Xe ôm miễn phí cho người khuyết tật

Đầu năm 2013, dịch vụ đưa đón người khuyết tật miễn phí theo nhu cầu đã ra đời. Mong muốn của những người tổ chức dịch vụ này là góp thêm một cơ hội để người khuyết tật vượt qua rào cản môi trường nhằm dễ dàng tiếp cận với giáo dục, việc làm, tham gia các hoạt động, nâng cao năng lực bản thân và cống hiến cho xã hội. Sau một năm thực hiện, dịch vụ này đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của những người khuyết tật tại địa bàn TP.HCM.

Như người cùng một nhà

- Alo, Hỗ trợ di chuyển xin nghe.

- Chào chị. Tôi bị khuyết tật chân-tay, ở số 131/11, khu phố 2, đường Nguyễn Thị Định, quận 2, bắt đầu từ tuần tới cho tôi đăng ký đi xe ôm miễn phí từ nhà đến 215 Võ Thị Sáu, quận 3. Mỗi tuần đi hai lượt vào thứ Ba và thứ Năm.

- Vâng. Tôi sẽ xem lịch rồi báo lại chị trong thời gian sớm nhất ạ. Cảm ơn chị đã sử dụng dịch vụ.

Đó là cuộc gọi của chị Nguyễn Nguyệt Kiều đến số 0935 244 123 - đường dây nóng hỗ trợ người khuyết tật đi lại miễn phí thuộc Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD). Hai ngày sau, khi đã xếp kín lịch cho tài xế xe ba bánh trong tuần tới, nhân viên DRD đã gọi lại thông báo cho chị Kiều rằng yêu cầu của chị đã được chấp nhận.

Một người khuyết tật đang được nhân viên chở đi lại miễn phí bằng xe ba bánh. Ảnh: TM

Chị Kiều đang theo học lớp học nghề kết cườm tại Trung tâm Bảo trợ dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật tại số 215 Võ Thị Sáu. Trước đây, mỗi ngày đi từ nhà đến chỗ học, chị mất hết hai tiếng đồng hồ vì phải đón nhiều tuyến xe buýt mới tới nơi. Đó là chưa kể có những lúc chị chậm chạp lẫm chẫm bước đến gần xe buýt thì xe đã chạy mất, coi như ngày đó chị đành nghỉ học. Ngày đầu đi xe ôm miễn phí, chị Kiều hồi hộp lắm vì không biết xe ngồi có vững không, tài xế chạy có an toàn không… Ngay sau lần đi xe đầu tiên, những lo lắng của chị Kiều đã bị đánh tan, xe có đai an toàn, có ghế tựa lưng cao 40 cm, khung treo xe lăn và nạng rất phù hợp cho người khuyết tật vận động như chị. “Mấy anh chị Nam, Nga, Trí, Hoàng… vui vẻ thay phiên nhau đến đón tôi đi-về hơn bốn tháng nay. Họ đối xử với tôi như người cùng một nhà. Có bữa mưa to quá, tôi gọi điện thoại nói: “Thôi các anh chị đừng đến, tội nghiệp!”. Khi đi các nơi khác, tôi cố gắng chờ xe buýt chứ không dám nhờ xe các anh chị, vì mình cũng nên nhường xe để người khuyết tật khác đi” - chị Kiều xúc động nói.

Nhu cầu ngày càng tăng

Cách đây một năm, để hỗ trợ người khuyết tật đi lại trong điều kiện xe buýt cho người khuyết tật chưa đủ đáp ứng yêu cầu hiện nay, Trung tâm DRD đã cho ra đời chương trình hỗ trợ di chuyển miễn phí cho người khuyết tật. Chương trình được tài trợ bởi tổ chức Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (Koica). Muốn đi lại miễn phí trong bán kính 15 km tại địa bàn TP.HCM, người khuyết tật có thể gọi đến đường dây nóng trước một tuần để nhân viên xếp lịch. Sau đó, các nhân viên là người khuyết tật và không khuyết tật có kinh nghiệm nhiều năm lái xe ba bánh sẽ đến chở đi theo yêu cầu.

Đến nay, mỗi tuần nơi đây nhận hơn 300 lượt khách yêu cầu. Tuy nhiên, trung tâm không đáp ứng hết được yêu cầu của hành khách do trung tâm chỉ có 10 chiếc xe ba bánh do bảy tài xế chạy.

Bà Lưu Thị Ánh Loan, Phó Giám đốc Trung tâm DRD, cho biết trước yêu cầu ngày càng tăng của khách, trong năm nay trung tâm sẽ tăng thêm ba tài xế để chạy đủ 10 chiếc xe đang có. Trước đề nghị của một số người khuyết tật là nên thu phí để họ được thoải mái khi sử dụng dịch vụ, bà Loan thông tin: Hiện do nhà tài trợ sẽ tiếp tục hỗ trợ kinh phí nên DRD vẫn tiếp tục miễn phí cho người khuyết tật. “Chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình để hỗ trợ người khuyết tật đi lại sao cho hiệu quả nhất. Trong Đề án hỗ trợ người khuyết tật của quốc gia, từ 2012 đến 2020, Nhà nước sẽ có thêm nhiều phương tiện giao thông công cộng tiếp cận để phục vụ người khuyết tật. Hy vọng đến lúc đó người khuyết tật sẽ có phương tiện giao thông công cộng tốt để đi và bấy giờ họ không còn cần đến chúng tôi nữa” - bà Loan chia sẻ.

THANH MẬN

Xe ôm miễn phí cho người khuyết tật ảnh 2
 
Ông KANG DEA GU, đại diện Koica tại TP.HCM:

Thay đổi nhận thức về quyền của người khuyết tật

Khác với Việt Nam, tại Hàn Quốc, dịch vụ giao thông công cộng, đường sá, vỉa hè và các công trình có thiết kế thân thiện dành cho người khuyết tật sử dụng dễ dàng, nhà vệ sinh trên xe buýt cũng có tay vịn dành cho họ.

Thông qua dự án, chúng tôi muốn góp phần thay đổi nhận thức về quyền của người khuyết tật, họ cần được tạo điều kiện để có cuộc sống tốt hơn. Sau một năm dự án được thực hiện, tôi rất vui vì các thành viên của DRD đã làm rất tốt. Chúng tôi sẽ tài trợ thêm ba năm nữa cho dự án với mong muốn ngày càng có thêm nhiều người thụ hưởng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm