BÁT NHÁO CHUYỆN ĐÀO TẠO NGHỆ SĨ - BÀI 3

Mất tiền, mất sức vẫn… làng nhàng

Không ít “ca sĩ” xuất thân từ các công ty trên có cát-sê chỉ 50.000 đồng/đêm diễn.

Hằng năm, Công ty Thăng Long Star thường tổ chức cuộc thi Ngôi sao ca nhạc tương lai. Thành phần ban giám khảo là giám đốc công ty và một số nhà báo, ca sĩ khách mời. Thí sinh tham dự nằm trong độ tuổi 14-35.

Điệp khúc đóng tiền

Ở vòng 1, thí sinh trình bày một ca khúc và vòng 2 trình bày hai ca khúc. Giải thưởng gồm: một giải nhất sẽ được PR miễn phí trên trang web của công ty trong vòng một năm; một giải nhì được PR sáu tháng... Thành phần ban giám khảo xét tuyển sơ duyệt cuộc thi ngôi sao ca nhạc năm 2011 gồm: Nhà báo NQ (báo S.), ca sĩ Địa Hải và Vũ Creative - Giám đốc sáng tạo - quản lý ca sĩ của công ty.

Tôi được Vũ Creative gọi đến để chụp ảnh đăng tải trong mục Danh sách thí sinh tham dự cuộc thi Ngôi sao ca nhạc tương lai 2011 trên trang web thanglongstar.com. Vũ nói với tôi về giá cả chụp ảnh, thường khoảng 40.000-50.000 đồng/tấm. Tuy nhiên, vì tôi là “người trong công ty” nên anh ta nói sẽ gộp cả vào số tiền tôi hứa sẽ đóng sau khi kết thúc khóa học. Ngay sau đó, ảnh của tôi được đăng tải bên cạnh ảnh 13 thí sinh khác trên trang web thanglongstar.com.

Mất tiền, mất sức vẫn… làng nhàng ảnh 1

Một góc “lớp đào tạo ca sĩ chuyên nghiệp” với bề bộn đồ đạc. Học viên đang trong giờ luyện thanh. Ảnh: P.THỦY

Những ngày sau, đích thân Giám đốc Quốc Vũ gọi cho tôi và nói: “Băng Như (nghệ danh ca sĩ của học viên Lệ Hằng) vừa được công ty viết một bài PR trên mạng đã được một công ty khác mời đi chụp ảnh và quay clip với cát-sê 1-5 triệu đồng tùy phân cảnh. Anh nghĩ em cũng nên nhờ viết một bài PR như vậy quảng bá hình ảnh của mình để nhiều công ty biết tới, mời cộng tác, kiếm thêm thu nhập. Người ngoài anh lấy 5 triệu đồng/bài nhưng vì em là “người nhà” nên anh lấy 1,5 triệu đồng thôi”. Tôi đành lấy lý do rằng không có tiền và muốn tập trung vào việc học nên không muốn PR và cũng không muốn cộng tác với các công ty khác để từ chối.

Bên cạnh học phí còn nhiều loại tiền khác mà học viên phải đóng là tiền thu âm (2 triệu đồng/bài), tiền PR, đưa bài hát lên các trang web nghe nhạc nổi tiếng hiện nay (10 triệu đồng/bài), tiền quay clip với ca sĩ nổi tiếng khác (15 triệu đồng/bài). Như vậy, ngoài số tiền đóng trọn gói tùy theo gói của từng người (10 triệu đồng, 30 triệu đồng, 50 triệu đồng…) sẽ còn có rất nhiều khoản tiền phụ thu khác nảy sinh trong quá trình “luyện” thành ca sĩ chuyên nghiệp.

50.000 đồng/đêm diễn

Một ngày ở công ty từ sáng tới chiều, tôi quan sát có hàng chục lượt người qua lại đăng ký học, thi tuyển…

Bất kỳ ai đến đăng ký học sẽ được giới thiệu về hai ca sĩ đã nổi tiếng của công ty. Đó là Trịnh Thiên Ân với ca khúc Mưa buốt và Lâm Tuệ Nhi với hai ca khúc song ca cùng ca sĩ Địa Hải là Tình yêu là vàngNếu vắng nhau được đăng tải trên website http://mp3.plo.vn.

Trịnh Thiên Ân (đến từ Hà Nội) mới đầu quân vào công ty được năm tháng, từng đoạt giải nhất cuộc thi Ngôi sao ca nhạc tương lai 2010 do Công ty Thăng Long Star tổ chức; Lâm Tuệ Nhi (đến từ TP.HCM) giải nhì và Vương Anh, Băng Như là bốn ca sĩ mới, độc quyền của công ty, đã được biểu diễn ở nhiều sân khấu.

Một ca sĩ trong nhóm “ca sĩ độc quyền” của công ty tâm sự: “Tụi em thường đi biểu diễn ở các tỉnh lân cận như Bình Dương, Tây Ninh… cùng với sự góp mặt của một số ca sĩ hơi nổi khác. Cát-sê thông thường cho một đêm diễn với mỗi người cũng tùy, dao động 50.000-200.000 đồng/người/2-3 bài. Đối tác và “thầy” (học viên vẫn gọi Vũ Creative là thầy) nói bọn em chưa cứng, bước đầu cát-sê chỉ như vậy thôi. Giá sẽ tăng khi chúng em cứng cáp và nổi tiếng hơn”. Được biết, công việc của những “ca sĩ độc quyền” này chủ yếu là hát lót trong thời gian chờ ca sĩ ngôi sao xuất hiện hoặc sau khi ngôi sao ra về.

Một ca sĩ khác kể: “Hôm đi diễn ở Lái Thiêu, Bình Dương, do bị bể sô, không bán được vé nên đơn vị tổ chức nói không có tiền cát-sê. Tụi em đành chịu”.

Cát-sê quá thấp nhưng mỗi khi đi biểu diễn, học viên phải tự chuẩn bị tất cả, từ trang phục, trang điểm đến đĩa nhạc, phương tiện đi lại… Thế nhưng các em luôn tin: khởi đầu bao giờ cũng khó khăn; cứ chịu khó như vậy, dần dần mình sẽ nổi tiếng.

Cách chiêu sinh thoáng kết hợp với chất lượng đào tạo kém, không chuyên nghiệp cho ra đời thế hệ ca sĩ với cát-sê 50.000 đồng/đêm giữa thời bão giá. Với mức cát-sê ấy, thử hỏi đến bao giờ các em mới lấy lại đủ số tiền “đầu tư” trọn gói. Còn hy vọng vào sự đăng quang, nổi tiếng sao mà xa vời quá!

Ca sĩ Đức Tuấn: Từng mất hàng tháng cho một ca khúc

Muốn được đào tạo bài bản, ca sĩ phải bước ra từ nhạc viện hoặc các trường nghệ thuật có đào tạo bộ môn thanh nhạc. Những khóa học ở đó không chỉ cung cấp kỹ thuật thanh nhạc mà còn có những môn học bổ trợ rất nhiều cho việc phát triển nghề nghiệp của ca sĩ: lý luận âm nhạc, lịch sử âm nhạc… Ngoài ra, nhạc viện luôn có giờ luyện thanh mỗi ngày. Bản thân tôi, một ca sĩ được xem là chuyên nghiệp, hằng ngày vẫn phải dành khá nhiều thời gian cho công việc này.

Để hát được một ca khúc có thể chỉ mất vài giờ nhưng cũng có thể mất vài tháng, thậm chí lâu hơn, tùy độ khó của từng ca khúc. Để hát được những nhạc phẩm của nhạc sĩ Phạm Duy, Văn Cao như Tình ca, Trương Chi… tôi phải tập rất lâu. Bài Tình ca đã lấy của tôi hàng tháng trời, bởi ca khúc này không chỉ khó về kỹ thuật mà còn đòi hỏi tôi phải tập để khống chế cảm xúc cho phù hợp với từng đoạn.

QUỲNH TRANG ghi

PHẠM THỦY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm