Người Sài Gòn đi chùa cầu an ngày Tết Nguyên Tiêu

(PLO) - Rạng sáng 5-3, khuôn viên các ngôi chùa trong địa bàn TP.HCM tấp nập người hành hương, lễ Phật. Muôn ánh nến lung linh, huyền ảo. Khói hương nghi ngút. Tiếng chuông chùa trầm mặc vang vọng vào không gian… Đến hẹn lại lên, dịp Tết Nguyên Tiêu, người Sài Gòn thường tìm về các ngôi chùa để cầu n cho gia đạo.

Tết Nguyên Tiêu hay Tết Thượng Nguyên là lễ hội cổ truyền của Trung Quốc vào ngày 15 (ngày rằm) tháng Giêng Âm lịch. Đây là ngày lễ thiêng liêng nhất đầu năm mới. Ngày này, người ta thường hay thả thuyền giấy, đèn kéo quân  nên còn có tên gọi khác là “Lễ hội đèn hoa” hoặc “Hội hoa đăng”.

 Đông đảo khách hành hương tìm đến chùa vào ngày Tết Nguyên Tiêu.

Tết Nguyên Tiêu gắn bó trong tâm thức người Việt từ rất lâu. Tết này phần lớn tổ chức tại chùa, vì ngày Rằm tháng Giêng còn là ngày vía Phật tổ. Ở một số nơi, con cháu phải tập trung về nhà trưởng họ để cúng bái.

Khuôn viên sạch sẽ, vắng bóng ăn xin ở chùa Hoằng Pháp. 

Chúng tôi đến thăm chùa Hoằng Pháp (huyện Hóc Môn) – đây là ngôi chùa lớn nhất TP.HCM vào sáng 5-3. Chưa đến 6 giờ, khuôn viên chùa đã có hàng ngàn người đến thăm viếng. Không gian sân chùa thoáng đãng, rộng lớn đầy trang nghiêm. Quan sát, người ta không thể tìm thấy rác và người ăn xin trong chùa như các năm trước. Nhiều thợ chụp ảnh với dịch vụ “chụp lấy liền” đã sẵn sàng phục vụ cho nhu cầu của người dân.

Người ăn xin ở chùa Xá Lợi (Q.3). 

Nhiều khách hành hương rảo bước trong sân chùa. Trên tay, người ta cầm nhang, hoa sen, mâm cỗ trái cây để hướng tâm thành về với Phật. Theo ghi nhận, ban quản lí chùa đã bố trí lực lượng bảo vệ khắp mọi nơi. Bên cạnh tiếng chuông chùa, kinh giảng, khách tập phương còn được nghe những lời cảnh báo về tình trạng móc túi, mất giày dép.

Thông báo không nên mua nhang từ bên ngoài được đặt trước cổng Việt Nam Quốc Tự. 

Cũng trong sáng này, một số ngôi chùa nổi tiếng khác như chùa Vĩnh Nghiêm (Q.3), chùa Xá Lợi (Q.3), Việt Nam Quốc Tự (Q.10)… có rất đông Phật tử đến viếng.

Thông báo cho du khách ở một số ngôi chùa. 

Theo ghi nhận của chúng tôi, tình trạng người khất thực tại chùa đã được cải thiện đáng kể. Bởi, từ cuối năm 2014, chính quyền TP.HCM đã ban lệnh gom người ăn xin về các cơ sở xã hội. Tuy nhiên, khuôn viên chùa Xá Lợi (Q.3) vẫn còn nhiều người hành khuất, bán vé số ngồi lê lết.

Không gian thoáng đãng, nhiều đàn chim bồ câu được nuôi trong khuôn viên chùa.

Trước cổng nhiều chùa, người bày biện các mặt hàng như nhang, đèn, chim phóng sanh, hoa sen với giá đắt hơn ngày thường để bán cho các du khách. Tại chùa Vĩnh Nghiêm (Q.3), chúng tôi bắt gặp những cảnh chèn kéo, mời gọi khách mua nhang đèn.

Ngày này, nhà gửi xe của các chùa luôn trong tình trạng quá tải nên các bãi giữ xe tự phát bên ngoài mọc lên rất nhiều. Giá gửi dao động trong khoảng 5 đến 10 ngàn đồng dành cho xe máy.

 Các sư thầy chùa Hoằng Pháp rút bớt nhang trong bể cắm để tránh hỏa hoạn.

Ban quản lí Việt Nam Quốc Tự đã thực hiện nhiều điều lệ rất tốt. Từ cổng chùa, du khách có thể thấy bảng khuyến cáo không mua nhang đèn bên ngoài, vì bên trong chùa có nhang miễn phí. Thêm vào đó, các thông báo như: mỗi Phật tử chỉ nên đốt 8 cây nhang là vừa đủ, cẩn thận mất giày dép, tư trang,…  làm khách đến viếng chùa có cảm giác an tâm.

Hồng Trâm

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm