Họp mặt doanh nhân nghe nói chuyện văn hóa cổ truyền

Tại đây, lãnh đạo tỉnh và gần 500 doanh nhân đã nghe diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang – Chủ nhiệm CLB Nghiên cứu và vinh danh văn hóa Nam bộ trình bày giá trị hào khí non sông và văn hóa cổ truyền của Việt Nam.

Diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang – Chủ nhiệm CLB Nghiên cứu và vinh danh văn hóa Nam Bộ trình bày giá trị hào khí non sông và văn hóa cổ truyền Việt Nam.

Giá trị hào khí non sông

Diễn giả kể về đời Hùng Vương có tục lệ trầu cau, cau bao nhiêu trái trầu bao nhiêu lá, chữ Hòa, lễ mách miếng, đám giỗ cúng kiếng thế nào, chuyện Đông Bình Tây Quả... Đây cũng là thời kỳ sinh ra giá trị kinh dịch sâu sắc, ẩn chứa thâm thúy ý nghĩa giáo dục, như bánh chưng bánh dày (ý nghĩa của vuông – tròn tượng trưng trời đất, âm dương giao hòa); chuyện Thánh Gióng đánh giặc Ân, nửa đường làm gãy cây roi sắt, ông bèn nhổ bụi tre ngà thay thế.

Chặp cải lương Hào khí Trưng Vương do Quốc Nhựt – Mỹ Tiên trình diễn.

Cây tre Việt Nam mang nhiều ý nghĩa vô cùng cao quý. Tre mọc lên khỏi mặt đất một thời gian thì cúi ngọn mang ý nghĩa khiêm cung. Tre mọc có lóng, có tiết tượng trưng sự mực thước. Tre ruột rỗng nhưng không bẻ gãy biểu thị sự kiên cường. Tre già măng mọc thể hiện tính kế thừa. Tre mọc cả bụi tượng trưng cho sự đoàn kết…

Hào khí của dân tộc Việt Nam thể hiện rõ ở thời lập quốc. Chúng ta có truyền thuyết con rồng cháu tiên, từ truyền thuyết này mà hai tiếng “đồng bào” là để nhắc nhở rằng dân tộc ta dù kẻ trong nước người ly hương vì kế sinh nhai thì dẫu bất cứ ở nơi đâu cũng là người Việt Nam “máu đỏ da vàng”, cùng thương quý nhau.

Đất nước ta nhiều lần thịnh suy nhưng dân tộc ta luôn mang khát vọng trở thành một nước độc lập tự chủ và luôn giữ gìn bản sắc Việt. Dù cho kẻ xâm lăng đốt sách, bắt thầy nhằm tiêu diệt văn hóa của chúng ta nhưng nhờ phong tục tập quán đã thấm vào máu tim mỗi người con nước Việt nên chúng không thể “đồng hóa” được.

Chặp cải lương Thái hậu Dương Vân Nga do Tú Quyên, Kim Ngân, Nhựt Quang cùng các thành viên CLB trình diễn.

Nhờ một nền tảng về tinh thần yêu nước, hào khí hùng hồn của một dân tộc bất khuất biết đoàn kết vì một mục đích chung là xây dựng nền độc lập tự chủ mà dân tộc ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 và đại thắng ngày 30-04-1975, thống nhất đất nước.

Gìn giữ bản sắc văn hóa

Trong thời hội nhập, có rất nhiều loại hình văn hóa nước ngoài du nhập vào Việt Nam, làm cho nền văn hóa dân tộc ít nhiều bị ảnh hưởng. Vì thế bản thân mỗi người phải tự ý thức giữ gìn và phát triển nền văn hóa từ những điều bình dị, đời thường nhất.Ví dụ như xây dựng nếp sống văn minh tình nghĩa, giáo dục đạo đức, trung nghĩa hiếu hiền, vì “văn hóa còn là đất nước còn!”- diễn giả Hồ Nhựt Quang nhấn mạnh.

 Lãnh đạo tỉnh Long An nhận quà lưu niệm từ đại diện CLB Nghiên cứu và vinh danh văn hóa Nam Bộ.

Nghệ sĩ Chí Tâm chia sẻ tại buổi họp mặt: “Nhìn các thành viên CLB diễn nghệ thuật cải lương lịch sử nhằm mục đích bảo tồn giá trị lịch sử văn hóa dân tộc khiến tôi rất xúc động, nhất là khi nghe diễn giả Hồ Nhựt Quang diễn thuyết hấp dẫn, kiến thức uyên bác sâu rộng”.

Ông Trần Tam – Chủ tịch tập đoàn Phúc Khang chia sẻ: “Từ lâu rồi việc chạy đua làm kinh tế khiến ta dễ bị mất cân bằng giữa giá trị kinh tế và văn hóa. Theo tôi, nền tảng của văn hóa truyền thống là sức mạnh để làm kinh tế, làm rõ bản sắc văn hóa của dân tộc đó. Cần lắm việc phát triển rộng rãi hơn nữa bản sắc văn hóa để người dân thêm yêu văn hóa nước nhà, mang lại niềm tự hào trong mỗi chúng ta”.

Xen kẽ vào phần thuyết trình là phần trình diễn các chặp cải lương do chính diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang sáng tác như: Thái hậu Dương Vân Nga, Hào khí Trưng Vương, Sông núi phương Nam...

Trước đó, các thành viên trong CLB Nghiên cứu và vinh danh văn hóa Nam Bộ đã có buổi diễn thành công tại Festival Nghệ thuật truyền thống châu Á – Thái Bình Dương ở Đài Loan.

Chặp cải lương Tấm gương liệt phụ (do Lý Trung Tín - thành viên CLB) trình diễn tại Festival Nghệ thuật truyền thống Châu Á – Thái Bình Dương ở Đài Loan.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm