Nhớ thương ‘ông Thiềm Thừ’ Trần Kim Trắc

Tối 3-1, giới văn chương TP.HCM bất ngờ, đau xót với thông tin cây đại thụ của văn chương miền Nam - nhà văn Trần Kim Trắc qua đời.

Theo tin từ đại diện Hội Nhà văn TP.HCM, nhà văn Trần Kim Trắc mất cách nay hơn một tuần nhưng vì lý do riêng, gia đình không công bố rộng rãi.

Một đời văn - một đời bôn ba kiếm sống

Nhà văn Trần Kim Trắc sinh năm 1929 tại Chợ Gạo, Mỹ Tho. Ông trải qua một cuộc đời đầy gian truân, vất vả.

Năm 17 tuổi, ông đi bộ đội, trong đội trừ gian rồi bị bắt vào tù. Ra tù, ông tiếp tục phục vụ trong Tiểu đoàn 307. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, công tác tại Phòng Văn nghệ quân đội rồi lại bị kỷ luật.

Bắt đầu viết văn khá trễ nhưng truyện ngắn đầu tay Cái lu (1954) của ông đã đoạt ngay giải nhì giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam 1945-1954. Sau đó, bẵng đi 30 năm ông mới lại cầm được bút để sáng tác.

Quãng thời gian này ông phiêu bạt, làm đủ nghề như làm phu bốc vác, làm ruộng, đi rừng khai thác gỗ theo phân công của tổ chức.

Cuộc sống cực khổ, thiếu thốn trăm bề nhưng nhận nhiệm vụ là ông chấp hành, không một lời kêu ca. Ngày được gọi về Hà Nội, ông chọn gỗ tốt làm tặng bạn cái giường. Đi tàu đến ga Yên Bái, lúc thức dậy ông mới biết cái giường đã bị thuế vụ lên xe tịch thu mất, đành về tay trắng.

Sau đó, ông nhận nhiệm vụ đi nuôi ong ở Tuyên Quang và làm tốt đến mức tổ chức đón ông về Hà Nội “truyền nghề”. Ngày thống nhất đất nước, Trần Kim Trắc xin được trở về Nam.

Từ đây, với tay nghề của mình, ông thành công với nghề nuôi ong mật, mở cửa hàng riêng từ những năm 1980. Ai đến xin hỏi kinh nghiệm ông đều chỉ dẫn tận tình chứ không giấu.

Thoát khỏi nỗi lo cơm áo, ông quay lại nghề văn một cách mãnh liệt như để bù đắp lại tháng ngày đã qua. Để đến khi mất, ông đã là một cây đại thụ tỏa bóng mát xuống văn đàn Việt Nam.

Nhà văn Trần Kim Trắc và vợ lúc sinh thời, năm 2015. Ảnh: TRẦN HOÀNG NHÂN

Văn người đồng nhất hồn Nam bộ

Nhà văn Trần Kim Trắc là gương mặt được xếp vào nhóm những nhà văn đặc chất Nam bộ như Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Trang Thế Hy…

Văn của ông thâm trầm, trải đời mà vẫn dung dị, chân phương, cắc cớ mà lại tiếu lâm, hào sảng. Ông viết nhiều về người lao động nghèo, những thân phận dưới đáy xã hội như cô gái điếm, gã giang hồ, anh xe ôm...

Ngôn ngữ ông dùng là lời ăn tiếng nói hằng ngày của người miền Nam, tự nhiên, sinh động. Những câu chuyện nghe như chuyện vặt nhưng lại ẩn chứa vấn đề xã hội sâu xa như chuyện con gái miền Tây ồ ạt lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc trong Sài Gòn đắc địa; truyện Ông Thiềm Thừ cảnh báo việc làm mất cân bằng môi trường thiên nhiên sẽ nhận nghiệp báo.

Truyện của Trần Kim Trắc đa phần dung dị, dễ cảm nhưng luôn để lại dư vị khiến người ta nhớ mãi. Thấm đẫm trong đó là tình người dành cho nhau dẫu cách biểu đạt không hề hoa mỹ. Ông được xếp vào hàng nhà văn Nam bộ tiêu biểu là vì vậy.

“Trước hết tôi là người Nam bộ, văn tôi thì có riêng chất tếu, cái sự lí lắc của Nam bộ” là lời nói lúc sinh thời của ông.

Tháng 11-2015, NXB Trẻ đã ký hợp đồng trọn quyền sử dụng 19 tác phẩm của nhà văn Trần Kim Trắc với khoản phí trả trước là 100 triệu đồng. Ông là một trong số ít nhà văn như Sơn Nam, Trang Thế Hy, Nguyễn Huy Thiệp được NXB Trẻ chọn mời ký kết hợp đồng tác quyền. 

Cái cách mà ông kể những câu chuyện của mình đúng như tâm niệm ông từng chia sẻ với tôi: “Cụ Nguyễn Du viết “Trăm năm trong cõi người ta/ Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”, còn cụ Nguyễn Đình Chiểu thì viết “Nực cười hai chữ nhân tình éo le”. Đã biết nhân tình như thế thì hãy giữ mình, giữ khoảng cách để nhìn thấu, tìm được điều hay mà sống. Tôi là người Nam bộ, người Nam bộ vốn lạc quan, viết văn lại là công việc tìm ngọc trong đời. Ngọc là vẻ đẹp ẩn bên trong mỗi người”.

Được bạn văn kính trọng, yêu mến ở văn đàn bởi bút lực, nhà văn Trần Kim Trắc vẫn giữ sự khiêm tốn. Ông ít nói về mình, không tham gia vào ồn ào thế sự, chỉ lặng lẽ quan sát cuộc đời. Ông từng nói mình như người ở ẩn giữa phố thị Sài Gòn.

Hỏi về những bôn ba đã qua, ông trả lời người viết: “Đi đâu chẳng biết đi đâu, rề lên rề xuống lâu lâu lại về. Hễ về thì lại hề hề, rề lên rề xuống hề hề lại đi”.

Bây giờ thì ông đã vĩnh viễn đi khỏi cõi trần thế thật rồi. Người ở lại, bạn văn, bạn đọc chỉ còn có thể nghiêng mình, thương mến tiễn ông đi.

Trần Kim Trắc viết văn khá muộn, năm 1954 ông mới có truyện ngắn đầu tay Cái lu được đăng. Ngay lập tức truyện ngắn này đoạt giải nhì giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam 1945-1954 cùng với Đất nước đứng lên của nhà văn Nguyên Ngọc, Vượt Côn Đảo của nhà văn Phùng Quán. Vậy nhưng mãi đến 30 năm sau, nhà văn Trần Kim Trắc mới trở lại với văn chương và viết một cách say sưa, liên tục.

Các tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Trần Kim Trắc có: Con cá bặt tăm (truyện ngắn, 1990), Ông Thiềm Thừ (truyện ngắn, 1994), Hoàng đế ướt long bào (tiểu thuyết, 1996), Trăng đẹp mình trăng (truyện ngắn, 1997), Chuyện nàng Mimô (truyện ngắn, 1999)... Trong đó, Ông Thiềm Thừ nhận được tặng thưởng của Hội đồng văn xuôi Hội Nhà văn 1995.

Năm 2012, ở tuổi 83, nhà văn Trần Kim Trắc vẫn tham gia cuộc thi viết truyện ngắn chủ đề “Con người và cuộc sống hôm nay” của Hội Nhà văn TP.HCM và đoạt giải nhì (không có giải nhất) với truyện ngắn Sài Gòn đắc địa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm