Nhà thờ tổ làng nghề truyền thống hơn 100 năm tuổi bị xâm hại

Trong khi UBND huyện Điện Bàn, Quảng Nam, xây dựng đề án đầu tư cụm làng nghề truyền thống Đông Khương, tập trung phát triển các nghề thủ công mỹ nghệ như: Đúc đồng, chạm khắc gỗ mỹ nghệ, dệt chiếu, làm gốm... nhằm tạo bước đột phá xây dựng nông thôn mới, gắn kết với phát triển ngành Du lịch theo lộ trình con đường di sản Hội An - Mỹ Sơn; thì ngôi nhà thờ các bậc tiền nhân khai ấp, lập làng Đông Khương bị xâm hại nghiêm trọng...

Nhà thờ tổ làng nghề truyền thống hơn 100 năm tuổi bị xâm hại ảnh 1

Tấm bia đá xác định nhà thờ tiền hiền làng Đông Khương xây dựng năm Thành Thái lục niên (1893). 

Theo gia phả của 62 chư tộc, phái làng Đông Khương (thuộc xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, Quảng Nam) thì vùng đất này được các thủy tổ dòng họ đến khai canh, lập ấp cách đây đã hơn 500 năm. Ngôi nhà thờ tiền hiền của làng lúc đầu làm bằng tre, gỗ; cho đến năm Thành Thái lục niên (1893) nó được trùng tu, sửa theo kiểu nhà rường 5 gian, 2 chái. Từ đó đến nay, các thế hệ dòng tộc quây quần sinh sống cùng nhau trong tình làng nghĩa xóm, "Xuân - Thu nhị kỳ" tế lễ, ghi nhớ công ơn các bậc tiền nhân tại ngôi nhà thờ này. Trong chiến tranh, các chư tộc, phái làng Đông Khương đã đóng góp hàng trăm người con ưu tú cho cách mạng; ngôi nhà thờ cũng là nơi hội họp bí mật của cơ sở cách mạng trong vùng bị địch tạm chiếm.

Nhưng, ngôi nhà thờ cổ thờ các bậc tiền hiền khai canh, lập ấp làng Đông Khương, cũng là nơi thờ tự những vị tổ làng nghề truyền thống, đang bị xâm hại nghiêm trọng. Ông Lê Hòa được các chư tộc, phái làng Đông Khương thống nhất cho làm nhà tạm bên hông phải nhà thờ để lo việc hương khói, song tự ý xây nhà kiên cố, rồi cắt đất vườn sau nhà thờ 180m2 bán cho người khác xây nhà ở. Việc ông Hòa xây dựng nhà sát ngôi nhà thờ cổ, lại còn xẻ khu đất bán cho người khác làm nhà, xây khu vệ sinh sát gian thờ các bậc tiền nhân là trái với đạo lý truyền thống, vi phạm pháp luật; đề nghị UBND huyện Điện Bàn kiểm tra, hủy sổ đỏ đã cấp cho ông Hòa.

Các nghệ nhân làng nghề truyền thống Đông Khương cũng ý kiến cho rằng, UBND tỉnh Quảng Nam và chính quyền huyện Điện Bàn đã chú trọng đầu tư xây dựng làng nghề truyền thống Đông Khương thì không có lý do gì để nhà thờ tổ các nghề thủ công mỹ nghệ bị xâm phạm. Ngôi nhà thờ cổ đang được địa phương đề nghị cấp trên công nhận di tích văn hóa càng cần phải được giữ gìn, tôn tạo để các thế hệ ghi nhớ công lao tiền nhân khai ấp lập làng thuở trước…
 

 
Theo L.V (CAND)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm