Hướng đi mới của sân khấu kịch TP.HCM

Các sân khấu hiện nay quy tụ nhiều nghệ sĩ có khả năng viết kịch bản. Kịch IDECAF có Ái Như, Thành Hội, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Lê Hoàng; Kịch Sài Gòn có Vương Huyền Cơ, Trường Sơn, Lam Tuyền; Kịch Phú Nhuận nổi lên những gương mặt Thái Hoà, Đức Thịnh, Thanh Hương, còn sân khấu Nhỏ 5B là nơi nuôi dưỡng các tác giả chuyên sáng tác kịch bản mang tính thể nghiệm như Thanh Hoàng, Minh Nguyệt, Trần Minh Ngọc, Lê Chí Trung… Trong vai trò tác giả, họ luôn nỗ lực tìm kiếm những đề tài mang tính thời sự, gắn với hơi thở của cuộc sống.

Các tổ sáng tác ra đời giúp sân khấu kịch hoạt động chuyên nghiệp hơn.
Các tổ sáng tác ra đời giúp sân khấu kịch hoạt động chuyên nghiệp hơn.

Tận dụng lợi thế từ nguồn ý tưởng dồi dào trên, các tổ chế tác sân khấu kịch đã ra đời. Công việc của họ là đi tìm ý tưởng, dựng kịch bản, đặc biệt là lên chiến lược dàn dựng, tiếp thị để thu hút khán giả. Đây là mô hình hoạt động mới mà tiên phong là công ty chuyên cung cấp ý tưởng kịch bản Cánh đồng gió, do nghệ sĩ Đức Thịnh và Thanh Thúy thành lập. Tiếp đó, một số công ty cung cấp ý tưởng khác cũng được khai trương như Lúa mới, Mặt trời bé con, Huyền thoại…

Việc thành lập công ty cung cấp ý tưởng cho sân khấu kịch là một bước tiến đáng kể từ cách làm có sẵn. Thật vậy, trước đây, từ ý tưởng ban đầu của tác giả Lê Chí Trung mà sân khấu kịch Sài Gòn đã đặt hàng viết Khi đàn ông có bầu, sau đó hình thành kịch bản phim cùng tên. Tương tự, từ việc mua lại ý tưởng của tác giả Hoàng Duẩn (Nhà hát Kịch TP HCM), sân khấu Kịch Sài Gòn và Hãng phim Phước Sang đã viết Đẻ mướn. Cặp bài trùng với bút danh Hoàng Thái Thanh (Ái Như, Thành Hội) đã tạo tiếng vang với chùm kịch: Thử yêu lần nữa, Màu sắc của tình yêu, Cảm ơn mình đã yêu em.

Nghệ sĩ Phước Sang cho biết, tổ chế tác phải tuân theo những nguyên tắc: không đem ý tưởng của tổ kể cho bất cứ một tác giả nào nghe vì chỉ cần nghe ý tưởng là tác giả có thể tự viết kịch bản. Sân khấu Kịch Sài Gòn đã có lúc phải dàn xếp, để tên hai tác giả trong một vở kịch. Thứ hai, khi có tổ chế tác thì không có chuyện đạo diễn vừa dựng, vừa sửa. Thứ ba, tổ chế tác phải hình thành luôn chiến lược tiếp thị hình ảnh, chủ đề, thời điểm vở diễn, dự đoán sức hút trên thị trường. Ngoài mức lương cứng, tổ chế tác còn nhận tiền tác quyền 6% trên tổng doanh thu mỗi suất hoặc lãnh từ 10 đến 15 triệu đồng trọn gói.

Công nghệ chế tác 2009

Theo cách làm cũ thì khi vở diễn thành công, tác giả được hưởng tiếng thơm, còn khi thất bại thì đổ lỗi vì đứa con tinh thần của mình bị “cắt tay, đục mắt”. Đã có không ít những cuộc đụng độ nảy lửa giữa tác giả kịch bản và đạo diễn kịch, khi giữa họ xảy ra chuyện “cơm không lành, canh không ngọt”. Chuyện đó giờ đây không xảy ra nữa vì ưu điểm của tổ chế tác là kịch bản phải được sửa chữa thật hoàn chỉnh trước khi đưa lên sàn tập.

Tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc nói: “Việc hình thành tổ chế tác kịch bản là một bước phát triển đáng mừng của sân khấu kịch. Các nước có công nghệ điện ảnh, sân khấu tiên tiến đều đã làm theo cách này. Họ không quan trọng việc xuất hiện tên trên những tờ quảng cáo mà cái chính là chất lượng nghệ thuật”.

Soạn giả Ngọc Văn nhấn mạnh, một yếu tố quan trọng nữa là tổ chế tác biết “đo ni đóng giày” cho từng nghệ sĩ. Vì là tác giả thường trực nên họ biết được ưu điểm của từng người.

Năm 2009 dự kiến sẽ là một năm đầy sôi động đối với sân khấu kịch, khi mà các tổ chế tác làm việc dựa trên một công nghệ chuyên nghiệp. Như vậy, mỗi thương hiệu sẽ mang một phong cách riêng, tạo cho khán giả một sự hài lòng mỗi khi rời khỏi sàn kịch với một tác phẩm có ý nghĩa.

Theo Thanh Hiệp (Đất Việt)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm