Nghệ sĩ – tác giả Linh Huyền: Mong giới thiệu cải lương ra thế giới

Đây là một vở cải lương phục vụ khán giả trong nước và hướng đến khán giả nước ngoài. Chúng tôi có cuộc trò chuyện cùng nghệ sĩ - tác giả Linh Huyền, người khởi xướng và đầu tư thực hiện vở diễn này.

- PV: Thưa tác giả Linh Huyền, trong thời buổi sân khấu cải lương đang khốn khó, động lực nào giúp chị mạnh dạn đầu tư hơn 400 triệu đồng để dàn dựng vở “Bà Chúa thơ Nôm”?

Nghệ sĩ – tác giả Linh Huyền: Từ mơ ước giới thiệu bộ môn nghệ thuật cải lương đến bạn bè thế giới, tôi đã mạnh dạn đầu tư, dàn dựng vở “Bà Chúa thơ Nôm”, có nội dung nói về thân phận nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Sở dĩ tôi chọn nhân vật Hồ Xuân Hương là vì nữ sĩ này đã ít nhiều được công chúng nước ngoài biết tới qua tác phẩm “Spring Essence” của John Balaban.

Nghệ sĩ – tác giả Linh Huyền: Mong giới thiệu cải lương ra thế giới ảnh 1
NSƯT Thanh Thanh Hiền vào vai Hồ Xuân Hương. 

- Lần đầu tiên đưa nhân vật Hồ Xuân Hương lên sân khấu cải lương, hẳn chị gặp không ít khó khăn?

Đúng vậy. Nhưng tôi nghĩ, đó chính là thước đo giá trị của nghệ thuật. Để có được Hồ Xuân Hương trên sân khấu cải lương hôm nay, tôi đã phải dành trọn thời gian 8 tháng nghiên cứu về cuộc đời nữ sĩ tài hoa này và “thai nghén” kịch bản. Tôi ép mình không xem qua bất cứ vở chèo hay phim về Hồ Xuân Hương nào cả,  chỉ cốt để giữ cho “đứa con tinh thần” của mình được vẹn nguyên với tất cả tâm lý riêng mà mình cảm thụ được.

- Qua “Bà Chúa thơ Nôm”, chị muốn nói gì với công chúng?

Hồ Xuân Hương là một phụ nữ tài hoa nhưng đầy bất hạnh. Vì vậy, qua “Bà Chúa thơ Nôm” tôi muốn nhắn nhủ với phụ nữ, rằng hãy tự hào vì phụ nữ Việt Nam rất thông minh, tài giỏi; còn với nam giới, hãy trân trọng, yêu thương và nâng niu người phụ nữ mà mình đã may mắn có được bên cạnh cuộc đời.

- Giá vé của vở diễn khá cao, từ 150.000 đồng đến 400.000 đồng, chị có tự tin là mình sẽ kéo được khán giả đến rạp?

Nghệ thuật thì vô giá, mà con người thì lúc nào cũng đam mê cái đẹp. Tôi nghĩ, nếu thật sự vở “Bà Chúa thơ Nôm” hội đủ các nét đẹp tổng hợp của nghệ thuật Việt Nam, khán giả sẽ đến rạp để thưởng thức.

- Được biết, trước khi đầu tư dàn dựng vở cải lương này, chị còn mở lớp đào tạo hát cải lương, vũ đạo sân khấu, vậy lớp có đông học viên?

Lớp học tuy không đông lắm, nhưng đáng mừng là học viên toàn những người trẻ và có học vị cao trong xã hội như luật sư, thạc sĩ văn hóa, kế toán…

- Nghe nói ông xã của chị là người nước ngoài, nhưng lại luôn đồng hành với chị trong hoạt động cải lương. Người ta thường nói “thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn”, chẳng biết có đúng với trường hợp của anh – chị?

Không biết là biển Đông có cạn hay không, nhưng thuận vợ thuận chồng thì có. Anh ấy sống nơi quê hương của Opera, nhưng hiểu và thương cải lương lắm. Nhờ vậy, mỗi khi tôi làm bất kỳ việc gì có liên quan đến cải lương anh đều ủng hộ hết mình.

Theo Đỗ Hạnh (SGGP)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm