Họa sĩ Chóe - một tâm hồn tràn đầy yêu thương!

Trước năm 1975, biếm họa của ông được nhiều tờ báo lớn của các nước Mỹ, Anh, Pháp, Đức… đăng lại. Tập hợp những tác phẩm biếm của ông mang tên The world of Choe - Thế giới của Chóe đã được Nhà xuất bản Glade Publications của Mỹ xuất bản năm 1973. Và Chóe đã phải ngồi tù trước năm 1975 vì những bức tranh này… Với tên tuổi và tài năng của mình, sau tháng 4-1975, Chóe làm họa sĩ trình bày số ra mắt của tờ báo Lao Động Mới - tiền thân báo Lao Động hiện nay.

Nhà báo Tống Văn Công - nguyên Phó Tổng Biên tập báo Lao Động - xúc động nhớ lại: “Sự tận tụy và nhiệt tình của anh Chóe khiến tôi rất nể phục. Hết giờ, anh em tòa soạn ai cũng ra về, riêng anh xung phong ở lại cơ quan cùng tôi để làm việc, anh cặm cụi vẽ, hết đêm này qua đêm khác cho kịp tiến độ ra báo. Anh vẽ hàng trăm chữ để chọn một chữ ra làm măng sét của báo Lao Động Mới. Tờ báo đó được ông Trần Bạch Đằng khen đẹp nhất trong các báo ra cùng thời điểm. Anh Lưu Quý Kỳ chuẩn bị ra mắt báo Đại Đoàn Kết, định đưa Chóe về làm thì anh phải đi học tập cải tạo cùng các văn nghệ sĩ miền Nam. Chóe đi học khá lâu, từ năm 1976 đến 1985, khi về vẫn thanh thản, không oán hận, vẫn nhẹ nhàng, hiền lành. Anh nhận lời trở lại với nghề báo bằng lòng yêu nghề chứ không phải vì tiền, bởi lúc ấy anh đã kiếm được khá nhiều tiền bằng tranh lụa bán cho khách nước ngoài. Nhiều bức tranh hơn chục năm rồi mà vẫn như đang nói chuyện hôm nay. Như anh vẽ bức tranh một anh cán bộ ốm yếu hô hào rất to chữ “trách nhiệm” nhiều lần, đến lúc bụng anh to hơn thì chữ “trách nhiệm” rụng mất bớt chữ, đến khi bụng rất to thì chỉ còn cái loa, không còn chữ “trách nhiệm” nữa… Tài năng của Chóe xuất phát từ tình yêu thương con người, cuộc sống của anh”.

Họa sĩ Chóe - một tâm hồn tràn đầy yêu thương! ảnh 1

Bà Kim Loan, người vợ chung thủy của họa sĩ Chóe, tại buổi tưởng niệm 10 năm ngày mất của ông sáng 12-3-2013. Ảnh: HÒA BÌNH

Nhà báo Lưu Trọng Văn khẳng định: “Chóe là một người yêu nước, yêu quê hương, dân tộc. Sự vắng mặt của Chóe trong cuộc sống hôm nay càng khẳng định vị trí của Chóe trong lòng quê hương dân tộc. Chúng ta biết ơn Chóe vì đã góp phần kể cho chúng ta thấy một giai đoạn của đất nước”.

Gia đình Chóe đã làm cả buổi gặp mặt xúc động với những kỷ niệm về ông. Chị Yến, con gái ông, kể: “Ba luôn tìm ra mọi cái cớ để tặng áo dài cho mẹ, quà cáp cho các con như sai đi mua đồ rồi đưa tiền thật nhiều mà không lấy tiền thối, gặp con giữa đường móc tiền ra cho. Ba là một người rất dễ thương”. Vợ ông - bà Kim Loan nghẹn lời: “Cưới nhau mấy mươi năm, chúng tôi chưa giận nhau được 2 tiếng vì tính anh hiền lành, chân thật, hài hước, luôn làm vợ cười.

Họa sĩ Chóe luôn gửi những lá thư ngọt ngào cho vợ, những bài thơ, bản nhạc, những tản văn nhẹ nhàng mà tinh tế. Tâm hồn, con người của ông còn hiện rõ qua những truyện ngắn chân thật về một chàng trai miền Tây lãng mạn, mê cải lương, trở thành họa sĩ, người làm báo… Tất cả những điều đó về Chóe, công chúng yêu mến ông hôm nay có thể tìm thấy trong Nghề cười, như những tình yêu thương của Chóe gửi lại cho đời.

HÒA BÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm