Múa cổ: Không khó phục dựng mà khó giữ gìn

Múa cổ: Không khó phục dựng mà khó giữ gìn ảnh 1
Múa bài bông - một trong những điệu múa cổ có tuổi đời gần 700 năm  - Ảnh: H.Điệp
Thông qua ba kỳ liên hoan múa cổ (2008, 2009, 2010), đã có 40 điệu múa tồn tại trong dân gian được Hội Nghệ sĩ múa cùng các nghệ nhân đưa đến cho công chúng. Ðộc đáo, đặc sắc, mang đậm yếu tố văn hóa và tâm linh là những gì mà các nhà nghiên cứu nói về múa cổ. Tuy nhiên, sự khó khăn để bảo tồn một cách nguyên trạng là một trong những vấn đề nhức nhối hiện nay của những người làm nghề. Bởi hầu hết các điệu múa còn lại đến ngày nay thông qua phương thức truyền khẩu trong dân gian nên đã bị biến tấu đi rất nhiều. Nghệ sĩ Thái Phiên băn khoăn: nhiều khi các biên đạo muốn tạo dấu ấn của mình trong những điệu múa dân gian mà không ngần ngại "thọc tay" vào biến đổi. Thậm chí, việc mang các điệu múa cổ ra khỏi không gian thực hành của nó đã làm cho điệu múa mất đi ý nghĩa. Ông Triệu Ðình Hồng (64 tuổi, làng Triều Khúc, Thanh Xuân, Hà Nội) - nghệ nhân múa trống bồng - bức xúc: Ðiệu múa trống bồng được múa trong đình Triều Khúc khi làng có hội hoặc tế lễ đã được gìn giữ qua hàng ngàn năm. Thế nhưng khi được các nhà nghiên cứu sưu tầm và học hỏi, điệu múa đã bị biến cải đi rất nhiều. Trước câu hỏi Hội Nghệ sĩ múa sẽ làm gì với múa cổ, ông Nguyễn Văn Bích - chủ tịch hội - nói: "Chúng tôi sẽ hoàn chỉnh các điệu múa cổ và đề tài múa cổ sẽ được hoàn thiện như một công trình nghiên cứu khoa học cấp nhà nước. Việc múa cổ có trở thành di sản hay không thì đó là việc của các nhà quản lý văn hóa có cho rằng nó quan trọng và mang tầm cỡ di sản hay không".
Theo HOÀNG ĐIỆP (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm