Ít tiền vẫn hút nghệ sĩ nước ngoài

Giai điệu mùa thu bước sang mùa thứ bảy lại tái ngộ khán giả từ ngày 17 đến 19-8 tới. Nhớ lại những mùa thu đầu tiên, chương trình hoành tráng, gần gũi công chúng với đỉnh cao là bốn buổi diễn liên tục. Nguyên dàn nhạc ra Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM diễn miễn phí nhạc hàn lâm cho khán giả trẻ, ưu đãi cho sinh viên với giá 30.000 đồng/vé; xúc tiến tổ chức chương trình tại Singapore… Sau đó trong chủ trương xã hội hóa nhưng gặp khủng hoảng kinh tế, Giai điệu mùa thu của những năm 2009, 2010 chỉ còn hai đêm diễn và không quy tụ được nhiều nghệ sĩ tham gia. Những tưởng mùa thu năm nay chương trình sẽ không khá hơn bởi tình hình kinh tế chung chẳng mấy sáng sủa, thế nhưng Giai điệu mùa thu trở lại với ba đêm diễn cùng nhiều nghệ sĩ nước ngoài như những mùa thu đầu tiên.

Nỗ lực kiếm tài trợ

Tổng kinh phí tổ chức cho mỗi đêm diễn của Giai điệu mùa thu chí ít phải 400-500 triệu đồng. Trong những năm đầu, chương trình được UBND TP.HCM hỗ trợ kinh phí để thực hiện vì đây được xem là bộ mặt văn hóa của TP.HCM. Thế nhưng từ chủ trương xã hội hóa, kinh phí mà UBND TP.HCM duyệt hỗ trợ ngày càng khó khăn hơn. Năm ngoái đến gần ngày diễn, chương trình vẫn phải chờ sự hỗ trợ từ UBND TP.HCM, vì thế kế hoạch mời nhiều nghệ sĩ người Việt từ nước ngoài về tham gia phải hủy vào phút cuối. Năm nay, kinh phí hỗ trợ cho chương trình từ UBND TP.HCM đã bị cắt hoàn toàn.

Theo NSƯT Trần Vương Thạch, Giám đốc Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO), thì kinh phí tổ chức chương trình năm nay cũng tương đương năm ngoái. “Với tình hình kinh tế khó khăn chung như hiện nay, chúng tôi phải vừa làm chương trình vừa cố gắng rất nhiều để có tài trợ” - NSƯT Trần Vương Thạch cho biết.

Ít tiền vẫn hút nghệ sĩ nước ngoài ảnh 1

Giai điệu mùa thu 2011 không chỉ bó hẹp trong những tác phẩm cổ điển nữa. Trong ảnh: Đoàn vũ kịch trình diễn vở ballet Chopiana trong buổi diễn định kỳ hằng tháng của HBSO (tháng 6-2010). Ảnh: QUỲNH TRANG

Sau hai mùa héo hon, ít nghệ sĩ, chương trình năm nay trở lại quy mô hơn hẳn với rất nhiều nghệ sĩ nước ngoài tham gia biểu diễn. Tuy nhiên, hầu hết các nghệ sĩ đến diễn đều nhờ vào mối quan hệ riêng của các nghệ sĩ Việt từng du học ở nước ngoài hoặc quan hệ của chính HBSO. Giai điệu mùa thu năm nay phải chạy tài trợ với số tiền chưa biết đủ thiếu vào đâu…

Kinh phí không phải rào cản quá lớn

Chương trình sẽ không đủ kinh phí để mời nghệ sĩ vĩ cầm người Nga Sergei Sivolgin, người từng đoạt giải nhất tại cuộc thi violon quốc tế Musical Performance And Pedagogigs tổ chức tại Vienna (Áo) sang diễn. Nhưng sự có mặt của anh trong chương trình là nhờ mối quan hệ của nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Duy Linh trong thời gian học ở Nga. Nghệ sĩ Sergei Sivolgin cũng nặng nợ với Việt Nam khi anh từng tốt nghiệp Nhạc viện Quốc gia Magnitogorsk (Nga) mang tên M. I. Glinka, dưới sự hướng dẫn của GS Bùi Công Thành. Cũng nhờ quan hệ sẵn có này mà chương trình giảm được chi phí ăn ở kéo dài (Sergei Sivolgin sẽ sang sớm một vài ngày để tập cùng dàn nhạc) và tác phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Duy Linh cũng quen thuộc với Sergei Sivolgin vì anh đã từng biểu diễn ở Nga.

Hay trường hợp nghệ sĩ dương cầm Cho Eun Young (Hàn Quốc), chương trình mời được nghệ sĩ này bởi chị là vợ của nghệ sĩ vĩ cầm Trần Hữu Quốc (từng học tại Nhạc viện TP.HCM, sau đó sang Nga học). Hiện họ đang định cư tại Hàn Quốc.

Cũng nhờ mối lương duyên Việt-Hàn của nghệ sĩ kèn clarinet Đào Nhật Quang và nữ nghệ sĩ soprano Cho Hae Ryong mà nhiều chương trình gần đây của HBSO có nhiều nghệ sĩ Hàn Quốc tham dự. Trong Giai điệu mùa thu này, Cho Hae Ryong đã mời được Hợp xướng thiếu nhi Hàn Quốc do 40 em sang biểu diễn với phần kinh phí đi lại, ăn ở… tự túc.

Việc mời nhiều nghệ sĩ nước ngoài hội tụ trong chương trình là một cố gắng rất lớn của chính các nghệ sĩ HBSO. Điều đó cũng thể hiện ước muốn thay đổi chương trình với nhiều yếu tố mới, trẻ trung hơn. “Thực tế, qua sáu năm tổ chức chương trình, nghệ sĩ Việt Nam đang học, công tác, biểu diễn tại nước ngoài đã về biểu diễn gần hết, chương trình phải làm mới bằng các nghệ sĩ nước ngoài” - nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Duy Linh, Phó Trưởng phòng Tổ chức biểu diễn của HBSO, chia sẻ.

Một điều có thể nhận thấy là các nghệ sĩ nước ngoài đến biểu diễn ở Giai điệu mùa thu chủ yếu do đam mê, yêu nghề không màng đến cát-sê.

Với âm nhạc thì kinh phí cũng không phải là rào cản quá lớn để nghệ sĩ đến với công chúng.

Ba đêm ba sắc màu

Đêm Gala I (17-8) có chủ đề Hòa nhạc giao hưởng: Mở đầu cho đêm gala này là tiết mục truyền thống của chương trình - Trở về đất mẹ (Nguyễn Văn Thương). Tiếp theo sẽ là tác phẩm của Mendelsshon, giao hưởng Vàng son (Vũ Việt Anh) Concerto cho violon và dàn nhạc (Nguyễn Mạnh Duy Linh).

Gala II (18-8) với chủ đề Múa ballet cổ điển và đương đại. Điểm nhấn của đêm múa này là tiết mục múa đương đại Từ trường do các nghệ sĩ đến từ Bỉ, Đức và Hà Nội biểu diễn. 

Gala III (19-8) là đêm Hòa nhạc hợp xướng và dàn nhạc với sự tham gia của đoàn hợp xướng thiếu nhi Hàn Quốc. Đặc biệt đêm này sẽ trình diễn nhạc kịch Cavalleria Rusticana với phiên bản hòa nhạc có kết hợp một số thủ pháp sân khấu.

Bên cạnh các nghệ sĩ trong nước: Nguyễn Mạnh Duy Linh, Nguyễn Anh Sơn, Trần Nhật Minh, Vũ Việt Anh, Phạm Dương Quỳnh Ly, Đào Văn Thiện, Đàm Đức Nhuận... chương trình có sự tham gia của các nghệ sĩ nước ngoài, nghệ sĩ Việt ở nước ngoài: nghệ sĩ violin Sergei Sivolgin (Nga), nghệ sĩ múa Francesca Imoda (Ý), nghệ sĩ múa Samuel Lefeuvre (Pháp), nghệ sĩ múa Bùi Ngọc Quân (đang làm việc tại Pháp), dàn hợp xướng thiếu nhi Hàn Quốc, nghệ sĩ piano Cho Eun Young cùng chồng là nghệ sĩ violin Trần Hữu Quốc.

Giới thiệu sáng tác mới

NSƯT Trần Vương Thạch cho biết nếu chương trình của những năm trước chú trọng đến việc giới thiệu các tài năng biểu diễn thì năm nay chương trình tập trung giới thiệu những sáng tác âm nhạc, vũ kịch mới.

Giai điệu mùa thu 2011 sẽ giới thiệu tác phẩm mới của các nhạc sĩ Việt Nam: Concerto viết cho violin và dàn nhạc (Nguyễn Mạnh Duy Linh); Vàng son - tác phẩm giao hưởng đầu tiên của nhạc sĩ Vũ Việt Anh - người từng được biết đến từ những bản nhạc nhẹ: Đêm nằm mơ phố, Ngày hôm qua là thế, Dòng sông lơ đãng…; vở Cavalleria Rusticana của Pietro Mascagni được chỉ huy Trần Nhật Minh dàn dựng phiên bản hòa nhạc mới.

QUỲNH TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm