Kwaito bước nhảy vượt qua “phân biệt…”

Bước nhảy rực lửa từ trái tim tuổi trẻ khao khát tự do pha vẻ hoang dại của núi rừng, giúp người Nam Phi vượt qua sự ngăn cách, phân biệt của chủ nghĩa Apartheid.

Nam Phi nằm ở Nam Bán Cầu, thời tiết đi ngược với Bắc Bán Cầu. Mùa xuân bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 11. Khi tôi đến Johannesburg đang vào xuân, nhiệt độ buổi sáng là 23 độ C, không nhiều cây phượng tím như Pretoria nhưng thỉnh thoảng chúng xuất hiện trên đường phố với màu tím rịm đặc trưng.

Điệu nhảy đường phố

Tôi đến quảng trường Nelson Mandela ngắm bức tượng toàn thân của ông uy nghi đặt giữa quảng trường. Từng đoàn người dập dìu đến đây khi chiều xuống để thưởng thức cà phê Nam Phi trong những quán tuyệt đẹp, tận hưởng những bữa tối sang trọng trong các nhà hàng. Nhưng sôi động nổi bật trong quảng trường náo nhiệt ấy là những nhóm nhạc đường phố đang tưng bừng trong điệu nhảy.

Từ một bạn trẻ nhún nhảy những bước chân đầu tiên, lắc hông và lắc tay điệu nghệ, không khí đường phố sôi động lên. Những bạn trẻ hưởng ứng lắc lư theo và hòa quyện vào điệu nhảy. Đám đông bắt đầu tăng dần lên đến hàng chục người. Các bạn trẻ còn đem theo cả loa và máy phát mini để cùng nhảy. Tôi ngạc nhiên thắc mắc điệu nhảy đó là gì, vì sao nó cuốn hút mọi người như vậy?

Kwaito bước nhảy vượt qua “phân biệt…” ảnh 1

Một nhóm bạn trẻ Nam Phi nhảy Kwaito trên đường phố. Ảnh: NCL

Chợt thấy một thanh niên Nam Phi ngồi trên bậc cầu thang dạo bản nhạc âm hưởng mênh mông bao la hoang dã, tôi bước đến làm quen để tìm hiểu thêm điệu nhảy đường phố. Dingane - người chơi guitar trên phố ấy chia sẻ: “Trong quá khứ, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc (Apartheid) đã ăn sâu vào tiềm thức người dân. Âm nhạc là món ăn tinh thần của người Nam Phi, nó thấm sâu vào máu thịt, nhờ âm nhạc chúng tôi xích lại gần nhau hơn, hiểu nhau hơn. Điệu nhảy mà bạn nhìn thấy gọi là Kwaito, tiếng Affikaan nó có nghĩa là “sự tức giận”. Nó là điệu nhảy đường phố đả kích nạn phân biệt chủng tộc. Bây giờ nó thành trào lưu và người Anh đưa nó vào từ điển, có nghĩa là “rất dễ thương - cool”…

Nhiều cuộc thí nghiệm thất bại

Tôi mua hai ly cà phê và ngồi bệt trên bậc thang tâm sự với anh Dingane. “Nam Phi có đến 77% dân số là người da đen, 10% da trắng, 3% gốc châu Á, 9% da màu. Không chỉ đa dạng về sinh học (thuộc top 6 thế giới), Nam Phi còn đa dạng về văn hóa với 11 ngôn ngữ dân tộc. Người Anh đến đây, mang theo các vở Ballet nhưng nó không được công chúng đón nhận bởi nó chỉ phù hợp với tầng lớp quý tộc da trắng giàu có. Vào thập niên 1970, họ đưa nhạc Jazz vào Nam Phi như là một phương pháp kết nối các nền văn hóa vào nhau để có tiếng nói chung. Nhiều công ty, nhạc sĩ và ca sĩ từ châu Âu, Mỹ đến đây biểu diễn: Moving into the Dance, Free Flight, Sylvia Glasser, Adele Blank,… Nhạc Jazz tương đối phù hợp cho người da đen bởi các nhạc cụ như kèn trombone, trumpet cần làn hơi khỏe và âm vực rộng. Tuy nhiên, nội dung ca khúc chưa thể hiện được những gì người da màu muốn nói …”.

Làn gió mát rượi của mùa xuân len lỏi trong quảng trường như tiếp thêm sức sống cho điệu nhảy của đám đông, họ hứng khởi gào thét một bài hát nào đó bằng ngôn ngữ Nam Phi. Dù không hiểu được lời bài hát nhưng tôi cảm nhận được sức sống đang cuộn trào trong giai điệu rực lửa đó. Nhấm nháp một chút cà phê, anh Dingane lại chia sẻ tiếp: “Đến đầu thập niên 1990, nhạc pop, disco, R&B,… cũng đổ bộ vào Johannesburg. Tuy nhiên, nó không được người bản địa đón nhận và suy tàn trong thời gian ngắn.

Đồng hành với chiến thắng của Nelson Mandela

Tháng 5-1994, khi Nelson Mandela trở thành tổng thống da màu đầu tiên của Nam Phi. Một điệu nhảy mới ra đời nhằm đánh dấu sự kiện này. Giống như hip hop, điệu nhảy này bắt nguồn từ những thanh niên da đen dưới 21 tuổi sống ở vùng ngoại ô hay khu ổ chuột của Johannesburg. Nó phát triển rộng rãi khắp Nam Phi và người ta gọi đó là điệu nhảy “đồng quê” (Umoja) và qua những ca khúc cho điệu nhảy người da đen đã lên tiếng, nó trở thành cơn bão đả kích nạn phân biệt chủng tộc. Nó được đổi tên thành Kwaito có nghĩa là sự tức giận. Lúc đầu Kwaito không cần dàn nhạc, một người hay nhóm người nhảy bằng đôi chân khéo léo kèm theo sự uyển chuyển của thân người và đôi tay, trên khuôn mặt toát lên những gì mà mình cần nói….

Không phân biệt màu da, thời gian, mọi người có thể nhảy Kwaito bất cứ nơi đâu. Kwaito bùng phát mạnh mẽ đến mức người Anh đưa nó vào từ điển. Các công ty âm nhạc đổ xô đến Johannesburg nghiên cứu và sáng tác các bản phối để Kwaito trở nên sinh động hơn trên những nền nhạc. Ở Nam Phi, chỉ cần bán lượng 25.000 đĩa sau khi phát hành được coi là album vàng. Nhưng đến nay những CD về điệu nhảy Kwaito đã bán hơn 100.000 bản. Bao năm đã trôi qua, Kwaito vẫn còn sống mãi với thời gian và bạn có thể thấy ở mọi lúc, mọi nơi trên đường phố của Johannesburg…”.

Những đứa con anh Burton lại nhún nhảy theo điệu Kwaito mà các bạn trẻ đang nhảy cách đó không xa …

Nắng đã tắt, anh Dingane vẫn say sưa đàn, còn tôi tập tễnh nhảy điệu Kwaito mà anh vừa hướng dẫn.

Cũng giống như cơn bão Gangnam hiện nay, điệu nhảy Kwaito còn lan tỏa sang các quốc gia lân cận như: Namibia, Botswana, Zimbabwe, từng làm mưa gió ở châu Phi, châu Âu và Bắc Mỹ. Tuy nhiên, thời đó Internet chưa phổ cập rộng rãi như ngày nay nên nó không thể gây bão trên toàn cầu. Kwaito là một điệu nhảy phảng phất điệu nhảy hip hop từng xuất hiện vào thập niên 1970 ở TP New York nhưng nó lại không nặng “nhào lộn”. Điệu nhảy đầu tiên của Kwaito không cần đến nhạc đệm, chỉ sử dụng những kỹ thuật toàn thân theo phong cách tự do. Dần dần, do các công ty âm nhạc vào cuộc, điệu nhảy được sử dụng trên nền nhạc điện tử với sự phối hợp của các đoạn rap. Những dụng cụ âm nhạc hỗ trợ cho điệu nhảy đơn giản hơn so với hip hop, thường chỉ sử dụng trống, đàn organ điện tử, bộ gõ, dàn bè.

____________________________________________

Qua điệu nhảy chúng tôi hiểu mỗi người đều khao khát tự do. Từ đó chúng tôi sống hòa hợp với nhau hơn, bởi tất cả cuối cùng cũng là tình người. Tôi có rất nhiều người bạn da đen chơi rất thân cũng bởi cùng đam mê điệu nhảy này…

Chị CATHARINA (người Hà Lan, theo cha mẹ đến đây sống hơn 30 năm)

Các bạn tôi trong ngân hàng đều yêu thích điệu nhảy đó, trong đó có tôi… Với tôi, điệu nhảy giúp tôi hiểu nhiều hơn về văn hóa bản địa. Chúng tôi là anh em một nhà, hòa vào nhau trong sắc màu đa dạng văn hóa của Nam Phi.

Anh BURTON(người Anh, nhân viên ngân hàng, sống 40 năm tại Johannesburg)

NGUYỄN CHÍ LINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm