Khi người ăn xin đến Đường Sách giao lưu, đặt câu hỏi

Ngày 21-1, tại Đường Sách TP.HCM đã diễn ra buổi giao lưu ra mắt quyển sách Như mây thong dong của tác giả Lưu Đình Long – biên tập viên của Báo Giác Ngộ.

Buổi ra mắt sách đã nhận được sự tham gia của đông đảo bạn đọc với nhiều câu về những gút mắc ở đời sống tinh thần, trong đó có một bạn đọc rất đặc biệt khi cho biết mình bị mù và làm nghề ăn xin…

Tác giả Lưu Đình Long (phải ) và chuyên gia tâm lý Phạm Thị Thúy  trả lời câu hỏi giao lưu.

Như mây thong dong có cái bìa rất ấn tượng với một chú chim đậu trên ô cửa sổ màu xanh. Cái bìa này đã bị nói đùa là “Như chim thong dong’ chứ không phải Như mây thong dong.

Chị  Dương Ngọc Hân – người biên tập quyển sách đã lý giải ý nghĩa của bìa sách: Những người làm quyển sách Như mây thong dong mong muốn bạn đọc có được sự thong dong trong cuộc đời. Ví như chú chim này bay hoài mệt mỏi  nên đậu lại ngưng nghỉ trên một ô cửa. Chỉ cần bay qua ô cửa đó là chú chim sẽ có một thế giới khác một vùng trời khác.

"Vậy bạn có như chú chim,  bạn có dám lựa chọn,  sau một khoảng ngừng nghỉ, dám bay vào một cánh cửa khác bước vào một cuộc sống khác trước đây, bỏ lại sau lưng nhiều thứ…", chị Hân đặt vấn đề.

Để làm rõ hơn lời chị Ngọc Hân, tác giả Lưu Đình Long chia sẻ: “Trong cuộc đời rồi ai cũng sẽ có những lúc gặp chuyện bất như ý. Những lúc đó ta có ba thứ phải lựa chọn. Một, mình phải thay đổi một điều bất như ý. Hai, nếu không thay đổi được thì mình phải học cách chấp nhận nó. Nếu không chấp nhận được thì phải học cách từ bỏ. Nên có rất nhiều thứ nếu không còn có thể tiếp tục được nữa mà mình vẫn không chấp nhập, không từ bỏ nó thì mình sẽ là người khổ thôi.

Và nỗi khổ đó sẽ dai dẳng. Đối với một người biết thương mình, mình không nên đối xử tàn nhẫn với mình như vậy. Nếu mình đối xử tàn nhẫn với mình như vậy thì mình đâu có quyền đối xử với mình từ bi được”.

Bạn Trí cho biết mình bị mù, sức khỏe kém và đi ăn xin để mua gạo nuôi cha mẹ.

Tác giả Lưu Đình Long cho biết anh viết quyển sách dưới góc nhìn nhân – duyên – quả. Anh nói để có được sự thong dong vấn đề là chúng ta có dám buông bỏ, dám thay đổi không. Chúng ta biết nhiều cách để bước ra khỏi những vấn đề của mình, nhưng chúng ta không đi tới, chúng ta không làm điều đó. Giống như mình có thuốc rồi, mình không uống, mình không thực tập, không thực hành, không đi tới thì thuốc đó cũng vô dụng. Ánh sáng ở phía trước mà mình không đi, không hướng về, cứ ngồi đó nguyền rủa bóng đêm hoài thì mình cũng sẽ không thay đổi.

Góc nhìn nhân –duyên –quả đã nhận được câu hỏi từ một bạn trẻ vị mù, làm nghề ăn xin, thấy buổi nói chuyện đúng những điều mình quan tâm. Bạn ăn xin này tên Trí, bạn ấy cho biết mình muốn tự vẫn vì cuộc đời quá khổ. Sức khỏe bạn kém, mắt mờ, không thể làm nên thành tựu gì cho gia đình, cha mẹ, trong khi cả gia đình, dòng họ do bạn ấy gánh vác. Bạn ấy chỉ biết đi ăn xin về nuôi ba mẹ, báo hiếu cho ba mẹ nhưng trước mắt thì tăm tối, bế tắc nên muốn chết. Bạn Trí hỏi tác giả nhân – duyên quả là như thế nào.

Với tâm thế một người nhiều năm tu tại thế, học Phật, tác giả đã trả lời dưới góc nhìn nhà Phật: nhân – duyên – quả là kết quả mình nhận được tất yếu từ việc làm tương ứng của mình. Ví như mình gieo hạt xoài thì kết quả sẽ ra cây xoài chứ không ra cây khác  được. Người biết nhân – duyên – quả sẽ  biết sợ mà tránh làm điều dữ để gieo nhân xấu mà chỉ làm điều lành, điều thiện để nhân được duyên lành, quả lành. Cuộc sống bao giờ cũng có một tương lai phía trước nếu biết gieo nhân duyên lành.

Bạn đang làm tốt và hãy cứ làm tốt nhất những gì bạn có thể làm được ở cuộc sống của mình hôm nay là hiếu thảo với cha mẹ, đó là một duyên lành về sao. Người ta chỉ thấy khổ khi cứ mãi chìm đắm trong nỗi khổ đó rồi thấy mình bế tắc.

Bạn hãy cố gắng, phấn đấu nhiều hơn nữa, làm tốt hơn nữa và chấp nhận thực tại để biết rằng mình có hoàn cảnh không tốt nhưng nhiều người có thể còn có hoàn cảnh không tốt hơn nữa để làm động lực vươn lên, đón nhận nhân duyên lành về sau mà bước ra khỏi đó.

"Một người có ý định tự sát là phạm tội sát sanh, cho dù đó chính là sát hại sinh mạng của chính mình, vậy nên đó là tạo thêm nghiệp, làm nghiệp của mình càng thêm nặng, vậy thì mình càng khổ nhiều hơn. Mình mất đi, cha mẹ, người thân ở lại sẽ đau khổ, vậy là gây nghiệp nặng hơn", Tác giả Lưu Đình Long chia sẻ.

Tác giả Lưu Đình Long ký tên tặng độc giả.

Trong Như mây thong dong, tác giả vốn từng giữ một chân giải đáp tâm tình cho một tập san dành cho giới trẻ đã có những bài viết nói về tình yêu với bạn trẻ. Vậy nên có bạn trẻ đã đặt câu hỏi về tình yêu: Việc yêu thương dành cho tất cả thì dễ nhưng yêu thương một người rất khó. Làm sao để yêu thương một người thật thong dong, nhẹ nhàng?

Theo tác giả Lưu Đình Long, người trẻ ngày nay ít có kỹ năng về yêu thương, chỉ yêu theo bản năng. Khi yêu thì mong muốn chiếm hữu, chiếm hữu về thời gian, suy nghĩ, chỉ dành cho mình thôi chứ không cho người khác.

“Suy nghĩ đó cần được loại bỏ vì nó giống như sợi dây trói mình. Bản thân mình cũng sẽ có nhiều mối quan hệ nữa mà mình lại muốn người đó chỉ có mối quan hệ với mình. Khi mình càng thong dong, nhẹ nhàng, người kia sẽ càng có lý do để bên mình nhiều hơn” - Lưu Đình Long chia sẻ.

Nhiều bạn đọc cũng đã chia sẻ suy nghĩ của mình như sau: thong dong không phải là sự rong chơi đây đó. Thong dong là trạng thái tinh thần thư thái, an yên. Hãy thong một cách có trách nhiệm chứ không nên bỏ mặc mọi thứ mọi mối quan hệ xung quanh để thong dong riêng mình…

Tác giả Lưu Đình Long đã nói về tinh thần quyển sách của mình như sau: “Hãy giữ đôi mắt xanh để thấy đời thật lành. Hãy giữ đôi mắt lành để thấy đời thật xanh”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm