Những di sản để lại

Ba nhạc sĩ lão thành Trần Văn Khê, Phan Huỳnh Điểu và Phan Nhân mất tại TP.HCM chỉ trong vòng mười ngày. Và mới hai hôm trước, chiều 3-7, nhạc sĩ An Thuyên qua đời ở tuổi 66 tại Hà Nội sau một cơn nhồi máu cơ tim.

An Thuyên có nhiều ca khúc mang âm hưởng dân ca rất được yêu thích. Ngoài GS-TS Trần Văn Khê là một nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc lừng lẫy từ hơn nửa thế kỷ trước, các nhạc sĩ còn lại là những người viết ca khúc rất thành công, mỗi người đều tạo được dấu ấn riêng rất sâu đậm trong lòng người nghe nhạc nhiều thế hệ với những tác phẩm để đời bất hủ. Phan Huỳnh Điểu được mệnh danh “ông vua phổ thơ tình” với các ca khúc tuyệt hay:Cuộc đời vẫn đẹp sao - thơ Dương Hương Ly; Anh ở đầu sông em cuối sông - thơ Hoài Vũ; Thuyền và biển, Thơ tình cuối mùa thu - thơ Xuân Quỳnh...; ca khúc Hà Nội niềm tin và hy vọng của Phan Nhân sống mãi trong lòng người người yêu nhạc mấy chục năm qua; còn An Thuyên chỉ cần Ca dao em và tôi mang âm hưởng dân ca miền Trung với những ca từ đầy chất thơ cũng đủ sống mãi trong lòng người yêu nhạc Việt.

Nhạc sĩ, thi sĩ ... - những nghệ sĩ sáng tạo như những con tằm rút ruột nhả tơ. Họ giã từ cõi tạm này nhưng những sáng tác giá trị đích thực của họ để lại sẽ sống mãi. Nếu nhạc sĩ là con tằm nhả tơ thì ca sĩ thể hiện ca khúc là người dệt tơ thành lụa. Thời đại bùng nổ thông tin với công nghệ nghe nhìn và kỹ thuật số ngày nay đúng là thời hoàng kim của những tác phẩm âm nhạc. Những nhà sản xuất âm nhạc cùng các ca sĩ là người được hưởng lợi nhiều nhất. Rất mong những ca khúc bất hủ của các nhạc sĩ đã về cõi vĩnh hằng sẽ được các nghệ sĩ biểu diễn tôn vinh xứng đáng để trân trọng gửi đến người thưởng ngoạn như những lời tri ân người sáng tạo.

Nghiêng mình trước các nhạc sĩ quá cố mà mình yêu quý trong tang lễ được tổ chức trang trọng vừa qua, khi trở về tôi ngậm ngùi nhớ tới những thi sĩ, nhạc sĩ tài hoa bạc mệnh sống trong bệnh tật, nghèo đói, chết trong cô đơn lặng lẽ, để lại cho đời những vần thơ, ca khúc bất hủ. Trong một lần về Quy Nhơn, tôi đến thăm trại phong Quy Hòa, thăm căn phòng nhỏ với chiếc giường con nơi Hàn Mặc Tử trút hơi thở cuối cùng sau một thời gian dài chống chọi với cơn bạo bệnh. Chính trên chiếc giường con này Hàn Mặc Tử viết nên những câu thơ như trút những giọt máu sau cùng. Khi trở ra, tôi ghé thăm mộ thi sĩ trên đồi Ghềnh Ráng, tôi bối rối khi thấy những tấm bảng gỗ cưa xéo với những câu thơ Hàn Mặc Tử được viết bằng bút lửa gọi là “thư pháp” của “nhà thư pháp lửa” Dzũ Kha treo la liệt quanh khu mộ Hàn Mặc Tử được ghi là “đồi thi nhân”. Nhà thư pháp lửa có vẻ kiếm tiền cũng khá nhờ “đốt lửa” thơ Hàn, sắm cả xe hơi và viết lên xe tự nhận mình là “người giữ lửa thơ Hàn”. Hàn Mặc Tử nếu linh thiêng chắc cũng lắc đầu khi nhìn những câu thơ thư pháp lửa này!

Tôi lại nao lòng nhớ tới nhạc sĩ tài hoa Trúc Phương đã chết trong nghèo đói gần hai mươi năm trước, để lại hàng trăm ca khúc trữ tình đi vào lòng bao thế hệ. Theo lời ông kể, lúc sinh tiền ông không có chỗ ở, suốt một thời gian dài, mỗi chiều ông đón xe lam ra Bến xe Miền Tây thuê chiếu nằm ngủ qua đêm. Những ca khúc của ông để lại đã mang lại lợi nhuận kếch xù cho nhiều nhà sản xuất âm nhạc, đánh bóng lại tên tuổi cho nhiều ca sĩ thế hệ trước 1975, cả khi họ về nước làm liveshow. Nhạc Trúc Phương cũng giúp làm sáng giá nhiều tên tuổi ca sĩ mới hôm nay. Dĩ nhiên tất cả đều kèm thêm lợi nhuận không nhỏ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm