Nhạc Việt lời Anh: Chắp hay chặt cánh?

Tình ca 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội gồm 10 tác phẩm: Hà Nội niềm tin và hy vọng, Tình đất đỏ miền Đông, Một đời người một rừng cây, Huyền thoại mẹ… được dịch lời sang tiếng Anh và được thể hiện bởi nhiều ca sĩ nghiệp dư. Điều khiến công chúng choáng váng là nội dung bản dịch quá sức ngô nghê với nhiều lỗi nghiêm trọng về từ vựng, ngữ pháp, ngữ nghĩa... Chẳng hạn bài Hà Nội mùa vắng những cơn mưa đã được dịch thành Ha Noi’s this season absent the rain. Câu “Hoa sữa thôi rơi, em bên tôi một chiều tan lớp” được dịch là: “…Flower stop falling, you inside me after class”. Bạn Nhựt Hồng đã phân tích: “You inside me after class theo tiếng Mỹ có nghĩa là “quan hệ tình dục sau lớp học” và nhấn mạnh đây là “một lỗi dịch thuật nguy hiểm” mà những trí thức như bác sĩ, nghệ sĩ, sinh viên tham gia dự án lẽ ra không thể phạm.

Với câu “Cái rét đầu đông khăn em bay hiu hiu gió lạnh” thay vì dùng khăn đội đầu hay khăn quàng cổ (scarf) dịch giả lại dùng khăn tắm (towel). Ca khúc Dư âm được dịch thành Echo of love - Tiếng vọng tình yêu… Lời gốc trong bài là “Yêu ai anh/em nắn cung đàn đầy vơi đôi mắt xa xăm“ được dịch là: In loving heart you set the tune with eyes far away có nghĩa là “Trong trái tim yêu thương em thiết lập âm với đôi mắt nằm ở ngoài xa lơ xa lắc".

Để giới thiệu nhạc Việt với thế giới thì dịch lời tác phẩm cũng là một cách. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể dịch hoàn hảo các tác phẩm Việt. Cách tốt nhất có lẽ là giới thiệu nguyên bản tác phẩm bằng tiếng Việt như Quốc Bảo đã làm với đĩa Tales (Những chuyện kể) cùng lời khẳng định: “Tôi muốn khán giả nước ngoài được nghe Tales bằng tiếng Việt”. Đâu thiếu người Việt nghe và cảm được các ca khúc Hàn, Nhật, Hoa… dù chẳng hiểu nội dung.

Phần còn lại của câu chuyện là giới thiệu như thế nào cho hiệu quả để công chúng quốc tế cảm nhận được nhạc Việt ngày nhiều hơn. Còn dịch ẩu như thế chắc chắn không thể là chắp cánh cho ca khúc Việt.

PHẠM THÀNH NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm