Không thể phỏng vấn không công!

Chuyện này tôi nói được vì tôi vốn làm MC cho nhiều cuộc ra mắt sách. Nhưng câu đầu tiên tôi hỏi các cháu (vâng, các phóng viên truyền hình còn nhỏ tuổi nên gọi tôi bằng chú) là ai trả tiền cho tôi cuộc phỏng vấn này. Tôi không xin phỏng vấn để được lên hình. Chương trình của nhà đài cần tôi như một chuyên gia phát biểu, vậy thì tôi phải được trả tiền. Không dưng, nhà đài cứ đến phỏng vấn rồi phát hình, thế là xong việc, thế là hoàn thành công việc, mà cái người được phỏng vấn thì công cốc, chưa kể nếu hắn có nói gì mà bị phản ứng thì hắn chịu trận, nhà đài vô can. Cô phóng viên chính đi làm chương trình nghe tôi hỏi thì bất ngờ, nói là cháu sẽ bỏ tiền ra trả cho chú. Tôi bảo thế không được, đây không phải là quan hệ cá nhân giữa chú và cháu, mà là quan hệ của nhà đài là một cơ quan truyền thông với một nhân vật của xã hội. Lẽ ra khi các cháu được giao nhiệm vụ làm một chương trình thì các cháu phải lên kế hoạch quay thế nào, phỏng vấn ai và phải dự trù kinh phí cho việc quay này. Đừng để cho nhà đài quen thói giao việc cho phóng viên và mặc phóng viên xoay xở. Cũng đừng để cho nhà đài quen thói nghĩ là ai được mời phỏng vấn lên hình là oai rồi, không cần trả tiền cho người ta.

Mà không chỉ đài truyền hình mới có thói tật là phỏng vấn không trả tiền. Hầu như tất cả báo nói, báo viết, báo hình ở ta đều quen thói dựa vào quan hệ cá nhân của phóng viên để phỏng vấn, hỏi chuyện, đăng bài đề tên phóng viên nhưng nhân vật được hỏi, người chịu trách nhiệm chính về những phát ngôn thì làm việc không công. Cách thức như thế là của một nền báo chí nghiệp dư và thủ công. Các ban biên tập không rèn luyện cho nhân viên của mình thói quen tác nghiệp có bài bản, chính quy. Từ đó các phóng viên quen thói hành xử báo chí như ban ơn cho người được hỏi, đến mức tiền trả đã không có, mà báo ra còn không được biết. Tôi nói điều này từ kinh nghiệm cá nhân là người rất dễ tính, sẵn sàng nhận lời phát biểu, phỏng vấn của bất kỳ phóng viên báo, đài nào về lĩnh vực chuyên môn của mình. Và bài học “trả lời thì phải được trả tiền” là tôi nhận được từ đạo diễn điện ảnh Lê Hoàng. Trong một lần trò chuyện ở Sài Gòn, Lê Hoàng đã lên lớp cho tôi về chuyện này. Anh bảo tôi: Khi một báo nào đó gọi điện thoại cho ông đề nghị phỏng vấn, trả lời là họ cần ông, cần cái tư cách chuyên gia, cần cái sự hiểu biết, cần tên tuổi của ông. Và đổi lại, ông cần đòi hỏi họ trả công xứng đáng cho cái sự xuất hiện của ông. Ông phải tập cho họ cái thói quen xử sự văn minh trong nghề báo đó. Ông có quyền từ chối họ nếu như ông không được trả công xứng đáng. Ông đừng có sĩ diện hão, tôi người Hà Nội còn sĩ diện hơn ông người Nghệ. Nhưng đây là chuyện lao động nghề nghiệp, là việc trả công lao động. Và rồi Lê Hoàng kể tôi nghe kinh nghiệm làm giá của anh, tôi phục anh lắm nhưng tính tôi hay cả nể nên cứ thế làm không công nhiều cuộc.

Nói ra chuyện này tôi không sợ hiểu lầm, mà chỉ muốn các nhà đài, nhà báo hãy hành xử chuyên nghiệp trong công việc của mình khi cần đến các nhân vật, các chuyên gia xuất hiện. Còn tôi sẽ học tập Lê Hoàng, ai mời tôi một cuộc, một chương trình nào đó, nếu thấy ưng thuận thì sẽ nói: Vâng, tôi nhận lời nhưng trả tôi bao nhiêu?

Thú thực bao lần tôi đã định nói vậy mà không được. Và khi tiễn các cháu xuống nhà, tôi lại thấy ân hận như mình có lỗi. Khổ thế!

PHẠM XUÂN NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm