Khujand bên dòng Syr Darya - viên trân châu đích thực

Trong nhà nghỉ, chỉ có duy nhất hai lữ khách gồm tôi và anh bạn người Mỹ trọ lại hai đêm. Mùi ẩm mốc từ những chiếc chăn giường, bao gối và cả các dụng cụ hay ngăn tủ trong nhà bếp như nói lên sự vùi lấp của gió cát Transoxian(*) với thời gian.

Một Tajikistan vẫn còn quá mới khi từng đóng cửa khá lâu với thế giới bên ngoài. Trong sự hoang vắng, Khujand đã đền bù khi cô chủ bố trí cho tôi một phòng riêng để giấc ngủ tròn hơn mà chỉ với giá 10 USD bao gồm cả bữa ăn sáng.

Bảo tàng Sughd

Một góc bảo tàng Sughd. Ảnh: NGUYỄN CHÍ LINH

Theo lời chỉ dẫn của cô chủ nhà nghỉ sỏi tiếng Anh, tôi băng qua khu chợ đông đúc cảnh mua bán chồm hổm lấn ra con lộ lớn, rồi từ đó đi bộ một đoạn để rẻ trái đến thành Khujand xưa.

Có tuổi đời ít nhất 2.500 năm và là một trong những thành phố cổ xưa nhất trên vùng đất Trung Á nên thành Khujand đã được chính phủ Tajikistan phục dựng chỉn chu sớm.

Bên trong thành là bảo tàng lịch sử Sughd cất giữ những gì quý giá nhất mà các nhà khoa học đã đào bới từ trong lòng cát Transoxiana.

Mua vé vào bên trong, tôi không hiểu nhiều những gì từng nằm sâu thẳm trong lòng sỏi đá bởi không được chú thích bằng tiếng Anh.

Ngay trung tâm sảnh lớn ở tầng trệt đặt pho tượng đồng người anh hùng dân tộc Tajik là ông Timur Malik.

Theo trí nhớ mài mại của tôi, đó là vị hoàng đế của vương triều Khawarazm tồn vong từ 1077 - 1231 với lãnh thổ trải dài khoảng 2.3 triệu km2.

Các bức tranh kể lại các trận chiến trên sông Syr.

Trước khi sụp đổ, vương triều của ông chống trả kiên cường khi đoàn quân vũ bão của Thành Cát Tư Hản băng qua sông Syr Darya để Tây tiến.

Bên trái pho tượng là lối dẫn được lót sàn bằng những tấm kiếng trong mà những khúc xương trắng hếu nằm phía dưới như diễn đạt những người tiền cổ đã định cư ở Sughd từ thuở rất xa xưa.

Sau lối đi phủ kiếng là những gian phòng trưng bày các mảnh gốm sứ đã nhạt màu, nghệ thuật dệt lụa, thổ cẩm tinh hoa của vùng đất và những pho tượng nhỏ, các bức tranh theo mỹ thuật đương đại.

Tôi rất thích gian phòng nhỏ nằm phía bên phải pho tượng hoàng đế Timur Malik với những bức tranh sơn dầu, mảng khảm đá được treo chẳng ngay hàng thẳng lối.

Chúng chẳng sắc sảo như bàn tay các họa sĩ hay nghệ nhân châu Âu, nhưng nội dung lại gợi nhớ trong tôi ký ức về những trận chiến oai hùng diễn ra trên sông Syr Darya.

Dòng sông kể chuyện

Tôi đi dọc bức tường thành, ra công viên rộng lớn thơm ngát những nụ hồng và phía bên kia con đường lớn là dòng sông Syr Darya đang nằm trải mình trong nắng.

Thành Khujand xưa.

Những làn gió mát rượi từ sông làm rung rinh mớ cỏ hoang như đang cố giúp tôi làm vơi bớt nhiệt năng của những tia nắng hè.

Màu nước ánh lên sắc ngọc bích xanh từ hơn 5.000 năm về trước vẫn còn hiện hữu để Đại đế Cyrus của Ba Tư khi hành quân đến nơi chợt thốt lên “Syr - viên trân châu đích thực”.

Trong khuôn viên nhỏ dọc theo bờ sông với cổng chào được xây theo lối bán nguyệt của kiến trúc thời kỳ Hellenistic - Hy Lạp có đặt khoảng 10 pho tượng đồng bán thân mà tôi nghĩ rằng đó là những người con ưu tú nhất của vùng đất Sughd trong nhiều lĩnh vực.

Sóng nước dập dềnh của Syr Darya đang kết nối những giọt thời gian để kể lại cho tôi nghe những gì nó từng ôm ấp trong lòng.

Trong vô số câu chuyện, tôi thích nhất là những mẩu chuyện nhỏ về hai người xưa mà tôi luôn mến mộ là đại đế Cyrus của Ba Tư và đại đế Alexandros của vùng đất Macedonia - Hy Lạp.

Những chiếc bình đồng cổ kính.

Đại đế Cyrus đặt viên gạch nền móng đầu tiên đúng ngay vị trí bảo tàng Sughd ngày nay để xây dựng thành phố riêng cho mình có tên gọi Cyropolis.

Không là dòng sông tuổi thơ để trở về, nhưng Syr Darya là nơi để linh hồn đại đế trút thật sâu vào viên bảo châu màu ngọc bích.

Một thời gian quá dài và đủ lâu để gió cát Transoxiana nhấn chìm các dữ kiện, nhưng tất cả các sử gia trong thời cổ đại đều cho rằng sông Syr là nơi chúa tể dương gian quay lại thiên đường.

Theo quyển sách Lịch sử của nền văn minh Babylon được viết bởi người con Babylon là ông Berossus vào thế kỷ 3 TCN: Đại đế Cyrus quy tiên ở thượng nguồn sông Syr Darya, gần biển Capsi khi chinh phục bộ lạc Dahae, nơi mà những người du mục Dahae vốn là các xạ thủ rất thiện nghệ.

Theo ông Ctesias, một sử gia Hy Lạp vào thế kỷ 5 TCN: Đại đế rời xa nhân thế ở Tabaristan thuộc Iran ngày nay khi chinh phạt vùng đất Derbices gần thượng nguồn sông Syr.

Sử gia Hy Lạp khác là ông Herodotos vào thế kỷ 5 TCN viết lại: Bên kia thành Cyropolis vào năm 530 TCN là bộ lạc du mục Massagetae của nữ vương Tomyris và đại đế Cyrus đã tử trận với trận đánh khốc liệt trên sông.

Sau đó quân Ba Tư được tiếp viện và tràn lên tấn công như thác đổ để xác nhập vương triều Scythia vào đế chế rộng lớn của mình.

Sông Syr.

Năm 329 TCN, đại đế Alexandros đến Khujand và ông đã bị thương khi gặp phản ứng khá quyết liệt từ người bản địa.

Ông Alexandros cũng đã ghi lại trận đấu để đời trên dòng Syr khi đánh tan tác tộc người Scythia vốn nổi tiếng kiêu ngạo “bất khả chiến bại” từ ngàn xưa ở phía bên kia.

Dòng sông có tên gọi mới là Jaxartes và thành phố “Alexandria Eschate” được xây dựng là pháo đài vĩnh cửu với ý nghĩa “Điểm xa nhất về cực Đông của Alexandros”.

Khujand ngày nay hay Alaexandria Eschate quá khứ từng phồn vinh đến hơn 200 năm sau khi con cháu của người Hy Lạp nối tiếp nhau quản lý dãy đất thịnh vượng Transoxiana. 

Những nét văn hóa hòa quyện

Dòng sông là nơi khởi đầu của sự sống, cất giữ cả tuổi thơ vụng về, chở che những quảng đời tảo tần nặng nhọc mưu sinh và nó còn ôm ấp cả những giọt máu đào linh thiêng của một dân tộc vào lòng.

Phụ nữ Hồi giáo Khujand.

Những gì Syr Darya sắp xếp ngăn nắp vào từng giọt nước ngọc bích nhỏ nhắn mà phát âm chữ Syr khá gần chữ “Serect”, nên những người lữ hành phương Tây thường gọi là dòng sông “bí mật”.

Nắng chiều rớt những giọt vàng cuối ngày vào lòng viên trân châu Syr và chúng đang phủ bóng mờ lên những dãy tường thành Khujand.

Chỉ mới hơn hai giờ trước, con đường còn thưa thớt thì bây giờ đông vui đến lạ. Hỏi ra mới biết, hôm nay là ngày thứ năm và chợ đêm duy nhất trong tuần được nhóm họp để giữ lại nét văn hóa xưa.

Cách bày bán cũng thật hoang sơ như thuở đất trời còn bơ vơ trong cát khi người bán cứ trải một chiếc thổ cẩm lên vệ cỏ xanh và bày biện những món hàng lên trên.

Những người phụ nữ Hồi giáo Khujand cũng vô cùng thân thiện khi cho phép tôi chụp ảnh họ bên những quầy hàng cỏn con.

Tôi kiểm soát lòng ham muốn của mình hết mức tối đa bởi đôi mắt đang chăm chú vào những chiếc bình cổ bằng đồng đã lên ten màu xanh của thời gian và cả những miếng thổ cẩm xinh đẹp đang được treo nối tiếp nhau trên bức tường thành.

Bày biện mặt hàng vỉa hè.

Tôi tự nhủ lòng đường còn quá dài và ba lô tôi sẽ nặng nhọc hơn trên đôi chân.

Bước chân tôi cứ xao xuyến đi theo tiếng gọi những miếng thổ cẩm nhiều sắc màu mà đường nét của chúng quyến rũ theo cách rất riêng.

Không thanh mảnh đường kim mối chỉ và cũng chẳng nhiều sắc sảo nét thêu, nhưng các miếng thổ cẩm lại ôm cả bốn nền văn minh lớn vào lòng, như cách nói của các sử gia: Từ cổ đại qua đến thời kỳ đầu trung cổ, Transoxiana là vùng đất duy nhất ở Viễn Đông mà nơi đó Hy Lạp - Ba Tư - Trung Hoa và du mục Turkic - Mongol đã gặp nhau.

Hoa văn đặc trưng của người Khujand.

Trên bức tường thành của đại đế Alexandros, người du mục học cách dệt thổ cẩm và nhuộm màu chỉ thêu từ cây cỏ thiên nhiên của người Ba Tư và những sợi kén tằm của người Trung Hoa được bện vào để sản phẩm thêm óng ánh, mềm rủ.

***

(*). Transoxiana theo cách gọi của đại đế Alexandros là vùng đất gồm Tajikistan, Uzbekistan, phương nam Kyzgyzstan và một phần Tây nam Kazakhstan ngày nay.

Sughd theo ngôn ngữ Ba Tư có nghĩa là trái tim.

Khujand có nghĩa là tâm điểm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm