KẾT QUẢ GIÁM SÁT CỦA UB VĂN HÓA, GIÁO DỤC, THANH NIÊN, THIẾU NIÊN VÀ NHI ĐỒNG QH

Luật phải sát với thực trạng biểu diễn

Vấn đề quan trọng nhất là phải kiên trì kiến nghị, nhắc nhở để kiến nghị không nằm trong ngăn kéo.

Sáng hôm qua (7-9), đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội đã có cuộc làm việc với đại diện Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính xung quanh những kiến nghị về chính sách, pháp luật… của các cơ sở văn hóa mà đoàn đã trực tiếp làm việc tại Hà Nội, TP.HCM, Huế và Gia Lai trong tháng 8 vừa qua.

Đẩy mạnh xã hội hóa, hạn chế cào bằng

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm ủy ban, đặt vấn đề: Hiện nay, cả nước có hơn 150 đoàn nghệ thuật biểu diễn. Song có nhất thiết địa phương nào cũng có đoàn nghệ thuật hay không. Hiện nay chúng ta đang dàn dựng một bộ khung rất cồng kềnh, cần phải gom lại cho gọn nhẹ và hiệu quả. Đoàn nào tồn tại được trong nền thị trường thì tiếp tục, không thì nhường chỗ cho đơn vị khác có thể được huy động bằng vốn xã hội hóa.

Ông Nguyễn Trường Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính-Sự nghiệp - Bộ Tài chính, cũng cho rằng cần cơ cấu lại ngân sách, trọng tâm trọng điểm, tránh dàn trải, địa phương nào có kế hoạch biểu diễn tốt thì đầu tư nhiều, không có thì không đầu tư. Những hoạt động nhà nước nào cần thiết để duy trì bản sắc văn hóa thì bao cấp, còn những hoạt động nào có thể thu được lợi nhuận thì cứ để xã hội hóa.

Ông Giang cũng kiến nghị nên để cho một số đơn vị sự nghiệp có thu đã “đủ lông đủ cánh” có thể chuyển sang tự thu tự chi, để dành ngân sách cho các lĩnh vực văn hóa truyền thống cần bảo tồn. Ông Giang lấy ví dụ: “Trung tâm Chiếu phim quốc gia (Láng Hạ) hiện đang ngự trị tại khu đất vàng trị giá vài trăm tỉ đồng, ngoài hoạt động chiếu bóng còn cho thuê mặt bằng… thừa sức tự thu tự chi, thế nhưng vẫn nhận ngân sách của nhà nước. Nếu nhà nước lấy số tiền đầu tư cho nơi này để đầu tư vào tuồng, chèo có phải hay hơn không”.

Luật phải sát với thực trạng biểu diễn ảnh 1

Hiện nay, mức thù lao luyện tập của các nghệ sĩ vẫn còn thấp, nhất là ngành xiếc nguy hiểm như thế này. Ảnh: CTV

Ông Lê Anh Tuyến, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, phân tích: “Thực tế hiện nay các nghệ sĩ trẻ phải gánh luôn một phần lương của mình cho các nghệ sĩ già trong biên chế nhưng không còn làm được việc. Vấn đề khó bây giờ là giải quyết thế nào cho những cán bộ biên chế, đưa họ đi đâu?”. Trước khó khăn này, ông Thuyết bày tỏ quan điểm: “Năm 1990, chúng ta cũng từng giải quyết cho hàng loạt nghệ sĩ già biên chế bằng cách nghỉ một lần hay sao đấy thì bây giờ phải tính toán lại cho kỹ cách giải quyết. Còn từ nay, trừ một số ít được xét vào biên chế cứng, còn lại ký hợp đồng hết. Có như vậy mới giải quyết được tình trạng tre già mà không có chỗ cho măng mọc”.

Siết chặt quản lý, nâng cao thù lao

Ông Thuyết cho rằng hiện nay nhà nước chỉ quản lý hoạt động biểu diễn chuyên nghiệp, có bán vé thu tiền cấp giấy phép, còn hoạt động không chuyên nghiệp, không bán vé, không thu tiền thì chỉ đăng ký mà không cần cấp phép là chưa hợp lý. Vì thực tế, giá đồ nước uống còn đắt hơn vé xem ca nhạc và hoạt động này cũng tồn tại rất nhiều vấn đề. “Riêng ở TP.HCM, một đêm có 400 điểm biểu diễn, không có sở nào có thể duyệt hết, cấp phép hết được” - ông Lê Anh Tuyến phản hồi. Ông Thuyết cho rằng trong trường hợp này, khâu hậu kiểm là cực kỳ quan trọng. Lúc duyệt hồ sơ cấp phép biểu diễn thì mặc trang phục này nhưng lên sân khấu thì mặc trang phục khác, gây phản cảm thì không thể chỉ đổ lỗi cho đơn vị cấp phép mà ở đây còn có trách nhiệm của khâu hậu kiểm.

Ông Thuyết cũng nêu: “Một trong những điểm bất hợp lý trong hồ sơ cấp phép biểu diễn của chúng ta hiện nay là không hề có yêu cầu phải có giấy xác nhận đã được sự đồng ý của người sáng tác. Các bộ cần xem xét đưa vào luật quy định này chứ không thể để tác giả cứ chạy theo đòi nhuận bút sau khi chương trình kết thúc, mà mỗi đời người thì sáng tác được bao nhiêu tác phẩm được quảng bá rộng rãi?”

ông Thuyết cũng nhấn mạnh đến chế độ đãi ngộ cho nghệ sĩ. Theo ông, hiện nay mức lương khởi điểm của người nghệ sĩ mới ra trường là rất thấp; tiền bồi dưỡng luyện tập chỉ có 10.000-20.000 đồng/buổi, khó khăn lắm mới đạt được danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ sĩ nhân dân nhưng cũng chỉ được thưởng một lần 3-5 triệu đồng. “Mức thưởng như vậy là quá thấp, cần nâng cao mức thưởng lên 10-15 triệu đồng chẳng hạn. Ngoài ra, cần xét đến việc tăng lương theo danh hiệu. Ở ngành giáo dục còn tăng lương theo học hàm, học vị, còn ở ngành nghệ thuật chỉ trông chờ vào danh hiệu mà không tăng lương thì thiệt thòi cho nỗ lực của người nghệ sĩ” - ông Thuyết nhấn mạnh.

Ông Tuyến cũng cho rằng mức phụ cấp nghề như hiện nay đã rất lạc hậu, cần phải sửa quyết định để tăng tiền bồi dưỡng luyện tập cho anh em nghệ sĩ, đặc biệt ở những ngành nguy hiểm như xiếc...

Sẽ nhắc nhở để kiến nghị không nằm trong ngăn kéo

Ông Lê Thanh Liêm, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An, cho rằng: “Giữa chính sách và thực tế có một cự ly quá lớn, mà qua cuộc làm việc trên phạm vi cả nước của đoàn giám sát Quốc hội tưởng như là hoành tráng nhưng thực tế cũng chưa đi đến hết những vướng mắc đang tồn tại. Theo tôi, ba hay năm năm nữa có luật về nghệ thuật biểu diễn thì cũng không có ý nghĩa gì khi chúng ta chưa hiểu hết và đánh giá đủ về tình hình biểu diễn nghệ thuật hiện nay”. Đồng ý về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cũng cho rằng: “Đoàn giám sát cần ngồi lại với các bộ, ngành để bóc tách, mổ xẻ từng vấn đề” .

Ông Nguyễn Đăng Chương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn - Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, bày tỏ lo lắng: “Trước đây, đoàn cũng đã đi ghi nhận thực tế nhiều nơi và gửi lên Chính phủ nhưng rất nhiều kiến nghị đã rơi vào quên lãng. Vậy lần này làm sao để không xảy ra trường hợp tương tự?”.

Ông Thuyết cũng thừa nhận vấn đề trên và cho biết sẽ rút kinh nghiệm những lần trước. Lần này phải liên tục kiến nghị đôn đốc từ lãnh đạo Chính phủ trở xuống, các bộ cũng phối hợp, không ngừng nhắc nhở ủy ban để kiến nghị không nằm trong ngăn kéo.

Những sự cố khó quản lý trong biểu diễn

Hoạt động biểu diển là lĩnh vực nhạy cảm rất khó quản lý. Mới đây, người mẫu Bebe Phạm đã để hở gần như hoàn toàn phần ngực bên phải khi bước ra sàn catwalk. Bebe Phạm vẫn trình diễn bình thường trên sàn chữ T một lúc mới phát hiện phần trên của váy áo bị tụt. Bebe Phạm dùng tay che chắn sau khi nhận ra tình huống nhưng đã muộn. Cùng trong chương trình này, người mẫu Hà Anh cũng dính sự cố do váy quá ngắn. Say sưa thể hiện ca khúc góp vui cho chương trình, người đẹp Hà Anh đã để lộ nội y vì chiếc váy ôm sát người.

Sáng 7-9, ban tổ chức chương trình thời trang Diamond Night tường trình với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch TP.HCM về sự cố này. Cơ quan quản lý sẽ xem xét đây là việc vô tình hay cố ý và bộ trang phục có được duyệt hay chưa.

Ông Võ Trọng Nam, Trưởng phòng Quản lý nghệ thuật - Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch TP.HCM, cho biết nếu bộ trang phục người mẫu Bebe Phạm trình diễn trong đêm thời trang chưa được kiểm duyệt trước đó thì chắc chắn ban tổ chức chương trình này sẽ bị xử phạt nặng. Tuy nhiên, những sự việc tương tự từ trước đến nay xảy ra rất nhiều như Tr.N, TTH, MPT và nhiều nghệ sĩ khác đã từng vi phạm chưa có dấu hiệu khắc phục.

YÊN THẢO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm