BÁT NHÁO CHUYỆN ĐÀO TẠO NGHỆ SĨ - BÀI 2

Nổi tiếng trong vòng... một tháng

Trong vai một người khao khát trở thành ca sĩ, tôi nộp đơn xin học lớp đào tạo ca sĩ tại Công ty Thăng Long Star. Tại đây, tôi được hứa hẹn nếu đầu tư một khoản tiền xứng đáng, tôi sẽ nổi tiếng trong vòng… một tháng.

“Em có thể đầu tư bao nhiêu?”

Liên hệ với số điện thoại đăng quảng cáo, tôi nhận được lời hẹn gặp tại công ty để trao đổi trực tiếp. Trụ sở công ty là một ngôi nhà năm tầng nằm gần cuối hẻm 281/64/7 Lê Văn Sĩ, phường 1, quận Tân Bình, TP.HCM.

Trên tường từ tầng một tới tầng năm của ngôi nhà đều treo hình những ca sĩ, người mẫu, diễn viên khá nổi tiếng: Mai Khôi, Quách Thành Danh, Cao Thái Sơn, Tóc Tiên… với dòng chú thích: Make up and photo by Vũ Creative. Ngay tầng trệt có treo một tấm bảng to đùng hình Giám đốc công ty Nguyễn Quốc Vũ (Vũ Creative) với những thành tích… đáng nể: 1997: Nhà thiết kế thời trang cho nhãn hiệu McCann Erickson, 2003: Giám đốc sáng tạo Công ty Quảng cáo Goldsun…, 2004 thành lập thương hiệu Thăng Long phim và nay là Thăng Long Star.

Tiếp tôi là một người đàn ông khoảng trên 30 tuổi, tự giới thiệu tên Nhật Anh, làm công việc quản lý, điều hành chung công ty. Sau khi hỏi han về nguyện vọng, người này yêu cầu tôi trình bày một ca khúc tự chọn để đánh giá năng khiếu âm nhạc và khả năng biểu diễn của tôi.

Nổi tiếng trong vòng... một tháng ảnh 1

Thầy Hải, người được giới thiệu là thành viên của vũ đoàn Hoàng Thông, đang dạy vũ đạo cho học viên. Ảnh: P.THỦY

Tôi hát không hay và biểu diễn có phần gượng gạo nhưng Nhật Anh luôn miệng khen rằng tôi có chất giọng lạ, ngoại hình sáng sân khấu… rất có tiềm năng để trở thành một ca sĩ nổi tiếng với điều kiện phải thông qua sự đào tạo và hỗ trợ của công ty. Thấy tôi tỏ ra phấn khởi, Nhật Anh đề nghị sẽ hướng tôi theo con đường đào tạo ca sĩ chuyên nghiệp. Theo Nhật Anh, với tài năng, tâm huyết của tôi cùng sự hỗ trợ của công ty, “chắc chắn em sẽ nổi tiếng sau một tháng…!”. Thủ tục nhập học rất đơn giản: không giới hạn độ tuổi, không yêu cầu trình độ… Ngoài những câu hỏi tôi đến từ đâu, bao nhiêu tuổi…, câu duy nhất Nhật Anh hỏi đi hỏi lại nhiều lần là “Em có thể đầu tư vào con đường âm nhạc của mình bao nhiêu tiền?”. Khi tôi trả lời loanh quanh, Nhật Anh không đồng ý và yêu cầu tôi đưa ra con số cụ thể.

“Học phí thì phía công ty phải đưa ra chứ” - tôi thắc mắc. “Công ty đào tạo dựa vào số tiền đầu tư của học viên, có người hàng trăm triệu, người vài chục triệu, có người vài triệu…” - Nhật Anh trả lời.

“Em chỉ có thể đầu tư dưới 10 triệu” - tôi nói. Nhật Anh vui vẻ đồng ý, giục tôi đóng tiền ngay và có thể học buổi đầu tiên ngay chiều hôm đó. Lấy lý do chưa có tiền sẵn, tôi chỉ đóng trước 1 triệu đồng, số tiền còn lại tôi sẽ đóng sau một tháng, tức là khi tôi đã… nổi tiếng.

Đi nửa đường chưa đọc được nốt nhạc

Lớp đào tạo ca sĩ chuyên nghiệp của tôi là một căn phòng chừng 10 m2 với bề bộn quần áo, phông bạt... Thiết bị đầu tư để đào tạo ca sĩ của công ty bao gồm: đàn piano điện, dàn đầu đĩa vi tính, loa thùng. Cùng lớp với tôi là bốn học viên độ tuổi 18-20, trong đó có hai ca sĩ “nổi tiếng” - độc quyền của công ty là Trịnh Thiên Ân và Lâm Tuệ Nhi.

Buổi đầu tiên, tôi được Nhật Anh dẫn vào lớp để làm quen với những học viên khác, nhờ họ hướng dẫn cách tải nhạc nền bài hát và cách ghi đĩa để luyện hát trong mỗi buổi học. Thầy dạy nhạc chính là Trịnh Thiên Ân - ca sĩ độc quyền của công ty. Do tôi chưa kịp chuẩn bị đĩa nhạc nên suốt 3 tiếng đồng hồ buổi đầu tiên, tôi ngồi nghe các học viên khác hát, không khác gì hát cho nhau nghe.

Buổi thứ hai, tôi được học dưới sự giảng dạy của một thầy tự giới thiệu là giảng viên nhạc viện kiêm ca sĩ Phan Thanh Hưng. Trong 2 tiếng đồng hồ, thầy dạy rất nhiều kiến thức: cách lấy hơi, phát âm, luyện thanh, nhạc lý căn bản, đọc nốt nhạc, kỹ năng MC trên sân khấu… Suốt buổi học, tôi và các học viên khác đều tỏ ra ngơ ngác trước những kiến thức thầy dạy. Ngay cả “thầy” Trịnh Thiên Ân cũng ngơ ngác không kém chúng tôi.

Buổi thứ ba, người đứng lớp lại là “thầy” Trịnh Thiên Ân.

Buổi thứ tư, tôi được học vũ đạo với một thanh niên tên Hải, tự giới thiệu là thành viên vũ đoàn Hoàng Thông. Hải dạy chúng tôi những động tác vũ đạo chính khi thể hiện ca khúc Radio. Một bài vũ đạo có khi thầy phải học mất vài tuần để nhảy cho nhuần nhuyễn nhưng thầy dạy cho chúng tôi chỉ trong vòng 2 tiếng.

Một tuần, chúng tôi được học với các thầy vào thứ Ba và thứ Năm. Những buổi còn lại, chúng tôi tự ôn tập dưới sự hướng dẫn của “thầy” Trịnh Thiên Ân...

Hai tuần - nửa chặng đường tiếp cận sự nổi tiếng - trôi qua, tôi vẫn chưa biết đọc nốt nhạc.

Ca sĩ Ánh Tuyết: Ca khúc hát mấy chục năm vẫn phải tập trước khi diễn

Ca sĩ không phải một sớm một chiều, vài tuần vài tháng đào tạo mà thành. Dù người đó có năng khiếu đặc biệt… họ vẫn phải qua thời gian khổ luyện để có căn bản, có vậy mới mong trụ vững được với nghề.

Hiện mỗi ngày tôi vẫn phải tập bài vở dù đó là bài quen thuộc hằng đêm vẫn hát. Có những ca khúc tôi hát vài chục lần rồi nhưng lần nào hát cũng phải tập từng chút kỹ thuật, xử lý từng nốt với ban nhạc…

Ca sĩ là con người, không phải là cái máy hát nên không thể lúc nào hát cũng như nhau. Ca sĩ phải tùy theo không gian biểu diễn, tình cảm khán giả dành cho mình, cảm xúc của mình… mà trải lòng với ca khúc. Chính cảm xúc mới là bản sắc riêng của mỗi nghệ sĩ.

QUỲNH TRANG ghi

PHẠM THỦY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm