiền tuyến thì 200 đô một ngày". Tôi giật mình: "Khiếp. Mày có biết lương tao bao nhiêu không? 200 đô một tháng”. Cậu bé có vẻ ngán ngẩm. Tôi hỏi anh bạn Euro-Television, anh ta bảo: "Nếu cậu ở lâu thì có thể thỏa thuận 100 đô một ngày, bất kể ở hậu phương hay ra tiền tuyến. Tớ nghĩ là không rẻ hơn được đâu. Mà hắn nói tiếng Nga cũng được đấy, chứ ở Bộ Ngoại giao phiên dịch của họ nói còn tệ hơn nhiều".

Cà phê một mình trước khi ra trận

Tôi lưỡng lự, bảo cậu bé: "Thế này nhé, mày lên xe đi. Trên đường tao xem mày ứng xử thế nào rồi sẽ quyết". "Vâng ạ" - cậu bé nhanh nhẩu leo lên ngồi trên đống thực phẩm của Euro-Television. Anh chàng lái xe trông mặt rất dữ tợn, dựa phịch khẩu AK vào thành xe rồi leo lên. Xe khởi hành, đi trước. Xe của đám Euro-Television theo sau. Một quả pháo sáng nổ ngay trước mũi xe. Tôi giật mình: Trên kính trước là hai lỗ đạn đâm thẳng vào mặt tôi. Tôi chợt hiểu: Mình đang ngồi trên chiếc ghế của một kẻ mới bị trúng đạn cách đây chưa lâu. 

Kỳ 3: Ra chiến tuyến

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm