Kịch Sài Gòn thừa thắng xông lên

Trong năm 2015, các sân khấu kịch tại TP.HCM bị sụt giảm lượng khán giả một cách bất thường, lại mất nhiều nhân lực gạo cội cho các chương trình giải trí truyền hình nên rơi vào tình trạng khá khủng hoảng. Đến cận tết 2016 mà nhiều sân khấu lớn vẫn còn lúng túng trong việc dàn dựng vở mới cho mùa kịch ăn khách nhất trong năm vào dịp tết. Cứ ngỡ kịch tết năm nay sân khấu sẽ buồn hiu, tuy nhiên gió bỗng đổi chiều vào giờ cuối.

Từ cháy vé đến tăng suất, ra nhà hát lớn

Trong dịp tết, khán giả bỗng dưng ùn ùn kéo đến rạp xem kịch. Những sân khấu lớn như IDECAF, Phú Nhuận, Hoàng Thái Thanh, Sài Gòn Phẳng - Thế Giới Trẻ và sân khấu khá mới Sen Việt của ông bầu Nguyên Đạt từ cháy vé, chật rạp, phải kê thêm ghế súp đến đầy rạp mỗi suất diễn trong dịp tết. Nhiều sân khấu thuộc nhóm này còn bán hết vé kịch tết ra tận rằm tháng giêng. Các sân khấu mới ở vùng xa trung tâm như kịch sao Minh Béo, kịch TKC của bà bầu - nghệ sĩ Trịnh Kim Chi mới mở cũng từ gần đầy rạp đến kín rạp.

Thậm chí một số sân khấu đã tăng suất diễn hơn dự kiến và đổi vị trí diễn to lớn hơn để chứa nhiều khách sau tết. Với điểm yếu là không có sân khấu riêng để trụ lại, vở nhạc kịch thuần Việt Tấm Cám của nhóm kịch Buffalo đã phải thuê Nhà hát Bến Thành với giá thật đắt làm điểm diễn. Cứ tưởng vở diễn của êkíp trẻ sẽ khó thu hút công chúng, chỉ trụ được từ mùng 2 đến mùng 6 tết là quá lắm. Vậy nhưng với sự ủng hộ của khán giả luôn đầy 2/3 rạp, vở nhạc kịch Tấm Cám quyết định tăng thêm ba suất diễn vào các ngày 5, 6 và 8-3. Nhóm kịch trẻ này giữ vững khí thế khi vẫn giữ điểm diễn có giá thuê rạp cao ngất là Nhà hát Bến Thành. Cùng với nhạc kịch Tấm Cám, hai vở hài kịch Thần TàiĐại hỉ ở sân khấu Sen Việt của ông bầu - kiêm tác giả, đạo diễn Nguyên Đạt không chỉ tăng suất diễn mà còn tiến từ rạp Công Nhân ra Nhà hát Hòa Bình cũng với giá thuê rạp cao chót vót. Nhiều sân khấu kịch khác có sân khấu riêng làm điểm diễn cố định cũng liên tục tăng suất diễn vào các ngày cuối tuần sau tết 2016.

Nhạc kịch Tấm Cám cháy vé trong tết là một bất ngờ lớn với nhóm kịch Buffalo.

Cần một cuộc tọa đàm với thành ủy

Với sức xuân phơi phới từ lượng khán giả ùn ùn vào dịp tết như thế, liệu làng sân khấu kịch Sài Gòn có tiếp tục trụ vững và phát triển thêm sau tết hay không? Các ông, bà bầu có những tâm tư khá đồng nhất. Là sân khấu mới nhất, vừa thành lập, bà bầu Trịnh Kim Chi nói rằng: “Tình hình sân khấu trong năm thế nào không nói trước được. Tôi chỉ mong những nhà quản lý có biện pháp nào đó để sân khấu đừng rơi vào khủng hoảng. Đừng nên để các chương trình giải trí truyền hình quá bội thực, tràn lan, những chương trình này vô tình tạo thói quen cho khán giả chỉ quen xem những thứ giải trí đơn giản, thiếu chiều sâu tư tưởng lẫn giá trị nghệ thuật”.

Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của kịch IDECAF bảo rằng là sân khấu xã hội hóa thì mỗi nơi phải tự tìm cách giải quyết các vấn đề, khó khăn của mình, không thể chờ Nhà nước nuôi mình. Tuy nhiên, cái sân khấu Sài Gòn cần nhất hiện nay chính là các chính sách của Nhà nước hỗ trợ cho sân khấu, cụ thể như đấu thầu bao nhiêu dự án nghệ thuật sân khấu hằng năm với mức kinh phí là bao nhiêu, xây bao nhiêu rạp hát ở những khu vực nào, điều kiện cho tư nhân thuê mướn ra sao?… Nhưng điều này phải đưa vào nghị quyết hẳn hoi để được thực hiện chứ nói xong rồi thôi. Sân khấu Sài Gòn đang rất cần một cuộc tọa đàm về sân khấu với các vấn đề cấp thiết mà phải có mặt của lãnh đạo UBND, Thành ủy TP.HCM ngồi nghe, ghi nhận và ra quyết định thi hành có hiệu lực thì mới mong tình hình khác đi.

Nghệ sĩ Ái Như - bà bầu của kịch Hoàng Thái Thanh nói: “Sân khấu ngày tết với sân khấu ngày thường rất khác nhau. Chúng tôi chỉ biết làm hết sức mình, làm tất cả những gì có thể làm được để giữ vững chất lượng nghệ thuật và tinh thần nghệ thuật ở các tác phẩm của mình, để khán giả đến với mình. Có những vấn đề của sân khấu và của cả xã hội đã tồn tại rất nhiều năm qua. Nếu nói mong chờ một điều gì đó, một giải pháp gì đó để giải quyết từ phía cơ quan chức năng, chính quyền, chúng tôi thấy tin vào sự mới mẻ, gần dân hơn của lãnh đạo TP hôm nay, tin vào những lãnh đạo như ông Đinh La Thăng”.

NSND Hồng Vân: Tôi sẽ đọc tham luận trước HĐND TP

Tháng 3 này, lần đầu tiên trong đời tôi làm một tham luận. Tôi sẽ đọc tham luận đó trước HĐND TP một cách chính quy nhất trong quy trình làm việc của chính quyền. Đây có thể là lần duy nhất và lần cuối cùng tôi nói về các đề đạt cho sân khấu kịch của TP bởi trước đây tôi đã nói khá nhiều nhưng chỉ được nói ở hành lang các cuộc họp, những buổi hội thảo, được ghi nhận lại rồi thôi nên chẳng đem lại hiệu quả gì. Trong hơn 30 năm qua, các sân khấu kịch xã hội hóa mà khởi đầu là Sân khấu nhỏ 5B đã khiến người Sài Gòn tự hào đây là nơi duy nhất trong cả nước có các sân khấu kịch sáng đèn hằng đêm với những vở kịch có giá trị nghệ thuật đích thực, những vở diễn đỉnh cao gây được hiệu ứng xã hội, làm rung động xã hội, được dư luận quan tâm tìm xem, trân trọng. Các sân khấu xã hội hóa đã tạo nên thói quen rất có tính văn hóa cho đời sống văn hóa của người dân TP là mua vé đi xem kịch. Vậy nhưng trong vài năm qua, các sân khấu kịch ở Sài Gòn đã mất dần sự rực rỡ từ chất lượng nghệ thuật cho đến lượng khán giả với rất nhiều khó khăn cần sự hỗ trợ, tháo gỡ từ các cơ quan quản lý nhà nước. Nên nhớ rằng để có được sự rực rỡ một thời, các sân khấu kịch ở Sài Gòn đã phải xây dựng rất khó khăn với một thời gian quá dài, hơn 30 năm. Hôm nay, đừng vì sự thiếu quan tâm mà TP đánh mất dễ dàng niềm tự hào lẫn thành quả rực rỡ của điểm sáng văn hóa - sân khấu kịch Sài Gòn suốt bao nhiêu năm qua.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm