Nỗi buồn rối nước Hội An

Tôi có dịp đi Hội An và có thấy giới thiệu về múa rối nước tại đây nên cho các bé đi xem. Tôi đã xem, rất thích và các bé nhỏ cũng thích. Rối nước Hội An đặc sắc, công phu, thao tác nhịp nhàng, con rối đẹp mắt và có nhiều hình dạng. Về nội dung thì nhiều “phân đoạn”, có khoảng 10 cảnh khác nhau, từ chăn vịt, câu cá, cày ruộng, đánh quái vật, kết đôi, đua thuyền, múa hát... Nhìn chung là hay, hấp dẫn, nên đi xem.

Màn trình diễn rối nước đẹp mắt tại rạp hát Hội An.

Tuy nhiên, vẫn còn mấy điều chưa hài lòng cho lắm. Hi vọng chia sẻ kinh nghiệm này sẽ giúp được phụ huynh có đưa bé đi có thể tham khảo được. Cũng hi vọng là rạp hát Hội An có thể hoàn thiện hơn chương trình múa rối nước của mình.  

1 - Âm thanh bị tạp, rối, vang. Tiếng nói quá nhanh, nghe không rõ nói cái gì, nhất là khi nói giọng Bắc. Tôi gốc Bắc nghe còn không rõ tiếng, các con và cháu sinh ra và lớn lên ở miền Nam, không nghe kịp âm thanh lời nói. Vì vậy các em sẽ khó theo được vần điệu uyển chuyển, lời hay ý đẹp, ngôn ngữ linh hoạt của ca từ múa rối nước. Có lẽ rạp nên điều chỉnh âm thanh cho tốt hơn. 

2 – Lời thoại (hát, nói chuyện với nhau...) của vở diễn chỉ bằng tiếng Việt (giọng Bắc). Khách nước ngoài nhiều. Không biết họ có hiểu vần điệu của lời ca tiếng hát đối đáp qua lại hay và đẹp ra sao hay không. Có lẽ nên gửi cho du khách những tờ rơi nói rõ hơn về nội dung vở diễn và ý nghĩa của lời thoại đó. 

3 - Mỗi đoạn diễn, ngoài thoại tiếng Việt thì còn có giọng nói tóm lược nội dung và chỉ nói bằng tiếng Anh, không dịch ra tiếng Việt. Với âm thanh tạp, vang, thì nghe tiếng Anh rất khó. Múa rối cho cả khách nước ngoài lẫn khách Việt, nhất là trẻ em, mà không phiên dịch tiếng Việt thì có thể khách Việt và trẻ em không hiểu được. Vì có những đoạn diễn không hề có thoại để hiểu nội dung, mà phần hình ảnh biểu diễn thì không đoán được nội dung. Ví dụ đoạn mưa gió bão bùng sấm chớp, rồi xuất hiện một con rồng. Thật khó để hiểu đó là con rồng tốt đến cứu hay con rồng xấu đến phá. Phải nghe tóm lược nội dung bằng tiếng Anh, gọi nó là “monster” mới biết nó xấu và đến cuối phân đoạn thì nó bị quánh tơi bời. Có thể chỉ cần nói ngắn gọn 2-3 câu tiếng Việt, mất 10-15 giây mà giúp người xem hiểu rõ hơn nội dung. 

4 - Vấn đề mà tôi và các bé mong muốn khi mua vé xem rối nước là muốn tìm hiểu về múa rối nước, chứ không phải “đi coi” mà thôi. Đến cuối buổi diễn (từ 18h30 đến 19h15), các cô chú điều khiển rối ra sân nước để chào là hết luôn, tắt đèn.

Các bé cũng ngơ ngác không biết múa rối nước có gì lạ và tại sao các cô chú xuất hiện trong hồ nước.

Tôi dắt mấy bé đi hỏi vòng vòng, tỏ ý muốn cho các bé xem con rối và múa rối nước là thế nào... nhưng không có ai chỉ dẫn được. Chúng tôi đi vào trong hậu trường và tự xem trong ánh sáng lờ mờ.

Có mấy khách nước ngoài cũng muốn tìm hiểu, họ đi theo chúng tôi vô hậu trường và tôi thành hướng dẫn viên bất đắc dĩ, “vận hành” con rối nước cho các bé xem.

Đương nhiên là trẻ con tò mò, chúng cũng muốn thử vận hành con rối. Và con rối thật thì rất nặng, dù mình giúp sức cẩn thận, nhưng chúng cũng khó khăn khi kéo dây giật rối. Trẻ con cũng rất ngạc nhiên trước những bộ đồ người nhái treo trong hậu trường nhưng chúng cũng không thể hình dung vì sao có những bộ đồ đó và rối nước thì cần nước để làm gì.

Bộ đồ người nhái của các diễn viên nhưng các bé tò mò không biết để làm gì. 

Vì vậy, điều mình mong muốn là với mỗi vở diễn rối nước, nhà hát có thể dành thêm 15-20 phút giới thiệu về nghệ thuật rối nước như con rối nước làm bằng gì, được cử động ra sao, cách vận hành con rối.

Và tốt hơn nữa là làm vài mẫu rối nho nhỏ, nhè nhẹ, có thể cho khán giả, nhất là khán giả nhí, khán giả nước ngoài, thử vận hành con rối. Có xem - có hiểu - có được tham gia thì tin rằng các bé, các du khách nước ngoài sẽ yêu thích và trân trọng nghệ thuật múa rối nước của Việt Nam hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm