MTV đến Việt Nam và giấc mơ xuất khẩu nhạc Việt

Tuy nhiên, dù đã khẳng định được vị thế ở thị trường nội địa, những giọng hát Việt vẫn chưa thể tạo dấu ấn với khán giả ngoại. Những dự án nhạc Việt ra nước ngoài vẫn rất phiêu lưu.

Từ ngày 1-7, kênh truyền hình MTV của Tập đoàn Viacom International Media Networks chính thức được Việt hóa tại Việt Nam. Sự hợp tác giữa MTV với đối tác là Công ty UTV và Đài Truyền hình cáp Việt Nam đánh dấu một hướng đi mới cho việc quảng bá nhạc Việt ra nước ngoài.

Một thời không kèn trống

Trào lưu xuất khẩu nhạc Việt khởi nguồn vào khoảng năm 2003. Ca sĩ Hồng Hạnh có lẽ là người tiên phong cho trào lưu đó. Chị kết hôn với một người Nhật và có điều kiện biểu diễn ở Nhật. Tiếp đó, Hồng Hạnh phát hành album First Memorial với các ca khúc bất hủ của Nhật được thể hiện bằng tiếng Việt. Ca sĩ Hồng Hạnh cho biết: “Thật sự việc phát hành album ở Nhật khi ấy chủ yếu dựa vào các mối quan hệ bạn bè, gia đình; không đặt nặng vấn đề lợi nhuận nên tôi không nắm được số lượng chính xác”. Sau Hồng Hạnh, Tam ca Áo trắng cũng từng biểu diễn một số ca khúc ở Nhật vào năm 2003 dưới hình thức tham gia quảng bá cho một nhãn hàng. Đến năm 2005, một loạt dự án xuất ngoại của ca sĩ Việt được thực hiện nhưng chủ yếu bằng con đường hợp tác với các công ty phát hành băng đĩa ra nước ngoài. Nếu Mỹ Linh đưa album Coming American qua Mỹ tiếp tục thu âm với Công ty Blue Tiger Records thì nhạc sĩ Quốc Bảo lại bán album The Tales của ba giọng ca Mai Khôi, Thủy Tiên, Lê Hiếu thông qua trang bán hàng qua mạng Amazone Album Khôi của ca sĩ Mai Khôi quảng bá ra thị trường nước ngoài cũng bằng hình thức bán qua mạng. Tập đoàn GMM của Thái Lan đã hợp tác với ca sĩ Lam Trường thực hiện album Anh nhớ em nhạc Thái lời Việt...

Năm 2006, ca sĩ Đan Trường cũng vào thị trường Trung Quốc, Ưng Hoàng Phúc và nhóm HAT vào Hong Kong từ việc hợp tác với kênh truyền hình TVB. Mỹ Tâm sau thời gian luyện thanh và tập vũ đạo ở Hàn Quốc đã phát hành album Vút bay ở Việt Nam và Hàn Quốc...

MTV đến Việt Nam và giấc mơ xuất khẩu nhạc Việt ảnh 1

MTV Việt hóa chỉ mới là hình thức, vẫn còn rất lâu nhạc Việt mới được quảng bá trên MTV châu Á. Trong ảnh: Ba VJ (video jockey - người dẫn chương trình) mới của kênh MTV Việt hóa Đăng Khoa, Quỳnh Chi và Anh Vũ. Ảnh: BHD

Cũng với nỗ lực vươn ra thế giới, năm 2010, nhiều ca sĩ đã phát hành album nhạc Việt bằng tiếng Anh: Mai Khôi với album Made in Mai Khoi, Thảo Trang với The new me, Đoan Trang với The Unmake-up, Hà Anh Tuấn với Cock-tail... Ca sĩ Đức Tuấn sau khi hợp tác với êkíp nghệ sĩ Canada để thực hiện album nhạc kịch Music of the night nay đang chuẩn bị cho kế hoạch phát hành album này ở Hong Kong và Canada…

Tương lai tươi sáng khi có MTV?

Những cố gắng đầu tiên của các ca sĩ trên là đưa sản phẩm âm nhạc của chính mình, thứ đến là đưa âm nhạc Việt ra quốc tế. Đó là một dấu hiệu đáng mừng cho nền nhạc nhẹ Việt Nam. Tuy nhiên, dù đã khẳng định được vị thế ở thị trường nội địa, những giọng ca này vẫn chưa thể tạo dấu ấn với khán giả ngoại.

Hầu hết các dự án âm nhạc trên được thực hiện nhờ vào quan hệ riêng của nghệ sĩ hoặc nhà sản xuất với nhà sản xuất nước ngoài hoặc thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa, quảng bá nhãn hàng. Các album này thường được chính ca sĩ phát hành ra nước ngoài khi tham gia biểu diễn các chương trình ở nước ngoài hoặc bán trên các trang mạng: Amazon, eBay, CDBaby… Việc bán trên các trang mạng hầu như chỉ để trưng bày vì chưa nhiều người nước ngoài quan tâm đến nhạc Việt.

Mỗi dự án sau khi phát hành đều không có con số cụ thể về kết quả lượng album được tiêu thụ ở nước ngoài. Duy nhất album của ca sĩ Lam Trường được ca sĩ này công bố con số tiêu thụ ở Thái Lan: khoảng 8.000 bản.

Nhiều nghệ sĩ cho rằng nhạc Việt chưa thể thâm nhập vào thị trường băng đĩa (dù chỉ thị trường châu Á) do không xây dựng được hình ảnh. Hình ảnh đó phải được thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là kênh truyền hình âm nhạc dành cho giới trẻ như MTV.

Ao nhà vẫn hơn

Nhưng khi MTV chưa kịp vào Việt Nam, tháng 6-2009, kênh truyền hình âm nhạc YanTV đã ra mắt công chúng. Trước YanTV, tháng 8-2008, kênh truyền hình của Yeah1 dành cho giới trẻ dành khá nhiều thời lượng cho âm nhạc cũng ra đời.

Thực tế đời sống của thị trường nhạc Việt sôi động hơn từ khi có YanTV và Yeah1. Tuy nhiên, việc quảng bá nhạc Việt qua hai kênh trên vẫn chỉ dừng ở phạm vi trong nước. Sự kiện kênh MTV đến Việt Nam một lần nữa gợi lên ước mơ xuất khẩu nhạc Việt. Thế nhưng liệu nghệ sĩ, nhà sản xuất Việt có đủ sáng tạo, tiền của để thực hiện các video clip, album đúng yêu cầu để phát sóng, quảng bá được trên MTV hay không vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.

Cửa cho nhạc Việt vẫn hẹp

Trong thời gian đầu MTV phát sóng tại Việt Nam, MTV dành thời lượng 2 tiếng mỗi ngày để phát sóng chương trình được Việt hóa và chương trình thuần Việt.

Sắp tới, MTV sẽ kết hợp với Công ty BHD chuẩn bị sản xuất 32 ca khúc của 32 ca sĩ có những dự án về âm nhạc đặc biệt trong năm 2011 và giới thiệu một số gương mặt trẻ. Tuy nhiên, những ca khúc này sẽ được giới thiệu đến khán giả trong khuôn khổ chương trình Giải thưởng video âm nhạc Việt Nam (VVMC) phát sóng trên kênh MTV tại Việt Nam. Chỉ có hai video clip được khán giả yêu thích nhất mới được MTV châu Á giới thiệu ra các nước trong khu vực.

Muốn ra biển lớn phải chuyên nghiệp hơn

MTV đến Việt Nam chắc chắn là cơ hội quảng bá cho album, hình ảnh ca sĩ và nhạc Việt. Nhưng đó cũng là thách thức rất lớn, bởi muốn MTV châu Á phát sóng các video clip của mình, nghệ sĩ phải đầu tư video clip đảm bảo tiêu chuẩn. Và tôi cho rằng việc đòi hỏi tiêu chuẩn cũng là tín hiệu tốt kích thích cho việc làm video clip ca nhạc chuyên nghiệp hơn, giúp ca sĩ Việt tiến dần đến sự chuyên nghiệp.

Ca sĩ ĐỨC TUẤN

QUỲNH TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm