Lễ hội đầu năm: Đã bớt phần bạo lực

Điều được kỳ vọng trong mùa lễ hội năm nay là Thông tư 15/2015 về tổ chức lễ hội được Bộ VH-TT&DL ban hành ngày 22-12-2015. Thông tư này yêu cầu “không tổ chức các lễ hội có nội dung kích động bạo lực, truyền bá các hành vi tội ác bao gồm những hoạt động trong đó thể hiện cảnh trái với truyền thống yêu hòa bình và nhân ái của dân tộc Việt Nam, cụ thể: Mô tả cảnh đâm chém, đấm đá, đánh đập tàn bạo…”.

Như vậy theo thông tư kể trên thì những lễ hội có tục chém lợn, đâm trâu, đập đầu trâu đến chết… nằm trong nhóm có nội dung bạo lực nên nếu không thay đổi cho phù hợp sẽ không được tổ chức.

Chém lợn kín, cấm chọi trâu

Đây có lẽ là một trong những yếu tố tác động lớn nhất đến lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng. Các năm trước, bất chấp có nhiều ý kiến về việc chém lợn giữa sân đình vừa phản cảm, vừa có yếu tố bạo lực nhưng lễ hội vẫn diễn ra công khai. Mùa lễ hội năm nay việc chém lợn diễn ra trong bạt quây kín. Với cách tổ chức này, chỉ có một số bô lão trong làng và hai thủ đao cùng các cán bộ của địa phương được vào trong, còn lại người dân không được phép vào chứng kiến cảnh chém lợn.

Lễ hội chọi trâu huyện Phúc Thọ (Hà Nội) cũng đã bị cấm tổ chức. Trước đó, kết luận của bộ trưởng Bộ VH-TT&DL tại Hội nghị tổng kết công tác tổ chức lễ hội năm 2015, phương hướng nhiệm vụ năm 2016 có yêu cầu không cấp phép, tổ chức lễ hội chọi trâu, hội chọi trâu nếu không phải là lễ hội truyền thống của địa phương.

Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL) cho biết UBND huyện Phúc Thọ và báo Nông Thôn Ngày Nay (đơn vị tổ chức) đã đồng loạt gửi công văn tới Bộ VH-TT&DL xin phép tiếp tục tổ chức vòng chung kết hội chọi trâu huyện Phúc Thọ và hội chọi trâu Phú Sơn, Bắc Ninh. Mặc dù ban tổ chức cam kết đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, không thịt trâu chọi gây phản cảm, không truyền thông rộng rãi nhưng Cục Văn hóa cơ sở một lần nữa yêu cầu hai đơn vị nói trên không tiếp tục tổ chức hội chọi trâu tại các địa phương.

Nghi thức chém lợn tại lễ hội chém lợn (Ném Thượng) đã được diễn ra trong khu vực kín đáo. Ảnh: HUY HÀ

Xử lý nghiêm sai phạm trong lễ hội

Trước thời điểm cao điểm của lễ hội, Bộ VH-TT&DL cũng đã có những hoạt động kiểm tra, nhắc nhở. “Xử lý triệt để các hành vi vi phạm trong lễ hội” là khẳng định của Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên và đoàn công tác tại tỉnh Nam Định (một trong những địa phương có nhiều lễ hội lớn của cả nước).

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Vương Duy Biên đã yêu cầu địa phương phải tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý triệt để các hành vi vi phạm trong lễ hội. “Đối với lễ hội khai ấn đền Trần năm 2016, hoạt động phát ấn vào sáng rằm tháng Giêng sẽ bắt đầu từ 5 giờ 30, sớm hơn nửa tiếng so với năm 2015 nhằm giải quyết nhu cầu nhận lộc ấn đầu năm của du khách thập phương và giảm thiểu ùn tắc. TP Nam Định xây dựng các phương án chi tiết phân luồng đảm bảo an toàn giao thông, đảm bảo an ninh trật tự trong lễ hội... UBND TP Nam Định cần chú trọng chỉ đạo, không để xảy ra tình trạng cướp lộc, mất an ninh trật tự, ăn xin, các hoạt động cờ bạc trá hình diễn ra sau lễ hội, đảm bảo thực sự là lễ hội văn hóa của nhân dân” - Thứ trưởng Vương Duy Biên nêu rõ.

Vẫn hỗn loạn cướp lộc tại Hội gióng

Sáng 13-2 (tức mùng 6 tết), lễ hội đền Gióng ở làng Đan Tảo, Sóc Sơn, Hà Nội đã chính thức diễn ra. Năm nay lực lượng an ninh được tăng cường nhằm bảo vệ an toàn cho lễ hội, tuy nhiên tình trạng hỗn loạn cướp lộc hoa tre và lộc trầu cau vẫn diễn ra. Mặc dù vậy, nạn hỗn chiến giữa thanh niên cướp lộc với những người bảo vệ kiệu đã không còn.

 ________________________________

Theo Bộ VH-TT&DL, từ ngày 16-2 đến 31-3, các đoàn kiểm tra do bộ trưởng và các thứ trưởng làm trưởng đoàn sẽ đến kiểm tra đột xuất các lễ hội tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Thanh tra bộ có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về quản lý và tổ chức lễ hội theo thẩm quyền.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm