Nhớ ông Sáu Khải - Nhà kỹ trị, đổi mới và nhân hậu

Ngày 22-6, tại Hà Nội, Công ty Cổ phần Sách Alpha phối hợp cùng Trung tâm Hợp tác trí tuệ Việt Nam (VICC) giới thiệu cuốn sách Phan Văn Khải - Những hồi ức đặc biệt - Nhà lãnh đạo kỹ trị, đổi mới và nhân hậu. Cuốn sách là tập hợp những bài viết về cuộc đời của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải (được người dân gọi thân mật là ông Sáu Khải) qua góc nhìn của đồng nghiệp, người thân, qua báo chí và các bài trả lời phỏng vấn của ông...

“Không bao giờ nghĩ một đằng nói một nẻo”

Trong lời giới thiệu sách, ông Trần Đức Nguyên và bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng, viết: “Xuyên suốt những câu chuyện đó là những trải nghiệm và thách thức, những suy tư, trăn trở và cả những niềm vui và nỗi buồn của ông gắn chặt với lòng yêu nước thương nòi, với tinh thần tận tâm tận hiến tất cả sức lực và trí tuệ cho Tổ quốc, cho đồng bào”.

Ông Trần Đức Nguyên, nguyên trợ lý đặc biệt, nguyên Trưởng Ban nghiên cứu của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, hồi nhớ về người lãnh đạo của mình trong mối quan hệ của cố Thủ tướng với cán bộ và cấp dưới. Ông Nguyên kể: Trước khi ông Sáu Khải vào miền Nam đã tặng lại ông cái tủ sách cũ và đề vào đó mấy chữ: Thân tặng anh Trần Đức Nguyên làm kỷ niệm những năm tháng cùng nhau làm việc. “Một người lãnh đạo, thủ trưởng với một anh trợ lý, thư ký nhưng không có một chữ nào để thể hiện cấp trên, cấp dưới. Trong quan hệ với bất kỳ cán bộ nào, kể cả những người giúp việc thì thái độ anh Khải cũng rất thân mật, bình đẳng…” - ông Nguyên bày tỏ.

Ông Nguyên cũng bộc bạch trong thời gian làm việc với ông Sáu Khải có những điều gì cần nói, kể cả nói đến những mặt còn yếu, còn chưa tốt cũng như nói những chuyện bây giờ gọi là “nhạy cảm”, ông Sáu Khải đều lắng nghe tất. “Anh Khải không bao giờ nghĩ một đằng nói một nẻo, luôn luôn chân thành…” - ông Nguyên kể.

Đưa ra ba yếu tố làm nên con người cố Thủ tướng Phan Văn Khải, ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, liệt kê: Thứ nhất là được đào tạo bài bản, có kiến thức; thứ hai là được rèn luyện thực tiễn từ TP.HCM; thứ ba là con người có nhân cách. “Nếu không có nhân cách trọn vẹn, không có phẩm chất, đạo đức trọn vẹn thì cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã không trở thành một lãnh đạo được nhiều cán bộ, toàn dân, toàn Đảng mến yêu như bây giờ” - ông Hương nhận xét.

Nói đến con người cá nhân của cố Thủ tướng, ông Hương chia sẻ: “Ông khổ lắm, mồ côi cha rất sớm. Tôi phải đi tìm hiểu rất kỹ về gia đình ông Phan Văn Khải, đến Đại hội VI có người tố ông Phan Văn Khải khai man lý lịch, tôi là người đi thanh minh cho ông”.

Người dân xã Tân Thông Hội, Củ Chi, TP.HCM luôn biết ơn nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải vì ông đã lo chi phí xây trường học và làm đường. Ảnh: ĐỨC HIỂN

Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, chia sẻ tại buổi ra mắt cuốn sách. Ảnh: VIẾT THỊNH

“Nhiều khi Nhà nước cầm nhầm quyền của dân”

Đề cập đến vai trò của cố Thủ tướng Phan Văn Khải, bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, kể lại thời điểm tham gia tổ soạn thảo Luật Doanh nghiệp (DN). “Thực sự nếu không có vai trò cá nhân của ông Phan Văn Khải thì khó lòng chúng ta có được một luật tốt như vậy” - bà Lan nói.

Trường hợp ông Phan Văn Khải là trường hợp quy hoạch cán bộ cấp trên thành công nhất của Đảng ta. Bởi vì ông Khải là một học sinh miền Nam, đi học Liên Xô rồi về làm thực tiễn ở TP.HCM rồi mới lên phó thủ tướng, thủ tướng. Quy trình đào tạo bài bản, quy trình rèn luyện cũng rất bài bản… Công tác cán bộ qua hiệu quả công việc là sợi chỉ đỏ xuyên suốt để đo đức, tài của một cán bộ lãnh đạo. Đức, tài của ông Phan Văn Khải là chỗ đó.

Ông NGUYỄN ĐÌNH HƯƠNG,
 nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương 

Bà Lan cho biết theo nguyên tắc cũ (áp dụng cho các luật trước đấy), DN và người dân chỉ được làm những gì mà Nhà nước cho phép. Cho nên tất cả hoạt động gọi là kinh doanh một chút đều phải xin phép. Việc xin phép này phải đến cơ quan chính quyền địa phương xin giấy cho một thời hạn nhất định, làm một công việc nhất định. “Vô lý đến mức mở quán phở ở các phường cũng phải theo quy hoạch. Phường này chỉ có ba quán phở thôi, hiện có ba gia đình mở rồi thì không có người nào được mở tiếp quán phở thứ tư. Hay đánh máy chữ thuê, photocopy đều phải có giấy phép, giấy phép chỉ được cấp trong ba tháng thôi” - bà Lan kể.

Theo bà Lan, đó là những thực tế trong xã hội mà lúc đó ông Phan Văn Khải hiểu rất rõ. Khi lên cầm quyền, lần đầu tiên Thủ tướng đặt vấn đề: Soạn thảo luật về DN thì phải có người đại diện cho cộng đồng DN đó tham gia từ đầu chứ nếu các cơ quan nhà nước ngồi trong phòng bàn với nhau rồi cuối cùng đưa ra hỏi ý kiến công chúng và hỏi một cách hình thức thì tiếng nói của DN không di chuyển vào luật được.

“Tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của ông Khải là phải tạo quyền tự do cho Luật DN, hoặc nói cách khác là trả lại quyền tự do cho DN và người dân về làm kinh doanh. Thủ tướng cho rằng đấy là quyền đương nhiên trong quyền công dân. Ông Trần Đức Nguyên và tổ tư vấn hay nói đùa: Nhiều khi Nhà nước cầm nhầm quyền của dân thì bây giờ phải trả lại quyền đó cho dân” - bà Lan chia sẻ.

Cuốn sách ảnh về Thủ tướng Phan Văn Khải

Nhớ ông Sáu Khải - Nhà kỹ trị, đổi mới và nhân hậu ảnh 3

Tưởng niệm 100 ngày mất nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM đã cho ra mắt quyển sách ảnh Thủ tướng Phan Văn Khải - Một đời vì nước, vì dân (do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành).

Trong lời giới thiệu, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM viết: “Với tất cả tấm lòng tri ân và thành kính, Ban Tuyên giáo Thành ủy mong muốn quyển sách ảnh sẽ lưu dấu những kỷ niệm đẹp về chú Sáu Khải trong lòng nhân dân, trong lòng bạn bè quốc tế và đặc biệt là trong lòng thế hệ trẻ - thế hệ được thụ hưởng những giá trị tinh thần, vật chất và đang tiếp bước hôm nay”.

Quyển sách ảnh với bố cục gồm các phần: Thủ tướng Phan Văn Khải - Tâm sáng, chí cao; Tiễn biệt vị thủ tướng một đời vì nước, vì dân; Những trang viết nặng ân tình. Toàn bộ hình ảnh được chọn lọc trong quyển sách này đã ghi lại một số sự kiện nổi bật trong cuộc đời của vị Thủ tướng một đời vì nước, vì dân; những khoảnh khắc xúc động của chú Sáu trong suốt chặng đường hoạt động cách mạng cùng những sinh hoạt giản dị đời thường.

“Đâu đó trong từng trang sách, chúng ta sẽ bắt gặp hình ảnh vị Thủ tướng có nụ cười ấm áp đậm chất Nam bộ với phong thái đĩnh đạc, tự tin; những cái bắt tay lịch sử, những công trình đánh dấu sự phát triển của đất nước trên mọi lĩnh vực; những đổi thay của đất nước, của TP.HCM và quê hương Củ Chi trong từng chặng đường phát triển; những cống hiến miệt mài của một vị lãnh đạo đã nghỉ hưu nhưng vẫn chưa chịu ngơi nghỉ và những hình ảnh của chuyến hành trình cuối cùng về với quê hương, về với Đất Mẹ dấu yêu” - trích lời giới thiệu của Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM.

NQ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm