Kỳ nữ Kim Cương: Giữa thực và mơ!...

Cả đời người nghệ sĩ tài hoa đã chao đảo giữa số phận một cô đào và cõi tình yêu mơ mộng…

Năm 60 tuổi, hỏi về tình yêu, Kim Cương cười bảo mình đang yêu say đắm như tuổi 16 và đang chìm ngập trong hạnh phúc với những lá thư tình gửi qua gửi lại. Bây giờ, ở tuổi 75, bà tìm đến Phật pháp để hóa giải những đau khổ vì tình yêu. Vậy nhưng hỏi rằng còn có thể yêu được nữa không, Kim Cương gật đầu cái rụp: “Được chứ, còn yêu dài dài. Tôi sẽ yêu như tuổi 17 nếu vẫn tìm được người để mình hết lòng yêu, hết lòng kính trọng. Tôi cũng cảm ơn trời đất là đã để tôi sống không đúng với cái tuổi của mình. Có lúc tôi giật mình khi nhớ ra mình đã hơn 70 tuổi, vì có bao giờ để ý mình bao nhiêu tuổi đâu”.

Yêu bất cần thân thể

Thời tuổi trẻ, Kim Cương yêu dữ dội, “yêu bất cần thân thể”. Tình yêu thực của Kim Cương nhiệt tình, nên thơ như trong tiểu thuyết và như chính những nhật vật cô Diệu, cô Bê, cô Tanhia, cô Trà Hoa Nữ… trên sân khấu. Thuở đôi mươi, đi lưu diễn ở miền Trung cả vài tháng, Kim Cương nhớ người yêu quay quắt. Vừa về đến Sài Gòn, cô bỏ tất cả chạy ngay đến nhà chàng. Vừa đến cổng, nghe bản nhạc Dòng sông xanh, Kim Cương nén lòng đứng lại, để người yêu nghe được trọn bản nhạc mới bước vào. Có lần cùng ngồi ăn cơm, người yêu đưa cái chén bảo bới cho anh chén cơm, chỉ có vậy mà trái tim Kim Cương run rẩy, hạnh phúc ngập tràn đến tận bây giờ vì ý nghĩ anh ấy yêu thương mình với cử chỉ xem mình là một người vợ. Là một nghệ sĩ nổi tiếng nhưng khi sống với người nào Kim Cương vẫn cố dậy từ 6 giờ sáng, tự tay chăm lo cho người mình thương, lau từng đôi giày, ủi từng cái áo….

Kỳ nữ Kim Cương: Giữa thực và mơ!... ảnh 1

Êkip thực hiện show diễn cuối cùng của nghệ sĩ Kim cương (từ trái sang): Đạo diễn Vũ Minh, nghệ sĩ Hữu Châu, nghệ sĩ Kim Cương, nhà sản xuất Dũng organ. Ảnh: HÒA BÌNH

Kim Cương quan niệm: “Với tôi, yêu là phải hết mình. Yêu là cho chứ không phải để nhận. Có lẽ tôi ảnh hưởng giáo dục phong kiến và cách sống của má tôi, coi việc phục vụ chăm lo cho chồng là hạnh phúc”. Kim Cương bảo mình chưa từng có được một cái đám cưới, chưa một lần được mặc áo cưới ngoài đời. Kim Cương lập gia đình chính thức với nhà báo Trần Trọng Thức vào năm 35 tuổi. “Lúc đó mình lấy chồng nghèo, không có tiền làm đám cưới. Có làm thì chắc cũng không bằng ai. Mà trước mình một năm, chị Thẩm Thúy Hằng lại làm đám cưới lớn quá, cái bánh cưới phải bắc thang mới leo lên cắt được. Vậy nên làm lễ trong gia đình xong, hai vợ chồng dành tiền quay mấy con heo mang vào cô nhi viện Quách Thị Trang ăn cùng mấy em mồ côi rồi kêu mấy ông thầy đám đến thổi kèn, đàn hát cũng vui lắm” - Kim Cương kể.

Bây giờ ngôi nhà xinh đẹp của Kim Cương đã tràn tiếng cười hạnh phúc với con trai, con dâu và ba cháu nội. Hỏi bà có hối tiếc gì về tình yêu không, ánh mắt, giọng nói của bà cháy tràn ánh lửa. Bà nói ngay: “Có. Tôi tiếc vì mình có một gia tài tình yêu quá lớn mà không có người nào để mình trao trọn nó. Nhưng tôi chưa từng hối tiếc vì yêu. Bởi với tôi chỉ có yêu hay không yêu mà thôi, chứ không có chuyện yêu chơi hay yêu cho vui. Với tôi, không một thứ tình yêu nào có thể thay thế tình yêu đôi lứa được”.

Kim Cương bảo bà chưa từng chọn người yêu vì giàu, vì địa vị. Họ đều nghèo nhưng đáng kính. Nhưng như định mệnh, những cuộc tình của bà luôn bị trở ngại không thể tiến tới hôn nhân, lắm lúc bà là người nói lời ra đi trong nước mắt. Có lúc bước ra khỏi nhà chia tay người yêu, chỉ lết đi chứ không đứng vững nữa, chỉ muốn đâm đầu vào xe chết đi... Kim Cương ngậm ngùi: “Cả đời tôi thấy việc gì mình cũng thành công, duy chỉ có tình yêu là thất bại. Chắc là số phận mình phải như vậy để dành thời gian sức lực lo cho đoàn hát, cho xã hội”.

Duyên kiếp nghiệp cầm ca

Kim Cương thật lòng: “Từ nhỏ đến giờ trong tôi luôn ám ảnh cảm giác bất an. Chưa đến 10 tuổi tôi đã chứng kiến cảnh mẹ tôi quỳ lạy ông chủ ở miền Trung xin cho ba tôi (đang bệnh nặng) được tá túc trong rạp hát. Mới cách đó vài ngày, đoàn hát của ba tôi tạo ra những đêm hát rực rỡ, khán giả chen nhau mua vé, giúp ông ta thu biết bao nhiêu tiền. Ông ta dửng dưng từ chối trong khi chúng tôi chẳng quen biết ai, chẳng còn tiền bạc. Vài ngày sau ba tôi chết trong một ngôi chùa gần đó.

Lớn lên, khi theo đoàn hát hay làm chủ đoàn, đêm nào đông khách, chúng tôi huy hoàng ăn nhà hàng, ngủ khách sạn. Vắng khách, phải cơm hàng cháo chợ, ngủ quán ngủ đình. Có lúc cơm cũng không có mà ăn, chịu đói rã ruột. Có lúc thất bại, mẹ con tôi phải vay nợ nóng để làm vở. Vé đã bán trước rồi, vậy mà đêm diễn trời mưa, khán giả trả vé. Ngày hôm sau chủ nợ đến chửi bới, đập phá nhà, hai mẹ con tôi chỉ còn biết đi trốn… Không rạch ròi, không lo lắng về tiền bạc thì phải làm sao? Ngay cả bây giờ, mình nói không có tiền biết người ta có tin không. Nhưng tôi làm gì ra tiền trong bao nhiêu năm nay. Nếu có tích lũy thì nó cũng hết dần rồi. Thiệt tình là như vậy”.

Má - nghệ sĩ Bảy Nam và dì - nghệ sĩ Năm Phỉ buộc cô bé Kim Cương vào học trường nội trú để tránh xa nghiệp cầm ca. Nhưng Kim Cương luôn giở mọi trò quậy phá để thoát khỏi cuộc sống mà đầu óc non nớt của cô cho là “cầm tù” ấy để bay đến thế giới sân khấu rực rỡ. Mới có chín ngày tuổi, Kim Cương đã được mẹ bế ra sân khấu diễn vai đào con. 8-9 tuổi, bé Kim Cương đã là Na Tra nổi danh trên đoàn hát của ba mẹ. Việc học của Kim Cương cứ trồi sụt theo thu nhập của bà Bảy Nam. Cô bé được học từ trường tư hạng sang đến những trường nhà dòng miễn phí dành cho trẻ mồ côi. 19 tuổi, thi rớt tú tài, Kim Cương đến thăm đoàn hát của má rồi bước ra sân khấu hát giúp vui. Ngờ đâu Kim Cương nổi danh từ đó và không rời xa nghề hát nữa dù cả đời luôn canh cánh cảm giác lo sợ cảnh hết tiền.

Bù đắp cho cuộc đời

Ở nhà, Kim Cương lo kinh tế chính cho gia đình. Vào đoàn hát, Kim Cương gánh kinh tế cho cả đoàn. Nguyên tắc của bà là rõ ràng phải trái, đúng sai. Nguyên tắc sống này cũng theo bà vào công việc từ thiện suốt 20 năm nay. Có lúc mặt mũi chẳng chút son phấn, người ngợm nhễ nhại mồ hôi, bà chạy đầu nọ đầu kia khi thì chỉ huy xếp hàng, lúc chỉ đạo sổ sách. Cần thiết thì bà nhảy luôn vào việc khiêng, xếp hàng hóa vì: “Có từ vài trăm đến vài ngàn phần quà em ơi, hổng phụ thì làm sao. Chẳng lẽ mình đứng đó chỉ đạo, nói ai mà nghe. Mình phải làm nói người ta mới nghe chứ. Phải làm thiệt lòng nói người ta mới tin”. Hết lòng với công việc là thế, nên phát hiện ai làm việc chểnh mảng, bê bối, bà mắng ngay. Phát hiện những người nào khôn lỏi, không có danh sách mà chen vào nhận quà, hay nhận rồi còn lẻn vào nhận nữa, bà đuổi thẳng cổ, bởi: “Đã làm từ thiện là phải đưa quà đến đúng đối tượng cần giúp, công bằng”.

Hơn 10 năm qua, trở thành phó chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi TP.HCM, bà dốc hết sức mình đôn đáo chạy lo kinh phí hằng tháng cho trường dạy nghề dành cho người khuyết tật và kinh phí ăn học cho bao nhiêu trẻ mồ côi.

Sau năm 1975, khi phụ trách Đoàn kịch Kim Cương, chị đã rất quyết liệt khi mời đạo diễn Đoàn Bá dựng những vở kịch nổi tiếng của Liên Xô trên sân khấu. Ngày đó khán giả kịch TP.HCM được xem Tanhia, Cuộc chia tay tháng Sáu, Câu chuyện Ieckut… là nhờ Đoàn kịch Kim Cương. Chị cũng chịu khó kết hợp với sân khấu phía Bắc để thực hiện các tác phẩm xuất sắc của Nguyễn Đình Nghi, Lưu Quang Vũ như Con nai đen, Lời nói dối cuối cùng

Kỳ nữ Kim Cương còn “dám” thể nghiệm vở Một mình với tất cả chỉ có hai diễn viên là chị và anh Ngọc Đức, do đạo diễn Xuân Đàm thực hiện.

Tác phẩm cuối cùng của Đoàn kịch Kim Cương là Người mua hạnh phúc, cũng do chị và tôi Việt hóa một kịch bản của Mỹ. Hồi đó, chúng tôi cùng với chị đi bán từng cái vé cho vở kịch cuối. Chị cười nói: “Em thấy chưa, đi đến đâu ai cũng yêu thích Kim Cương, đòi chụp hình chung nhưng ít người muốn tới rạp”.

Nhà văn NGUYỄN THỊ MINH NGỌC

HÒA BÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm