Maseco: Chúng tôi không vi phạm tác quyền!

Phóng viên báo Pháp Luật TP.HCM phỏng vấn ông Trịnh Ngọc Minh - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Phú Nhuận (Maseco) (ảnh).

RIAV không đại diện cho tất cả

. Thưa ông, tại buổi tập huấn pháp luật do Bộ VH-TT&DL tổ chức vào ngày 15-5 tại TP.HCM, bà Trương Thị Thu Dung (Phó Chủ tịch thường trực RIAV) “thay mặt cho các nhà sản xuất băng ghi âm, ghi hình” cho rằng hơn 42.000 bản ghi ca khúc của các nhà sản xuất băng đĩa thuộc RIAV đã bị các hãng sản xuất đầu karaoke vi phạm trắng trợn. Công ty ông là một trong những nhà sản xuất đầu máy karaoke nhãn hiệu Arirang nổi tiếng, thấy điều đó đúng hay không?

+ Có thực sự như bà Thu Dung tuyên bố hay không? Bởi sau hơn 10 năm ra đời, số lượng hội viên của RIAV quanh đi quẩn lại cũng chỉ vài gương mặt quen thuộc. Số lượng hội viên ngày càng giảm dần, kể cả những nhà sản xuất có uy tín. Thực ra, ban đầu hiệp hội thành lập cũng đông đủ hội viên, mọi người cũng hy vọng có một cơ quan đứng ra đại diện bảo vệ quyền lợi cho các hãng ghi âm. Tuy nhiên, càng về sau các đơn vị đối tác của RIAV càng tách ra nhiều, thậm chí có lúc hãng ghi âm của chính người trong ban chấp hành tách riêng ra trước.

Ở Việt Nam hiện có hàng trăm doanh nghiệp sản xuất chương trình ca nhạc, nhiều ca sĩ cũng lập doanh nghiệp (như Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà, Mỹ Linh, Ánh Tuyết …) nhưng không tham gia RIAV. Nhiều đối tác thân thiết, nhiều website nổi tiếng sau một thời gian hợp tác đã tách ra lập những “liên minh” mới đối trọng với RIAV. Và như vậy, RIAV chỉ có thể đại diện cho các hội viên hiện có của mình mà thôi chứ không thể nhân danh, thay mặt cho tất cả nhà sản xuất bản ghi (trong đó có Maseco).

Tôi thấy cần phải làm rõ điều này: Đó là những bản ghi bài hát bình thường hay bản ghi bài karaoke và RIAV có phải là chủ sở hữu hay không? Thông thường, bản ghi karaoke là tác phẩm phái sinh của bản ghi bài hát. Vì vậy để chứng minh mình là chủ sở hữu bản ghi karaoke, nhà sản xuất phải có giấy phép phát hành, phải trả tác quyền cho tác giả thì mới có đủ quyền. RIAV có đủ cơ sở chứng minh được điều này hay không?

. Theo RIAV, nguyên nhân sâu xa mà tác phẩm âm nhạc bị “xài chùa” chính là tính năng cho phép lưu file vào ổ cứng của đầu máy karaoke. Maseco là một trong những nhà sản xuất đầu máy karaoke cho phép người dùng vô tư tải bài hát về sử dụng mà không trả tác quyền. Đại diện RIAV cũng cho rằng các ông đã cung cấp code cho người dùng tải nhạc, giống như anh xây cái nhà, anh trao cho người khác chìa khóa để chứa hàng gian thì anh phải chịu trách nhiệm chứ?

+ Khi Maseco tung ra dòng sản phẩm mới là karaoke thông minh (Smart K), ngoài tính năng của máy karaoke, nó vẫn có các chức năng như cái máy vi tính, ĐTDĐ, máy tính bảng… chính là khả năng download, lưu trữ các dữ liệu theo sở thích của người dùng như nhạc, phim, sách, tranh, ảnh, tài liệu... Vì vậy, ý kiến cho rằng Maseco cho người dùng quyền sao chép bài hát karaoke VOD là sự quy chụp vô căn cứ vì việc cho hay không cho download dữ liệu là quyền, trách nhiệm của các nhà quản lý trang web, nhà sản xuất máy không có quyền cho hay không cho. Khi chúng tôi bán cái đầu máy thì người mua có toàn quyền sở hữu và chịu trách nhiệm về sử dụng tài sản của mình. Ngoài việc sản xuất đầu máy karaoke nhãn hiệu Arirang, Maseco còn là nhà sản xuất bản ghi karaoke lớn nhất Việt Nam với hơn 10.000 bài karaoke có đủ giấy phép sản xuất, phát hành, bản quyền tác giả và là chủ sở hữu bản ghi trên đĩa VCD, DVD và ổ đĩa cứng máy karaoke thông minh. Như vậy việc Maseco bán hoặc cho người dùng được phép sử dụng miễn phí tài sản của mình (bản ghi karaoke) là quyền của chủ sở hữu mà không một ai được phép can thiệp vào. Ngoài ra người dùng có thể mua, sưu tầm thêm những tác phẩm khác theo sở thích của mình và họ tự chịu trách nhiệm với chủ sở hữu tác phẩm.

Buổi tập huấn pháp luật do Bộ VH-TT&DL tổ chức vào ngày 15-5 tại TP.HCM. Ảnh:CTV

Không thể thu phí Maseco

. Như vậy, theo ông ai có quyền thu tiền sử dụng bản ghi karaoke và thu của ai?

+ Khi đưa vào kinh doanh dịch vụ karaoke thì người kinh doanh phải trả tiền cho tác giả và chủ sở hữu bản ghi, người biểu diễn (quyền liên quan). Lâu nay Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã thực hiện khá minh bạch việc công bố bảng giá, tổ chức thu tiền sử dụng tác phẩm ở các dịch vụ karaoke. Nhưng điều quan trọng mà RIAV không thể thu được là do không thể chứng minh được quyền của mình đối với bản ghi karaoke lưu hành trên thị trường. Nếu RIAV chứng minh được rằng mình có đủ tư cách đại diện cho chủ sở hữu bản ghi karaoke tạm gọi là đang bị “xài chùa” thì vấn đề đặt ra là RIAV phải thu của ai?

Luật Sở hữu trí tuệ về quyền liên quan quy định: “Tổ chức, cá nhân sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố trong hoạt động kinh doanh, thương mại không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao theo thỏa thuận cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình”. Như vậy các đơn vị phân phối bản ghi bài hát karaoke như các website, mạng ĐTDĐ và hàng ngàn nhà hàng karaoke là những đối tượng chủ yếu phải trả tiền sử dụng bản ghi. Một khi không đủ khả năng tiến hành thu từ các đối tượng phải trả theo quy định này thì đừng quay qua các nhà sản xuất đầu máy karaoke.

. Cũng tại buổi tập huấn pháp luật, đại diện Phương Nam Film, bà Phan Mộng Thúy cho rằng Maseco đã sử dụng các ca khúc của nhạc sĩ Vũ Thành An do Phương Nam Film độc quyền khai thác mà chưa được phép của Phương Nam Film?

+ Sau khi Phương Nam Film tuyên bố độc quyền các ca khúc của nhạc sĩ Vũ Thành An, ngày 1-8-2014 công ty chúng tôi đã gửi công văn đề nghị Phương Nam Film cung cấp các chứng từ là đơn vị độc quyền và mức thù lao sử dụng ca khúc của nhạc sĩ Vũ Thành An để chúng tôi thanh toán. Nhưng đã hơn chín tháng, công ty chúng tôi vẫn không nhận được trả lời của Phương Nam Film. Vì sao có chuyện đó xảy ra? Chúng tôi sẽ nói rõ hơn ở dịp khác. Hiện nay đang có tình trạng bát nháo trong việc độc quyền tác phẩm. Khi tuyên bố độc quyền một tác phẩm âm nhạc nào đó thì phải công bố bằng văn bản (chứ không phải tuyên bố bằng miệng), cung cấp chứng cứ chứng minh cái quyền mà mình được chủ sở hữu giao bởi vì bất cứ một giao dịch nào cũng đều có các giới hạn về quyền, thời gian, phạm vi sử dụng.

Hai bên cùng đòi tác quyền

Ông Trịnh Ngọc Minh kể một điển hình “cười ra nước mắt” minh họa cho tình trạng bát nháo trong độc quyền tác phẩm: Sau khi Cục Nghệ thuật biểu diễn công bố quyết định cho phép phổ biến các tác phẩm của cố nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ thì Trung tâm Băng nhạc Bến Thành gửi thông báo việc ông Hoàng Hữu Ly (cố vấn đầu tư Công ty Cổ phần Đầu tư VietRap - đại diện Hoàng Thi Thơ Production) theo nguyện vọng của gia đình bên nội là Hoàng Bích Khê và gia đình bên ngoại là họ Trần Điện Bàn ủy quyền cho cá nhân ông Huỳnh Tiết được độc quyền khai thác nhạc của Hoàng Thi Thơ. Thế nhưng các tác phẩm của cố nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ cũng lại được Công ty TNHH TM-DV Đông Hải tuyên bố được ông Hoàng Thi Thi là kế thừa hợp pháp (hoặc là đại diện hợp pháp cho ý chí của tất cả chủ sở hữu hợp pháp) ký hợp đồng cho Đông Hải độc quyền khai thác. Thử hỏi trong những tình huống như vậy, người muốn sử dụng tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ sẽ phải trả tác quyền cho ai mà không bị thưa kiện?

_____________________________________

Tại buổi tập huấn các quy định của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan (do Thanh tra Bộ VH-TT&DL tổ chức), đại diện RIAV cho rằng kho nhạc hơn 42.000 ca khúc của các nhà sản xuất băng đĩa thuộc RIAV bị các hãng sản xuất đầu karaoke vi phạm trắng trợn

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm