Người lưu giữ tinh hoa võ Việt

Sinh năm 1955 tại xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong (Quảng Trị), 12 tuổi, cậu bé Nguyễn Quang Tâm đã bái sư với thầy Trương Minh Hiếu - trưởng môn phái Mai Hãn và trở thành một môn sinh giỏi.

Người hùng của môn phái Mai Hãn

Thời bấy giờ, vẫn còn có những đoàn võ thuật thường đi biểu diễn và thi đấu ở các tỉnh lẻ (tương tự hình thức “mãi võ sơn đông”). Nổi tiếng đương thời là võ đoàn Bình Long - một võ đoàn quy tụ các võ sĩ ở miền Nam. Võ đoàn này có một võ sĩ đấu đài rất nổi tiếng, biệt danh Hắc Hổ.

Hắc Hổ có thân hình to lớn, vạm vỡ, khi đánh thường sử dụng ưu thế to cao của mình tung ra những cú lắc chỏ và lên gối chết người. Trong một lần đến Quảng Trị biểu diễn, các võ sĩ đoàn Bình Long đã thách đấu với các võ sĩ địa phương và gần như Hắc Hổ đã đánh bại mọi đối thủ. Đúng lúc chẳng còn ai tin là sẽ có người nào đó có thể “đả bại” Hắc Hổ thì bỗng trong đám đông phía dưới võ đài có một thanh niên trẻ bước lên thách đấu. Đó là võ sĩ Nguyễn Quang Tâm.

Tâm có thân hình nhỏ bé, thấp hơn Hắc Hổ cả một cái đầu. Vào trận, Hắc Hổ ỷ mình lợi thế về thân hình nên có ý xem thường, liên tục áp sát khoảng cách, đánh phủ đầu bằng những đòn đá chẻ mãnh liệt. Nhỏ con nhưng Quang Tâm né tránh rất nhanh nhẹn, ông giữ khoảng cách thích hợp nhằm hạn chế khả năng nhập nội đánh cùi chỏ của Hắc Hổ làm cho những pha ra đòn của Hắc Hổ như “tuyết đập cành liễu”…

Người lưu giữ tinh hoa võ Việt ảnh 1

Ảnh trên: Võ sư Nguyễn Quang Tâm. Ảnh: CL

Những pha ra đòn không hiệu quả dường như đã khiến Hắc Hổ trở nên hung hăng hơn, Hắc Hổ liên tục di chuyển nhằm dồn ép Nguyễn Quang Tâm vào góc đài. Vào góc đài, xem như là cửa tử, thế nhưng ông vẫn rất bình tĩnh dựa vào dây đài và dùng khuỷu tay, găng tay khép chặt, thủ kín vùng mặt, chấn thủy. Những cú đấm của Hắc Hổ tuy rất mạnh nhưng chỉ đánh trúng vào khuỷu và găng tay Nguyễn Quang Tâm. Hăng ra đòn để hạ đối thủ, Hắc Hổ đã sơ hở vùng đầu. Và chỉ đợi có vậy, võ sĩ Tâm đã tung một đòn rơ-ve ngược cực mạnh vào mặt đối phương (đòn đánh sở trường và là “đặc sản” của môn phái Mai Hãn). Đòn đánh bất ngờ này đã làm Hắc Hổ bị choáng. Tiếp đến, ông phang một đòn phá trụ vào bắp vế chân đối thủ. Hai pha phản đòn này của ông đã khiến Hắc Hổ ngã gục, không thể đứng dậy được. Trọng tài tuyên bố thắng cuộc trong sự reo vang, vui mừng của đám đông.

Sau trận đấu đó, ông tiếp tục giành những chiến thắng tại các giải đấu võ tự do trong tỉnh cũng như khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Tên tuổi của võ sĩ Nguyễn Quang Tâm được biết đến từ đó…

Khôi phục, phát triển võ cổ truyền

Kế thừa di chỉ của thầy Trương Minh Hiếu, năm 1995, ông trở thành trưởng môn phái Mai Hãn. Từ đây, ông bắt tay vào công cuộc khôi phục, phát triển võ cổ truyền.

Vào thời điểm đó, do cơ chế bó buộc nên công tác giảng dạy và phát triển võ thuật cổ truyền gặp nhiều khó khăn; võ cổ truyền Việt Nam nói chung, làng võ cổ truyền Quảng Trị nói riêng lâm vào cảnh suy thoái. Tuy vậy, bằng niềm đam mê và lòng nhiệt huyết của mình, ông vẫn không ngừng cố gắng. Để có thể có kinh phí trang trải cho việc duy trì lớp võ, ông và các học trò của mình phải thường xuyên đi biểu diễn và thi đấu ở khắp nơi trong tỉnh cũng như ngoài tỉnh, lúc lên tận Khe Sanh (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị), khi thì về tận vùng biển Cửa Việt (Gio Linh), rồi lên Buôn Ma Thuột, xuống Tây Ninh...

Những chuyến đi thi đấu biểu diễn không đơn thuần là tạo kinh phí cho võ phái hoạt động mà quan trọng hơn là thông qua đó võ sư Tâm truyền bá võ thuật cổ truyền Việt Nam. Qua những chuyến thi đấu biểu diễn, nhiều học trò của ông đã thành danh và trở thành những võ sĩ nổi tiếng như Nguyễn Xuân Du, Quang Hiệp, Nguyễn Quang Tánh, Văn Trỗi… Số lượng môn sinh không ngừng tăng lên. Cho đến nay võ đường Mai Hãn đã có chi phái tại tất cả các huyện trong tỉnh Quảng Trị và một số câu lạc bộ lớn tại Lâm Đồng, Vũng Tàu, Quảng Bình… Môn phái Mai Hãn đã trở thành môn phái hàng đầu trong làng võ cổ truyền Quảng Trị với hơn 1.000 môn sinh. Chính sự phát triển của môn phái đã tạo nền tảng và động lực cho làng võ cổ truyền tỉnh Quảng Trị đi lên.

Người lưu giữ tinh hoa võ Việt ảnh 2

Bộ sưu tập thành tích. Ảnh: NGỌC TÂN

Nhìn lại những chặng đường đã qua, võ sĩ Quang Tâm tâm sự: “Hồi đó khó khăn, vất vả nhưng tôi không bao giờ có ý định bỏ cuộc. Cứ mỗi khi mở được một lớp võ là mừng lắm! Cũng may là thời gian sau này cơ chế thay đổi, tạo điều kiện cho môn phái và hội phát triển!”.

“Võ đạo - mục đích cao cả của võ thuật”

Ở võ sư Quang Tâm, không chỉ có niềm đam mê, bầu nhiệt huyết tràn đầy với võ thuật mà còn là những bài học triết lý của một người thầy dạy võ. “Muốn phát triển được võ cổ truyền bền vững thì trước hết những người thầy dạy phải thực sự có một cái tâm. Phải yêu thương học trò của mình như con cái. Thầy không chỉ dạy võ cho các em mà quan trọng nhất là phải dạy võ đạo để các em nên người, có bản lĩnh để bươn chải trên đường đời. Đó mới là mục đích cao nhất của võ thuật!”.

Sau gần hơn 20 năm, ông đã đào tạo ra được hàng trăm HLV võ thuật, nhiều người trong số đó đã trở thành những võ sư nổi danh và đạt được thành công trong cuộc sống. Và rồi, họ lại tiếp tục kế thừa những bài học, những triết lý của ông để tiếp tục truyền dạy lại cho những học trò của mình.

Khi nói đến vấn đề phổ cập võ thuật cổ truyền toàn xã hội, ông cho biết quan điểm riêng của mình: “Võ cổ truyền là một di sản quý báu mà ông cha ta để lại, vì thế cần phải gìn giữ và phát huy. Muốn phát huy được nó thì phải phổ cập sâu rộng cho mọi người. Việc trước tiên là phải phân cấp thứ bậc và tạo ra một giáo trình chuẩn thống nhất, sau đó phổ cập vào chương trình học phổ thông như một môn học chính thức. Hàn Quốc đã rất thành công, Việt Nam ta nếu thực hiện thì tôi tin là cũng sẽ thành công! Chắc chắn thành công!”.

Võ sư Nguyễn Quang Tâm vẫn còn ấp ủ rất nhiều dự định nhằm phát triển phong trào võ thuật cổ truyền. Một trong những dự định đó là mở những lớp võ dành cho các em có hoàn cảnh mồ côi, khó khăn. Tuy nhiên, do hoàn cảnh mà thời gian qua ông vẫn chưa thực hiện được.

Võ sư Nguyễn Quang Tâm hiện là phó chủ tịch, trưởng ban chuyên môn Hội Võ thuật Cổ truyền tỉnh Quảng Trị.

Với những đóng góp to lớn, năm 2006, võ sư Nguyễn Quang Tâm vinh dự được nguyên Bộ trưởng Bộ Thể dục Thể thao Nguyễn Danh Thái tặng bằng khen và kỷ niệm chương Vì sự nghiệp phát triển của thể thao Việt Nam. Năm 2009, võ sư Nguyễn Quang Tâm cũng đã được Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Việt Nam trao tặng bằng khen vì sự nghiệp phát triển võ cổ truyền.

UÔNG NGỌC TÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm