Mạo xưng trang phục dân tộc để khoe hàng

Trong buổi khai mạc liên hoan phim ngày 25-11, người mẫu Hồng Quế, diễn viên Quỳnh Hoa xuất hiện với chiếc váy ren trong suốt trên thảm đỏ đã gây sốc cho dư luận về cách ăn mặc phản cảm. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu, một số người mẫu khác cũng đã từng tạo sốc khi nhân danh trang phục truyền thống, trang phục dân tộc cải biên để giới thiệu nhưng kiểu y phục không thể hiện sắc thái văn hóa Việt mà còn quái dị.

Hoa hậu “thời Hùng” khoe ngực khoe hông

Tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2012, Hoàng My trình làng bộ trang phục được cho là “áo dài thời Hùng Vương” hay “dân tộc thời Âu Lạc” phơi trọn phần lưng, gần trọn bộ ngực và xẻ cao hai bên váy. Lại thêm cái mũ lông rất lạ lẫm, tay cầm cung tên hung hăng. Họa sĩ Đào Mạnh Đạt đã nhận xét: “Bộ trang phục này còn thiếu những nét nói lên đặc thù, đặc sắc của văn hóa dân tộc Việt Nam. Thiếu những yếu tố hết sức Việt, chẳng hạn như thời kỳ Hùng Vương, Âu Lạc, có những họa tiết như trống đồng, chim hạc, thuyền... nhìn bộ trang phục có thể rất giống châu Phi…” - (Theo Ngoisao.net).

Tương tự, tại cuộc thi Nữ hoàng du lịch quốc tế 2011, Hoàng Ngân làm đại diện cho Việt Nam, bộ trang phục dân tộc khoét hở hang một cách hoành tráng để khoe ngực, khoe eo. Bộ đồ lạ lẫm, rườm rà của Hoàng Ngân chẳng ai biết nó là trang phục của xứ sở nào, trừ cái khăn đóng. Trên diễn đàn Eva.vn có ý kiến nhận xét: “Hoàng Ngân giới thiệu một bộ trang phục có phần trên “chèn ép” vòng một quá mức, lai tạp giữa bộ trang phục của hoàng hậu và một nhân vật trong các trò game”. Trang phục dân tộc của người đẹp Phan Thị Mơ tại cuộc thi Người đẹp châu Á ở Mỹ 2011 cũng dị dạng, chiếc váy yếm biến dạng như loại trang phục múa bụng của vũ nữ Ấn Độ khoe rốn và phần váy đính đá lóng lánh…

Mạo xưng trang phục dân tộc để khoe hàng ảnh 1

Bộ trang phục dân tộc lấy ý tưởng trang phục thời Âu Lạc của Hoàng My tại cuộc thiHoa hậu Thế giới 2012. Người mẫu Trương Nam Thành trong bộ trang phục Thánh Gióng được xem là giống phim Rô bốt đại chiến (!).

Copy từ game, phim giả tưởng

Không ít cư dân mạng đã tìm ra những hình ảnh cụ thể khẳng định một số bộ trang phục này sao chép hình ảnh nhân vật trong các game online. Bộ trang phục Á hậu Trúc Diễm trình diễn trong cuộc thi Miss Internationnal 2011 được cho rằng giống nhân vật của game Phong thần. Một thành viên diễn đàn Eva.vn nhận xét: “Trúc Diễm táo bạo mặc bộ trang phục nặng 10 kg lấy ý tưởng từ hình tượng mẹ Âu Cơ trong truyền thuyết con Rồng cháu Tiên trên chất liệu bắt sáng với họa tiết trống đồng, chim lạc. Tuy nhiên, nếu ai thường chơi game thì sẽ nhận thấy trang phục này rất giống trang phục trong game”.

Y phục Sơn Tinh và vua Hùng mà người mẫu Quang Huân thể hiện tại cuộc thi Manhunt International vào năm 2011, 2012 được cho là giống nhân vật game Võ lâm truyền kỳ. Báo Dân Trí viết: “Với những người trẻ, họ có thể nhìn ngay ra rằng bộ trang phục này quá giống với những thiết kế trong các trò chơi điện tử trực tuyến hiện nay”. Mới đây nhất, trong tháng 11-2012 này, trang phục được lấy ý tưởng từ truyền thuyết Thánh Gióng, nặng đến 30 kg mà người mẫu Trương Nam Thành mang đến cuộc thi Nam vương thế giới 2012 được cư dân mạng nhất trí gọi là trang phục rô bốt vì nó giống hệt như nhân vật của bộ phim Rô bốt đại chiến.

Có đúng mới đẹp

Về trang phục dân tộc khi đem ra giới thiệu với thế giới, quan điểm của tôi là: Có đúng mới đẹp. Không thể gọi là một bộ trang phục Việt khi người mẫu mặc vào người ta tưởng đó là người châu Mỹ, châu Phi, hay người ta tưởng dân Việt Nam là dân bộ lạc thời xa xưa.

Tôi không ủng hộ quan điểm sử dụng trang phục các dân tộc ít người làm trang phục Việt khi giới thiệu ra quốc tế. Bởi khi ra thế giới thì phải mang tính điển hình, người ta phải nhận ra đâu là quốc phục của một nước, đâu là trang phục điển hình của một dân tộc.

Nhà thiết kế áo dài - họa sĩ SĨ HOÀNG

Người thiết kế không có kiến thức

Với tình trạng loạn thiết kế trang phục dân tộc kỳ dị như vậy, tôi cho rằng tại bản thân những người thiết kế không có kiến thức. Một số thiết kế đã làm nhục chiếc áo dài vì chẳng hiểu chiếc áo dài đẹp ở chỗ nào để làm tăng cái đẹp ấy lên. Áo dài đẹp ở chỗ nó nhẹ nhàng, duyên dáng, gợi cảm mà kín đáo. Vì không hiểu nên có khi chiếc áo dài bị làm thành một trang phục nặng nề với cái đuôi dài mấy chục, mấy trăm mét, hay đắp đủ thứ lông lên nó. Người mẫu sẽ không còn tự tin với một trang phục như thế, đi còn sợ ngã thì còn thi thố gì nữa…

Tôi có cảm giác một số nhà thiết kế đã không đến bảo tàng trang phục dân tộc, bảo tàng lịch sử, hay đọc sách, tham khảo tài liệu để có chất liệu lịch sử mà chỉ làm trang phục dân tộc về các nhân vật lịch sử theo sự tưởng tượng của họ, hay theo hình vẽ của truyện tranh hiện đại, rồi xem trang phục cổ từ những cái game, tưởng đó là lịch sử. Thiết kế có bố cục rối rắm, màu sắc lung tung. Hễ thẩm mỹ, kiến thức của người thiết kế thế nào thì nó thể hiện ra ngoài đúng thế ấy.

Nhà thiết kế thời trang - giảng viên thời trang
LÊ THANH PHƯƠNG

Nhiều trang phục đẹp đơn giản từng lên ngôi

Tại cuộc thi Hoa hậu Trái đất 2010 diễn ra tại Việt Nam, không ít người xem đã ngạc nhiên khi bộ trang phục dân tộc bình dị may bằng vải bố của hoa hậu Nigeria lọt vào top 5 trang phục đẹp nhất. Ban tổ chức đã giải thích: Bộ trang phục ấy tinh tế, như hòa làm một với thí sinh đang mặc khiến cả hai cùng duyên dáng và nó mang đậm màu sắc văn hóa bản địa, con người Nigeria. Cũng vậy, năm 1995, chiếc áo dài khăn đóng duyên dáng bằng vải gấm in trúc xanh của Hoa khôi Trương Quỳnh Mai đã đoạt giải trang phục dân tộc đẹp nhất tại cuộc thi Hoa hậu Quốc tế. Năm 2009, người mẫu Chung Thục Quyên cũng đã đoạt giải trang phục dân tộc đẹp nhất tại cuộc thi Hoa hậu Siêu quốc gia tại Ba Lan với bộ áo tứ thân, nón quai thao thuần nét cổ.

HÒA BÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm