Những bức ảnh tạo nguồn cảm hứng sống

50 bức ảnh đen trắng trong triển lãm ảnh Da cam - Thông điệp trái tim, nhân tháng Vì nạn nhân chất độc da cam, của nghệ sĩ nhiếp ảnh Thu An không chỉ là những bức ảnh tìm được góc ảnh đẹp, ghi lại được những khoảnh khắc kỳ diệu của cuộc sống mà còn là những bài học của cuộc sống.

Mỗi bức ảnh: Một hành trình giành sự sống

Bước ra từ cuộc triển lãm ảnh, Lê Hoàng Hoa (sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM) thốt lên: “Mỗi bức ảnh đều làm tôi thấy trân trọng cuộc sống hơn. Mỗi nhân vật trong bức ảnh đều dạy cho tôi một bài học quý”.

Tất cả nhân vật của bộ ảnh đều là những cuộc đời chịu di chứng của chất độc da cam. Triển lãm kể câu chuyện về cả cuộc đời của một người là hành trình giành giật từng phút giây để sống hay những cuộc đời khác dũng cảm sống vượt lên nghịch cảnh.

Bức ảnh Chiến thắng tật nguyền kể câu chuyện nghị lực của chàng trai Hồng Lợi. Lớn lên ở làng trẻ Hòa Bình, Nguyễn Hồng Lợi mất hai chân, cánh tay phải dị dạng nhưng anh đã miệt mài học vẽ và bơi lội. Anh được nhận làm thợ vẽ áo dài tại xưởng vẽ của nhà thiết kế Sĩ Hoàng. Được công ty tin tưởng giao phó, Hồng Lợi chính là người vẽ áo dài cho hoa hậu Hàn Quốc trong cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới tổ chức tại Việt Nam (2008).

Qua từng bức ảnh của Thu An, người xem có cảm nhận ống kính của tác giả đến thật gần các em khuyết tật, tới một khoảng cách không thể gần hơn.

Ngoài công việc vẽ áo dài, Hồng Lợi còn là vận động viên bơi lội chuyên nghiệp. Anh đã đạt rất nhiều huy chương của các hội thi bơi dành cho người khuyết tật toàn quốc và khu vực. Có thu nhập ổn định nhưng Hồng Lợi vẫn ở lại làng Hòa Bình dạy bơi, đưa đón các em nhỏ khác đi học như để trả ơn nơi anh được cưu mang thuở nhỏ.

Bên cạnh, bức Niềm tin là nụ cười tươi rói của cậu bé Minh An (làng Hòa Bình), bị khuyết tật hở hàm ếch và mang chứng gù lưng. Nhưng Minh An vẫn luôn lạc quan và phấn đấu học tập tốt. Niềm tin vào bản thân đã được đền đáp khi cậu được 22 điểm trong kỳ thi đại học vừa qua. Minh An vừa làm thủ tục nhập học, trở thành sinh viên ngành công nghệ thông tin của ĐH Quốc gia TP.HCM.

Chỉ cần sống là đã kiên cường

Người xem cũng rưng rưng cảm động với hình dáng một cậu bé nhỏ thó, mắc chứng bệnh xương thủy tinh đang gò người kết những hạt cườm để làm một sản phẩm thủ công. “Với bệnh xương thủy tinh, Bình (Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật An Phúc) không thể cử động chân tay nhiều. Em phải gác chân, tay lên nhau như một giàn khung rồi kẹp kim cố định vào chân, kết hợp dùng miệng để xỏ cườm. Tuy khó khăn nhưng đó là cách mà Bình kiếm thu nhập nuôi sống bản thân” - nhà nhiếp ảnh Thu An, tác giả bộ ảnh, cho biết.

Có những bức ảnh thể hiện cho người xem thấy chỉ cần sống đã là một hành động kiên cường của những con người mang những khuyết tật nghiêm trọng. Đó là hình ảnh những em bé phải sống trong lồng kính, thở ôxy, bơm thức ăn qua mũi… để vượt qua cái chết.

Mỗi cú bấm máy, một dòng yêu thương

“Các em lúc đầu thật khó gần vì mặc cảm hình dạng khuyết tật, hoặc tại lòng mình chưa đủ rộng, vòng tay chưa đủ êm để có thể ôm trọn các em vào lòng. Nhưng sau đó tôi thường xuyên lui tới làng Hòa Bình, Trung tâm An Phúc để vui chơi cùng các em, có ngày không chụp bức ảnh nào. Cho đến một ngày, các em xem tôi là bạn, không còn cảnh giác với ống kính. Tôi chụp ảnh cũng như cách trước nay mình nhìn ngắm các em nô đùa, vui chơi, học tập” - tác giả Thu An chia sẻ.

Tác giả đã theo các em đi khắp các trại hè. Ông được các em coi như thành viên trong gia đình. Ông có thể cõng các em vượt qua mô đất, ôm các em xuống tắm biển, nô đùa với các em trong cơn mưa đầu mùa. Trong số các bức ảnh triển lãm có một bức ảnh rất đẹp ghi lại hình ảnh một cô bé đùa nghịch trong mưa cùng chú bồ câu đang cất cánh bay lên từ đôi vai bị khuyết hai tay của cô bé. Tác giả Thu An kể lại rằng trước đó ông đã mua nhiều bồ câu đến tặng cho các em ở làng Hòa Bình nuôi. Một hôm trời mưa, ông xách máy chạy đến làng Hòa Bình “xúi” các em chạy chơi. Và ông đã chớp được khoảnh khắc đẹp đó. Ông đặt tên cho bức ảnh là Ước mơ.

Tác giả cũng theo chân các em về quê Bình Thuận xa xôi. Và nước mắt của người nghệ sĩ nhiếp ảnh lão thành đã rơi nhòa ống ngắm khi chứng kiến gia đình sinh ba người con đều bị di chứng da cam. Mâm cơm đó các con ở xa về thăm nhà chỉ có đĩa rau luộc, vài con cá khô cùng vài quả dừa tươi vừa hái trong vườn . “Tôi hiểu rằng các em làm việc không biết mệt mỏi, không chỉ để nuôi sống bản thân mà còn dành dụm tiền để có thể giúp đỡ gia đình” - tác giả xúc động nói.

TRÀ GIANG

Giành giải Nghệ sĩ nhiếp ảnh bậc thầy

Bộ ảnh Da cam - Thông điệp trái tim được nghệ sĩ nhiếp ảnh Thu An chụp trong khoảng thời gian từ năm 2001 đến năm 2013 tại làng Hòa Bình và Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật An Phúc. Trước đó Thu An đã gửi bộ ảnh ra công chúng quốc tế với mong muốn “cho bạn bè trên thế giới biết rằng họ đang đi tới dù trên chiếc nạng hay chiếc xe lăn”. Chính nguyện vọng và sáng tác xuất phát từ trái tim đó đã đem lại cho ông tước hiệu M.FIAP (nghệ sĩ nhiếp ảnh bậc thầy) của Liên đoàn Nghệ thuật nhiếp ảnh Quốc tế (FIAP). Bộ ảnh được triển lãm đến hết tháng 10 tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP.HCM.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm