Nhạc sĩ Đào Đình Tuấn: Hoàng hôn và nỗi nhớ

Đào Đình Tuấn là một "Trái cây muộn cuối mùa/ sót lại sau mùa quả/ giữa rậm rì cành lá/ cô đơn..." (thơ Văn Thao). Nhưng đó chính là những trái chín trái mùa ngọt ngào, thơm ngát đọng lại trong lòng bạn bè, người thân và những khán giả mến mộ nhạc sĩ Đào Đình Tuấn - người nhạc sĩ của "Hoàng hôn và nỗi nhớ".

Nhạc sĩ Đào Đình Tuấn: Hoàng hôn và nỗi nhớ ảnh 1

Nhạc sĩ Đào Đình Tuấn qua nét vẽ của Văn Thao. 

Tôi gặp nhạc sĩ Vũ Thiết vào một ngày đầu tháng 1/1997 tại sân 51 Trần Hưng Đạo. Vũ Thiết cười, đôi mắt ánh lên tinh quái:

- Anh có rảnh không? Đi với em! Em phải giới thiệu cho anh một người đàn anh... hay lắm! Anh gặp là mê ngay.

Tôi ngần ngừ hỏi:

- Ai mà cậu cứ úp úp mở mở thế?

Vũ Thiết kéo tay tôi:

- Đi với em, gần đây thôi, gặp rồi anh sẽ biết.

Vũ Thiết dẫn tôi đi bộ một quãng đến Ban Đối ngoại Đài Tiếng nói Việt Nam, cạnh Thư viện Hà Nội ở góc phố Bà Triệu. Đến cửa hắn mới nói:

- Anh biết nhạc sĩ Đào Đình Tuấn không?

Tôi nhìn Thiết lắc đầu, quả thật cái tên này tôi chưa nghe bao giờ.

- Anh Tuấn làm Trưởng ban Đối ngoại, sáng tác nhạc hay lắm. Em cũng phải kính nể.

Tôi nhìn mắt Vũ Thiết. Chà, cái thằng cha này! Kiêu ngạo như nó mà đã phải khen ai thì chắc là "chơi" được.

Chúng tôi lên gác 2, vào một căn phòng độ hơn 10m2. Ông Trưởng ban Đối ngoại của nhà đài, một người cao to, bệ vệ, dáng điệu từ tốn, khoan thai, nét mặt điềm tĩnh đúng tác phong của một nhà ngoại giao có nghề đón chúng tôi từ ngoài cửa. Vũ Thiết oang oang giới thiệu tôi với Đào Đình Tuấn. Nét mặt anh tươi lên một chút, môi khẽ nở nụ cười nhẹ, bắt tay tôi và mời chúng tôi ngồi vào một bộ salông nhỏ kê ở góc tường phía trong, cạnh cửa sổ trông ra đường Bà Triệu. Đối diện phía bên là một tủ sách, một nửa tủ là rượu Tây các loại.

Đào Đình Tuấn pha trà mời chúng tôi, Vũ Thiết gạt đi:

- Đến với anh đâu phải để uống trà - Anh lấy rượu ra đây. Anh Văn Thao đây là một cây rượu đấy.

Đào Đình Tuấn cười, đứng dậy mở tủ. Lưỡng lự giây lát rồi anh lấy ra một chai Macten và 3 cái ly pha lê.

Chúng tôi cụng ly. Vũ Thiết đề nghị:

- Rượu ngon thế này phải có âm nhạc. Anh Tuấn cho anh Văn Thao nghe một số bài hát của anh đi.

Nét mặt Đào Đình Tuấn tươi hẳn lên, anh đứng dậy chọn băng và lấy ra một băng cátsét cho vào chiếc đài Sony đặt trên một chiếc tủ nhỏ cạnh bộ salông. Trước khi bật máy, anh đứng dậy đóng cửa sổ, kéo rèm che. Sau đó anh đi ra dặn cô nhân viên phòng bên:

- Tôi có khách, đừng để ai quấy rầy chúng tôi - Rồi anh đóng cửa lại cài chốt.

- Với anh Văn Thao đây, tôi muốn mời anh nghe bản sonata tôi viết cho piano.

Tiếng nhạc vang lên, cả căn phòng tràn ngập trong tiếng piano thánh thót. Tôi thật sự ngỡ ngàng. Những giai điệu đẹp mượt mà và sang trọng, vững vàng trong cấu trúc đã cuốn hút tôi. Ly rượu trên tay tôi run rẩy theo tiếng piano thuần khiết, quý phái. Tôi lặng đi quan sát Đào Đình Tuấn, đôi mắt anh tĩnh lặng ẩn chứa một nỗi buồn xa lắng, khuôn mặt và dáng vẻ ngoại giao không còn nữa, chỉ còn lại cái dáng dấp, cái thần của một nghệ sĩ đang thả hồn theo từng nốt nhạc.

Tôi lấy giấy bút vội vàng chớp lấy cơ hội ký họa ngay một bức chân dung - và tôi đã kịp thời ghi lại được cái thần của nhạc sĩ Đào Đình Tuấn. Sau buổi gặp gỡ đầu tiên ấy chúng tôi thân nhau từ đấy.

Nhạc sĩ Đào Đình Tuấn tuổi Đinh Sửu, sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Mê âm nhạc từ nhỏ nhưng mãi đến khi vào công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, anh vẫn không hề có ý định trở thành nhạc sĩ. Để thử sức mình, năm 23 tuổi, anh sáng tác bản nhạc đầu tay - bản sonata viết cho đàn piano. Anh đưa bản nhạc cho nghệ sĩ Thái Thị Liên xem để xin ý kiến. Bà Thái Thị Liên bảo anh: "Tôi không rành về sáng tác, để tôi nhờ nhạc sĩ Trần Ngọc Xương xem hộ và sẽ trả lời anh sau".

Thế rồi đất nước có chiến tranh, công việc bận rộn vất vả của người phóng viên cuốn hút Đào Đình Tuấn, anh không còn thời gian dành cho âm nhạc nữa.

Mãi đến đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, một lần anh được mời đi dự buổi biểu diễn báo cáo tốt nghiệp của sinh viên Nhạc viện Hà Nội. Sau buổi biểu diễn, anh tìm gặp con gái của nhạc sĩ Trần Ngọc Xương: "Cách đây 30 năm, chú có một bản sonat viết cho piano. Chú có nhờ nghệ sĩ Thái Thị Liên chuyển cho bố cháu xem hộ để xin ý kiến, không biết bố cháu còn lưu giữ không? Đấy là đứa con đầu lòng của chú". Đào Đình Tuấn nói ra điều đó nhưng thâm tâm anh không hy vọng gì tìm thấy đứa con của mình sau 30 năm thất lạc. Song thật bất ngờ, 15 phút sau, con gái của nhạc sĩ Trần Ngọc Xương đã đem đến trao lại cho anh bản nhạc, khiến Đào Đình Tuấn vô cùng xúc động.

Sau này, nghe lại tác phẩm của mình qua tiếng đàn của nghệ sĩ piano Tuyết Minh, Đào Đình Tuấn xúc động không cầm được nước mắt. Cảm xúc âm nhạc lại thức dậy, thúc đẩy anh tiếp tục trở lại con đường sáng tác. Anh viết tiếp 2 bản nhạc không lời: Bản Concerto cho cello và piano được nghệ sĩ cello Trần Thị Mơ trình diễn đã gây được tiếng vang trong giới nhạc sĩ và công chúng yêu âm nhạc. Bản hòa tấu 6 cây sello viết cho bài "Suối Mơ" của nhạc sĩ Văn Cao anh viết những năm gần đây đã được dàn dựng và biểu diễn báo cáo tại hội trường Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Là người sống ở Hà Nội từ bé, tôi rất yêu và gắn bó với mảnh đất này. Tôi yêu những đêm Hà Nội, đặc biệt là những đêm mưa, gió se lạnh tràn về luồn lách trong từng căn phố nhỏ. Những ồn ào, náo nhiệt của một thành phố sầm uất buôn bán không còn nữa. Thành phố như thu mình lại trong đêm, để ủ ấm những giấc mơ, để cho đôi lứa gần nhau hơn. Đêm Hà Nội chỉ còn lại những quán hàng lung linh ánh đèn, đâu đó vọng ra những tiếng nhạc réo rắt. Mưa đêm lất phất, se lạnh, đường phố vắng. Chỉ còn những đôi tình nhân nép bên nhau dưới mưa đêm. Và tôi thật sự xúc động bắt gặp những cảm xúc của Đào Đình Tuấn trong bài "Đêm Hà Nội": “Từ quán vắng lung linh những ánh đèn/ Âm thanh dâng trào A-Pa-xo-na-ta/ Anh đưa em về/ Mưa bay, mưa bay/ Hà Nội đêm nay/ Lòng người mê say/ Từng hạt mưa giát bạc trên đường phố/ Từng hạt mưa, mưa rơi trong mắt em/ Hạt mưa, hạt mưa/ Vì đâu nên ánh mắt em muộn sầu".

"Đêm Hà Nội" là một tác phẩm viết về Hà Nội thành công nhất của nhạc sĩ Đào Đình Tuấn. Bài hát đã được giải thưởng âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1997.

Trong những sáng tác của mình, phần lớn Đào Đình Tuấn sáng tác về "mảng đề tài tình yêu". Chất lãng mạn tiểu tư sản của một người Hà Nội hiện diện rất rõ trong những ca khúc của anh, sâu lắng, thiết tha, day dứt nhưng không bi lụy. Nhiều ca khúc của anh đã được các đạo diễn phim truyền hình lựa chọn làm bài hát chủ đạo trong phim. Riêng đạo diễn Huy Hoàng - một đạo diễn được xem là người khó tính trong việc lựa chọn nhạc sĩ sáng tác nhạc cho phim, có những nhạc sĩ chuyên viết nhạc cho phim cũng không cộng tác được với ông đến lần thứ hai, vậy mà đã phải thốt lên: "Bộ phim "Không cô đơn" của mình gặp sự cố về phần âm nhạc. Ca khúc chủ đạo trong phim khi thu thanh mới thấy không ăn nhập với nội dung phim, phải bỏ!

Thời gian tổng duyệt để phát sóng không còn nhiều nữa. Một người bạn giới thiệu mình với nhạc sĩ Đào Đình Tuấn, anh đồng ý nhận lời. Ba ngày sau, ca khúc "Hạnh phúc là như thế" phổ thơ Trần Lan Vinh đã được đưa đến phòng thu. Thật không ngờ ca khúc của anh Tuấn đã hòa quyện với nội dung phim và là một ca khúc hay. Từ sau lần đó, những bộ phim mình đạo diễn như: "Làng Lành" - với ca khúc "Em ở đâu" phổ thơ Văn Thao, "Đất thiêng" - với ca khúc "Bản tănggô không ai viết" phổ thơ Trần Lan Vinh, "Vùng cửa sóng" - với ca khúc "Hoàng hôn nỗi nhớ", đều do nhạc sĩ Đào Đình Tuấn sáng tác".

Đào Đình Tuấn thường lấy thơ của bạn bè để phổ nhạc. Anh nói với tôi: "Tớ có phần yếu về ca từ, đọc thơ của các bạn, câu chữ chắt lọc, giàu hình ảnh nên tớ dễ phổ nhạc hơn".

Là một người nhạy cảm, giàu cảm xúc, khát khao yêu âm nhạc, yêu cái đẹp, luôn hướng tới cái đẹp trong nghệ thuật nhưng Đào Đình Tuấn lại rất cô đơn, nỗi cô đơn thường trực trong con người anh, cô đơn giữa đời thường, cô đơn trong chính những người thân của mình. Có lần Đào Đình Tuấn rủ tôi ra Hồ Tây vào một buổi chiều tà. Chúng tôi ngồi bên một quán nhỏ ven hồ ngắm hoàng hôn, vầng mặt trời đỏ hừng hực đang lặn xuống phía bên kia hồ, hắt lên bầu trời những vầng sáng óng ánh như giát vàng. Tiếng chuông chùa Trấn Quốc vang ngân trên những con sóng dập dềnh lay động ánh hoàng hôn. Đào Đình Tuấn bảo tôi: "Mình rất hay ra đây ngắm hoàng hôn, chỉ có duy nhất ở đây, trên cái Hồ Tây này ta mới có thể được ngắm trọn vẹn cảnh mặt trời lặn". Đôi mắt người nhạc sĩ tóc đã điểm sương khói này nhìn về phía hoàng hôn hằn lên nỗi buồn xa vắng - hằn lên nỗi nhớ: "Mình có những kỷ niệm tuổi trẻ ở đây". Nói rồi anh lặng đi...  Trong "Hoàng hôn nỗi nhớ", Đào Đình Tuấn viết: Tôi yêu người con gái ấy/ Chẳng biết yêu tự bao giờ/ Tôi yêu vì đôi mắt ấy/ Xao xuyến mãi trong lòng tôi. Và: Giờ em ở đâu?/ Giờ em ở đâu?/ Để tôi còn đây/ Hoàng hôn xuống đời!

Có ai ngờ một người như Đào Đình Tuấn lại giấu trong mình một tình yêu mãnh liệt đến như thế.

Kỳ Sơn, tháng 5 năm 2010

Theo Văn Thao (VNCA)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm